(Tinmoi.vn) Nhiều người tin thụ thai vào 'ngày đèn đỏ' sẽ sinh ra trẻ tóc đỏ, nhưng khoa học ngày nay đã soi tỏ và chứng minh điều này hoàn toàn phi lý.
Các nhà nghiên cứu gần đây phát hiện trong những ngày kinh nguyệt, bạn dường như ngớ ngẩn. Các nhà tâm lý học tại ĐH Bath (Anh) đã yêu cầu 52 phụ nữ hoàn thành một loạt việc cơ bản trên máy tính - với chuột và không có chuột. Kết quả cho thấy cơn đau kinh nguyệt làm giảm chức năng nhận thức và khả năng tập trung của phụ nữ, khiến họ thực hiện các bài kiểm tra rất tệ. Thực tế, có nhiều điều khác còn chưa được biết tới về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Về mặt sinh học, nam giới ít thấy lôi cuốn khi bạn "đèn đỏ"
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ testosterone của một người đàn ông bị ảnh hưởng bởi mùi hương của một người phụ nữ, đặc biệt khi nàng rụng trứng (có nghĩa khi cô ấy ở đỉnh cao của khả năng sinh sản). Các nhà khoa học Saul Miller và Jon Maner từ ĐH bang Florida (Mỹ) đã thực hiện việc kiểm tra lý thuyết này.
Họ yêu cầu những người đàn ông tình nguyện ngửi chiếc áo thun cộc tay đã được mặc từ những người phụ nữ ở nhiều giai đoạn khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Psychological Science phát hiện, khi nam giới ngửi chiếc áo thun do người phụ nữ mặc lúc rụng trứng, mức testosterone tăng đáng kể so với khi ngửi chiếc áo mà người phụ nữ mặc trong các thời điểm khác. Khi được hỏi, những người đàn ông cũng nhận xét rằng chiếc áo thun được mặc khi người phụ nữ rụng trứng có mùi hương ngọt ngào.
Progesterone - loại hoóc môn được các nhà khoa học tin là làm giảm ham muốn - ở mức thấp nhất trong suốt những ngày bạn "đèn đỏ". Vì vậy, theo bản năng, vào những ngày này bạn thường thích chui vào chiếc quần thể thao từ hồi học đại học hơn là mặc các bộ đồ gợi cảm, bó sát. Bởi thế, không có gì lạ khi trong những ngày này chị em có cảm giác thôi thúc muốn làm điều gì đó thoải mái, đơn giản.
Khi "đèn đỏ", bạn thích mua sắm điên cuồng
Các hóa đơn, thẻ tín dụng ghi nợ chồng chất vào cùng thời điểm mỗi tháng. Lỗi do buồng trứng của bạn. Phụ nữ có nhiều khả năng phung phí vào việc mua sắm vào 10 ngày trước khi chu kỳ kinh nguyệt của họ bắt đầu. Giáo sư Pine, ĐH Hertfordshire, khảo sát 500 phụ nữ về thói quen tiêu xài của họ trong mối tương quan với chu kỳ kinh nguyệt. Gần 2/3 số phụ nữ được nghiên cứu, những người đang ở giai đoạn sau của chu kỳ đèn đỏ, thừa nhận đã mua thứ gì đó trong cơn bốc đồng. Giáo sư Pine giải thích, việc mua sắm này giúp phụ nữ đối mặt với những khó chịu do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra.
Nguyệt san ảnh hưởng tới giọng nói của bạn
Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Ethology, các nhà tâm lý học đã yêu cầu 3 nhóm nam giới lắng nghe giọng nói được ghi âm của phụ nữ khi đếm từ 1 đến 5 - ở 4 thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt của họ. Những người đàn ông này sau đó được yêu cầu đoán xem đoạn thu âm nào là của người phụ nữ đang "đèn đỏ". Sau khi kiểm tra câu trả lời, các nhà nghiên cứu Nathan Pipitone ở ĐH bang Adams (Mỹ) và Gordon Gallup từ SUNY-Albany, cho thấy nam giới xác nhận khá chính xác các thời điểm. "Các tế bào từ thanh quản và âm đạo rất giống nhau và thể hiện các thụ thể hoóc môn tương tự", Pipitone nói.
Một giáo sư ĐH Harvard từng cảnh báo các cô gái có thể bị ảnh hưởng sinh sản nếu theo đuổi học vấn
Từng có người tin rằng việc kiếm tấm bằng đại học có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến cơ quan sinh sản của phụ nữ. Ở thế kỷ 20, tiến sĩ Edward H. Clarke tại ĐH Y Harvard (Mỹ) đã viết một cuốn sách gọi là Sex in Education (tình dục trong giáo dục). Trong đó, ông khuyến cáo rằng "học vấn cao hơn sẽ gây teo tử cung ở phụ nữ". Nói cách khác, ông khẳng định rằng nếu một người phụ nữ trẻ theo đuổi việc học đại học, tất cả máu trong cơ thể cô ấy sẽ được chuyển từ tử cung tới kích thích bộ não. Đây rõ ràng là một suy luận rất ngô nghê.
Nhiều người tin thụ thai vào 'ngày đèn đỏ' sẽ sinh ra trẻ tóc đỏ
Nhiều người đã tin điều này là sự thật. Người ta cho rằng một người tóc đỏ được sinh ra nếu việc thụ thai vào đúng lúc người phụ nữ đang có "đèn đỏ". Tất nhiên, khoa học ngày nay đã soi tỏ và chứng minh điều này hoàn toàn phi lý.
Chu kỳ nguyệt san có thể làm bạn chảy máu từ phần khác của cơ thể, không chỉ ở tử cung
Ý kiến này có thể gây đôi chút sợ hãi. Thực tế, tình trạng này được y khoa gọi là "kinh nguyệt thay thế", xuất hiện quanh những năm 1800 và để ý hiện tượng chảy máu từ các bề mặt khác ngoài niêm mạc của khoang tử cung, xảy ra tại thời điểm kinh nguyệt bình thường sẽ diễn ra. Có những phụ nữ được ghi nhận chảy máu từ mắt, tai, miệng, phổi, mũi và thậm chí trên da.
H.A (Theo Yourtango)