Tin mới

Những "thầy giáo" nông dân có hàng trăm học sinh

Chủ nhật, 03/01/2016, 20:17 (GMT+7)

Không qua trường lớp đào tạo sư phạm, không bằng cấp nhưng mỗi năm những "thầy giáo" nông dân này vẫn có hàng trăm học sinh đến học sau khi tình cờ "bén duyên" với công việc dạy học.

Không qua trường lớp đào tạo sư phạm, không bằng cấp nhưng mỗi năm những "thầy giáo" nông dân này vẫn có hàng trăm học sinh đến học sau khi tình cờ "bén duyên" với công việc dạy học.

"Thầy giáo" học hết lớp 7, luyện thi đại học cho hàng trăm học sinh

Ông Đặng Tiến Dũng (60 tuổi, trú xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê) thường được mọi người gọi với cái tên trìu mến - "thầy Dũng". Sinh ra trong gia đình nông dân có 5 anh chị em, khi 6 tuổi, ông bị sốt rét ác tính, sau nhiều lần chữa trị bất thành thì bị liệt một chân, đi lại khó khăn.

Bị tật, nhưng ông không từ bỏ ước mơ con chữ, hàng ngày vẫn được bố mẹ cõng tới trường. Học hết lớp 7, ông tham gia sinh hoạt Đoàn, rồi làm cán bộ đoàn xã, cán bộ huyện.

Những

Ông Đặng Tiến Dũng. Ảnh: Người đưa tin

Làm nhà nước được một thời gian, vì sức khỏe yếu, bệnh cũ tái phát, ông nộp đơn xin về nhà, sau đó cưới vợ, vợ chồng làm ruộng, thợ mộc để nuôi con. 

Gia đình ông có 3 người con, khi các cháu đến tuổi đi học, vì không có tiền học thêm nên ông thường đọc sách vở và dạy con học.

Năm 1994, có cậu học sinh thi tốt nghiệp THCS bị trượt tới xin ông cho học nghề mộc. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, ông Dũng động viên cậu bé ôn thi lại, hàng ngày học nghề, đêm đến sẽ dạy kiến thức. Kết quả, kỳ vượt vũ môn sau đó nam sinh đạt 28 điểm, đậu vào trường công lập trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

Tiếng lành đồn xa, danh tiếng "thầy Dũng" được nhiều lứa học sinh trong huyện biết tới. Một số phụ huynh tới đặt vấn đề với ông Dũng chuyên tâm dạy học cho con họ, họ sẽ trả kinh phí.

Khóa học trò đầu tiên, cả 15 người được ông kèm cặp đều thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Đến nay, có hàng trăm em học sinh được “thầy Dũng” kèm cặp đã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. 

Ngoài ra, 5 người con của ông (4 gái, 1 trai) đều thi đậu vào các trường đại học có uy tín, với thành tích học tập xuất sắc họ đã có công ăn việc làm ổn định.

Nếu người có điều kiện thì hỗ trợ ông về tiền, nếu gia đình khó khăn mà có con em muốn theo học, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ không lấy tiền.

Bản thân là người tàn tật, nhưng đã biết vươn lên số phận ôn luyện cho hàng trăm em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng thầy Đặng Tiến Dũng đã nhận được rất nhiều bằng khen của chính quyền các cấp. Đặc biệt, năm 2010, thầy Dũng đã được Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng khen, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng kỉ niệm chương vì có thành tích trong “cuộc vận động, học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Lớp học đặc biệt của “thầy giáo” khuyết tật

Không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp sư phạm nào, chưa một lần được đứng trên giảng đường theo đúng nghĩa, không may mắn có được đôi chân và đôi tay khỏe mạnh như bao người bình thường khác, nhưng hơn 4 năm qua, chàng trai khuyết tật cả hai tay, hai chân Phùng Thiên Trường (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã thực sự trở thành "thầy giáo" trong mắt đám trẻ nhỏ và tất thảy người dân trong vùng. 

Trường là con cả trong gia đình có 5 anh em, cuộc sống thuần túy bằng nghề nông. Ngày cất tiếng khóc chào đời, Trường bụ bẫm, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm 2 tuổi, khi tất cả bạn bè cùng trang lứa đều đã lon ton tập chạy, Trường vẫn chưa thể tự đi. Hai đầu gối của cậu bé luôn tiết ra thứ dịch nhầy trơn tuột, hễ bước đi là ngã. Tuy chân tay không khỏe mạnh như bạn bè, nhưng đến tuổi cắp sách đến trường, Trường vẫn nhất định đòi bố mẹ cho đi học. Vốn sáng dạ và ham học, suốt những năm tiểu học, anh luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Nhưng càng lớn, hai tay, hai chân anh đều teo lại và mất dần cảm giác. Đến năm lớp 8 thì cả hai chân liệt hẳn, hai tay yếu đến mức gần như không hoạt động. Trường đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ cắp sách đến trường.

Những

Phùng Thiên Trường viết chữ bằng miệng. Ảnh: Tiền phong

Những ngày tháng ngồi nhà trông coi tiệm tạp hóa ven đường, ngày ngày dõi theo đám trẻ con í ới rủ nhau đi học, bàn tán chuyện bài vở, học hành..., chàng thanh niên khuyết tật lại càng khát khao được đến lớp. Một lần, tình cờ nghe chương trình radio, anh được biết câu chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký, khát vọng theo đuổi con chữ trong anh ngày một lớn dần. Không thể cầm bút bằng tay, chân, Trường ngậm bút vào miệng tập viết. Nghĩ thì đơn giản, nhưng khi thực hiện mới thấy khó vô cùng. 

