Ăn đường quá nhiều có nguy cơ bị bệnh tiểu đường rất cao, ngoài ra đường còn gây hại cho gan và răng lợi. Dưới đây là một số bệnh nguy hiểm khi lạm dụng đường cần lưu ý.
Đường làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim
Lạm dụng đường là nguy cơ hàng đầu gây nên bệnh tiểu đường
Những công trình nghiên cứu trên quy mô lớn đã chỉ ra rằng, càng ăn nhiều các loại thức ăn có hàm lượng glycemic cao (tác động nhanh chóng đến lượng đường trong máu) trong đó có thức ăn chứa đường thì nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim sẽ càng cao và có thể liên quan đến nhiều loại ung thư.
Gây hại cho gan
Ăn nhiều đường còn ảnh hưởng đến gan. Gan có chức năng hấp thụ đường và chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể, vì vậy, gan dễ dự trữ chất béo khi bạn sử dụng nhiều đường. Ngoài ra, khi gan bị quá tải, buộc phải tiết ra insulin dư thừa để cân bằng cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tiểu đường loại hai, tăng cân và gan nhiễm mỡ.
Đường dễ gây bệnh răng lợi, từ đó có thể dẫn đến bệnh tim
Bệnh tim là do những tác hại của ăn nhiều đường gây ra Việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại như nhiễm trùng lợi là một trong những tác nhân thúc đẩy sự phát triển bệnh liên quan đến động mạch vành.
Đường gây tăng glucoza trong máu, suy nhược và mệt mỏi
Tác hại của ăn nhiều đường làm cho lượng đường trong máu không ổn định sẽ dẫn tới mệt mỏi, đau đầu và thèm ăn đường nhiều hơn. Sự thèm thuồng đó chuẩn bị cho một chu kỳ nghiện đường mà mỗi khi bạn nạp thêm đường vào cơ thể bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một cách tạm thời. Nhưng chỉ một vài giờ sau, bạn lại cảm thấy thèm đường và đói.
Đường gây stress
Stress là một tác hại của ăn nhiều đường. Lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến việc kích thích các hormone gây ra tình trạng cáu kỉnh, bực bội. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên học cách kiềm chế trước các đồ ăn được chế biến từ vị đường ngọt ngào đó.
Gây nghiện
Một chuyên gia y tế hàng đầu của Hà Lan cho rằng đường là “ma túy nguy hiểm nhất của thời đại chúng ta” và nên có cảnh báo như hút thuốc lá. Ông Paul van der Velpen, người đứng đầu dịch vụ y tế của Amsterdam (Hà Lan) cho rằng đường là 1 chất gây nghiện và không nên khuyến khích sử dụng nó.
Đường ngăn cản hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng
Ở những người ăn nhiều đường, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi, phốt pho, magiê và sắt. Thật trớ trêu là những người hấp thụ nhiều đường nhất lại là trẻ em và thanh thiếu niên, những cá thể cần đến nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Gây cận thị
Theo báo cáo của Hội đồng chống cận thị Nhật Bản, lượng đường nhiều còn ảnh hưởng tới lượng canxi trong cơ thể, làm tăng khả năng đàn hồi của nhãn cầu, đường kính nhãn cầu dễ tăng, mức độ cận thị vì vậy cũng tăng. Bác sĩ B. Lein, nhà nhãn khoa nổi tiếng người Mỹ, dựa trên nhiều số liệu về dinh dưỡng của người bệnh mà ông đã điều trị, khẳng định: bệnh cận thị phát triển không chỉ do mắt mệt mỏi bởi làm việc nhiều quá mà còn do ăn uống không đủ các chất cần thiết. Một chế độ ăn thừa đường, canxi, protein và thiếu crôm sẽ làm cho bệnh cận thị nặng thêm.
Tích lũy chất độc trong cơ thể
Sau khi đường được hấp thụ bởi cơ thể con người, nó sẽ bị phân hủy và sản xuất năng lượng trong cơ thể. Để chuyển hóa hết lượng đường đưa vào cơ thể cần tiêu hao một lượng vitamin B rất lớn. Ăn quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ làm cho cơ thể thiếu vitamin B vì tiêu thụ quá mức, dẫn đến độc tố tích lũy trong cơ thể con người.
Dã Quỳ (Tổng hợp)