“Sau khi Đại tướng nghỉ, mỗi dịp sinh nhật rất nhiều đoàn thể, cựu chiến binh… đến chúc mừng. Họ nói, anh về rồi thì chúng tôi mới đến”, người thư ký lâu năm của Đại tướng nhớ lại.
Những ngày cuối tháng 8, trong căn phòng nhỏ ở Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (số 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), trung tá Lê Văn Hải, người giúp việc hơn 20 năm của Đại tướng vẫn tiếp nhận nhiều thư từ, tài liệu… liên quan đến ông.
Trong ký ức của trung tá Hải, dịp sinh nhật nào của Đại tướng cũng rất giản dị và ấm cúng. Văn phòng không tổ chức mà chỉ chuẩn bị tinh thần đón tiếp khách tới thăm. Hết đoàn này đến đoàn khác tìm đến ngồi kín cả phòng họp lớn.
Theo anh, nhiều người cả cuộc đời chiến đấu, đến lúc cao tuổi chỉ mong được gặp Đại tướng một lần để thỏa nguyện. Lại có những cụ già tìm đến để tặng Đại tướng đôi câu đối, vài dòng thơ…
“Có những buổi gặp mặt văn phòng không kịp chuẩn bị gì, chỉ có ít bánh kẹo và nước trà song mọi người không hề phiền lòng, trái lại còn say sưa kể lại những kỷ niệm chiến trường, đọc thơ chúc thọ, hát vang các bài ca cách mạng từ sáng đến quá trưa”, trung tá Hải bồi hồi.
Sinh nhật Đại tướng luôn giản dị, ấm cúng
Từ năm 2009, khi Đại tướng nằm viện, lượng người tới số 30 Hoàng Diệu thăm hỏi lại càng đông. Dù có chuẩn bị nhưng cán bộ văn phòng vẫn bất ngờ. Năm 2011, người dân từ khắp nơi trên cả nước bày tỏ tình cảm với những lẵng hoa, câu thơ... dịp Đại tướng tròn 100 tuổi.
"Tôi vẫn nhớ có cựu chiến binh tặng mấy câu thơ: Dùng binh thao lược tựa Lý, Trần/ Tận trung với nước, hiếu với dân/ Vượt mọi phong ba tâm trong sáng/ Thọ ngoại bách niên danh vạn xuân", trung tá Hải ngâm.
Hay như dịp sinh nhật 102 tuổi của Đại tướng (năm 2013), trời mưa nặng hạt, nhiều cán bộ giúp việc và những người thân cận đều đã cao tuổi vẫn có mặt đông đủ.
Đại tá Nguyễn Huyên (84 tuổi), người thư ký lớn tuổi nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ, nhiều người nói với ông rằng, những sinh nhật của Đại tướng là "hiện tượng hiếm có". Ông là lãnh đạo mà khi về nghỉ, người đến thăm hỏi đông hơn, nhiều hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm thắm thiết, sâu nặng.
Ông Huyên cho biết thêm, một vài lần, để chúc mừng người thủ trưởng, Văn phòng và gia đình Đại tướng chuẩn bị buổi gặp mặt nội bộ nho nhỏ chủ yếu để ôn lại những chuyện xưa và động viên nhau làm việc tốt hơn. Đại tướng coi những người giúp việc như con, song trong công việc thì rất bình đẳng, khuyến khích mọi người nêu ý kiến cá nhân. "Việc tranh luận với nhau để ra vấn đề không phải hiếm. Cũng nhờ vậy, những cán bộ giúp việc trong văn phòng đều có ý thức trau dồi, học hỏi để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình", đại tá Huyên nói.
Còn đại tá Trịnh Nguyên Huân thì vẫn ngày ngày cần mẫn tới văn phòng sắp xếp các tư liệu, hiện vật liên quan tới cuộc đời hoạt động của người thủ trưởng đáng kính. Công việc được ông và các thư ký, người giúp việc khác tiến hành từ nhiều năm trước, song khối lượng còn lại vẫn đồ sộ. “Sau khi anh Văn mất, chúng tôi tiếp tục làm việc đều đặn ở văn phòng. Không ngờ chẳng mấy chốc đã tới sinh nhật anh, sinh nhật đầu tiên vắng anh”, đại tá Huân bùi ngùi. Gắn bó từ năm 1976 và cùng với đại tá Nguyễn Huyên trở thành hai người thư ký lâu năm nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những lần sinh nhật của Đại tướng đều được đại tá Huân nhớ rõ.
“Năm 1992, khi anh Văn vừa qua tuổi 80 và nghỉ hưu, ngày sinh nhật anh bỗng có rất nhiều đoàn thể như các cựu chiến binh, hội phụ nữ… đến chúc mừng. Gặp anh, họ ôm chặt, nắm tay nói: Anh còn công tác thì chúng tôi không đến nhưng anh về rồi thì chúng tôi đến thăm, chúc sức khỏe anh”, vị đại tá kể.
Theo ông, kể từ đó, cứ đến dịp sinh nhật, lễ tết, ngày kỷ niệm chiến thắng, lượng người tìm đến tư gia, Văn phòng Đại tướng ngày một đông, đặc biệt là sau khi Đại tướng bước qua tuổi 90. Phòng họp, nơi treo các bức trướng mừng thọ, đặt các kỷ vật không còn chỗ treo … Một trong những sinh nhật khiến đại tá Huân nhớ mãi là lần một cựu chiến binh ở Quảng Bình, quê hương Đại tướng, lặn lội bắt nhiều chặng xe mới ra tới Hà Nội. Khi người cựu chiến binh tìm đến số nhà 30 Hoàng Diệu thì đã có khá nhiều đồng chí, bạn bè… đang chúc thọ Đại tướng.
“Người lính đó đã ở tuổi làm ông, song chưa từng gặp Đại tướng. Ông ấy tìm đến vị Tổng tư lệnh của mình nghiêm trang chào và báo cáo hoàn thành nhiệm vụ. Một cuộc gặp tuy bình dị nhưng đó là mong ước cả đời của người lính. Và để có được nó là hàng chục năm bom đạn, chiến tranh”, đại tá Trịnh Nguyên Huân kể.
Xem thêm clip có thể bạn quan tâm: Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận: Đổi mới nhưng không tạo sốc cho học sinh