Thời gian đầu chưa quen, mỗi khi bút chì chọc vào miệng tôi lại nôn ọe, vô cùng khó chịu. Để có được điểm tựa, tôi học cách đưa bút vào giữa hai hàm răng để giữ.

Hơn một tháng miệt mài luyện tập, nét chữ của anh bắt đầu gọn lại, rõ và mềm mại hơn. Kỳ công hơn, anh bắt đầu học những mẫu chữ trên tivi, trong sách dạy viết chữ đẹp... để sáng tạo theo cách riêng của mình. Chỉ một thời gian ngắn, chữ viết của Trường đã đẹp lên trông thấy, ai cũng thán phục. 

Thấy những đứa cháu con em gái viết chữ xấu và học hành không tiến bộ, Trường gọi chúng lại chỉ bảo cho cách học. Lâu dần thành nếp, đám trẻ con trong xóm từ chỗ tò mò đứng xem, rồi thích thú kéo nhau sang "học ké". Nhiều cháu đã viết chữ đẹp, làm toán tiến bộ hẳn lên chỉ sau thời gian ngắn được anh Trường kèm cặp. Thấy con cái học hành tiến bộ, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình trong thôn, xóm mang con em đến xin gửi gắm "thầy Trường". 

Lớp học của Trường ban đầu chỉ là những bộ bàn ghế thô mộc, không có phấn trắng, bảng đen, mà chỉ có những cuốn sách đã long bìa được đặt trong giá nhựa. Thế nhưng càng ngày, đám trẻ con trong xã xin đến học càng đông. Không đủ chỗ ngồi, nhiều em sẵn sàng đứng để nghe thầy giảng, để tận mắt được xem thầy rèn chữ. 

Sau nhiều năm dạy học miễn phí, cảm thương hoàn cảnh của anh, các phụ huynh tự bảo nhau đóng góp 150.000 đồng/cháu/tháng để giúp Trường có thêm thu nhập. 

“Thầy giáo nông dân” mở lớp luyện thi đại học

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy học, ông nội là thầy giáo dạy tại trường Chu Văn An ( Hà Nội), bố là giảng viên của trường Y khoa Thái Bình nên ngay từ nhỏ Vũ Mạnh Hưng đã nuôi ước mơ sau này tiếp tục nối nghiệp truyền thống gia đình. Nhưng khi mới vừa học hết kỳ 1 lớp 10 (lớp 12 hiện nay), ông đã quyết định viết đơn xung phong lên đường ra trận bảo vệ Tổ quốc. Năm 1981, ông phục viên trở về quê, chọn ruộng đồng làm kế sinh nhai.

Cuộc sống khó khăn của những năm sau đó đã buộc ông phải làm rất nhiều nghề mưu sinh. Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng ông vẫn cố gắng cho các con của mình đi học với mong muốn sẽ thay mình nối nghiệp ông cha. Nhưng ước muốn của người cha này đã gần như bị “dội một gáo nước lạnh” khi nhận được kết quả học tập quá kém cỏi của cậu con trai cả. Ngậm ngùi nhìn con, ông quyết định bỏ mọi công việc, tự học lại kiến thức để dạy học cho con.

Ông Vũ Mạnh Hưng và lớp học tại nhà. Ảnh: báo Đất Việt

Sau vài tháng được bố kèm, thật bất ngờ, lực học của cậu con trai có sự chuyển biến rõ rệt. Từ một học sinh thuộc vào hạng “dốt nhất lớp”, Đôn vươn lên trở thành học sinh giỏi, được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường, huyện. Năm lớp 12, cậu còn dành giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi toán của tỉnh, một thành tích mà lúc bấy giờ ở xã chưa có một ai đạt được. Năm 2007, cậu thi đỗ vào khoa Tự động hóa, ĐH Bách Khoa Hà Nội với số điểm khá cao.

Không chỉ dạy con mình, thấy các cháu con các gia đình trong họ, trong làng, các gia đình đồng đội học tập kém, ông Hưng cũng giúp đỡ kèm cặp thêm. Sức học của các em cũng không ngừng được cải thiện, tốt hơn trước.

Tiếng lành đồn xa, nhiều học sinh ở các địa phương xung quanh tìm đến xin ông xin học. Lúc đầu, ông hơi e ngại nhưng thấy các cháu hầu hết là con nhà nghèo lại ham học nên ông nhận lời. Lớp học đầu tiên được ông mở ra năm 1999, với 10 học sinh đang học lớp 12. Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm đó, cả 10 học sinh do ông kèm đều đỗ vào các trường danh tiếng. Kết quả này khiến ông Hưng mừng rơi cả nước mắt và trở thành niềm khích lệ rất lớn với ông.

Từ đó, hàng năm ông đều mở lớp luyện thi đại học với hàng trăm học trò, không chỉ trong tỉnh mà cả ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên… biết tiếng cũng tìm về học và hầu hết đều đỗ đạt, thành tài.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news