Tin mới

Những trò chơi dân gian cho trẻ em ngày Tết

Thứ bảy, 06/02/2016, 07:48 (GMT+7)

Sau những ngày tháng dài học tập vất vả, Tết đến là dịp trẻ em có dịp vui chơi thoải mái, phụ huynh có thể hướng dẫn cho con những trò chơi dân gian thú vị để trẻ có một năm mới ngập tràn niềm vui và ý nghĩa.

Sau những ngày tháng dài học tập vất vả, Tết đến là dịp trẻ em có dịp vui chơi thoải mái, phụ huynh có thể hướng dẫn cho con những trò chơi dân gian thú vị để trẻ có một năm mới ngập tràn niềm vui và ý nghĩa.

Súc sắc súc se

Đây là một trò chơi hàng năm của những trẻ em con nhà nghèo ở nông thôn miền Bắc Việt Nam, tương tự như trò trick-or-treat trong lễ Haloween của Hoa Kỳ. Đêm 30 tháng Chạp, trước giao thừa, các em kéo nhau thành từng đoàn rảo quanh làng và đến những gia đình nhà giàu để xin tiền thay vì xin kẹo như lễ Haloween. Em đi đầu cầm một cái lon hoặc ống tre, vừa đi vừa gõ. Các em nối đuôi theo sau cùng hát bài Đồng Dao:

Nhà nào, nhà này,

 Còn đèn, còn lửa,

 Mở cửa cho anh em chúng tôi vào.

Bước lên giường cao,

 Thấy đôi rồng ấp.

Bước xuống giường thấp,

Thấy đôi rồng chầu.

Bước ra đằng sau,

Thấy nhà ngói lợp.

Voi ông còn buộc,

Ngựa ông còn cầm.

Ông sống một trăm,

Thêm năm tuổi lẻ.

Vợ ông sinh đẻ

Những con tốt lành,

Những con như tranh,

Những con như rối.

Bài đồng dao có ý khen chủ nhà là người quý phái (ví như rồng nằm trên giường cao), lại có nhiều của cải (nhà ngói lợp, voi, ngựa). Sau có ý chúc chủ nhà sống thọ (đến một trăm lẻ năm tuổi), vợ sanh cho nhiều con xinh đẹp (như tranh vẽ) và bụ bẫm (như con rối) để nối dõi. Với những lời chúc tốt đẹp như thế, ông bà chủ giàu có nào mà lại hẹp lượng với các em bao giờ!

Bịt mắt bắt dê

Cùng trên một sân cỏ, trẻ em quây xung quanh làm vòng tròn. Trò chơi chủ yếu là vui, tùy chỗ cũng có thể treo giải thưởng. Những ai tham gia chơi sẽ chia thành các cặp. Mỗi cặp lần lượt vào sân chơi. Người ta bịt mắt 2 người thật chặt. Một trong 2 người làm dê, người kia bắt. Người làm dê trong quá trình chạy trốn thỉnh thoảng phải gây ra tiếng động để người bắt biết mà đuổi theo...

Thả đỉa ba ba

Trò chơi thể hiện việc qua sông, qua bưng, ruộng…ngập nước, ở dưới nước có đỉa. Cả nhóm làm sao xuống nước mà đỉa không bắt chước. Trước hết vẽ hai đường song song cách nhau độ 2m (hay qui định khoảng trống nào đó) giả định là sông nước. Một em ra giữa vòng vừa hát vừa lấy tay ra đập nhịp vào vai các bạn:

Trò chơi thả đỉa ba ba. Ảnh: Internet

Thả đỉa / ba ba

Chớ bắt / đàn bà

Tha tội / đàn ông

Cơm trắng / gạo trắng

Gạo thuyền như nước 

Ðổ mắm / đổ muối

Ðổ chuối / hạt tiêu

Ðổ niêu / nước chè

Ðổ phải nhà nào

Nhà ấy…. chịu

Từ “chịu” trúng em nào thì em ấy xuống sông làm “đỉa”. Bọn trẻ đứa chạy đầu này, đứa băng qua sông góc nọ. “Ðỉa” rượt để bắt. Bọn trẻ lại hát bài hát ghẹo

Sang sông / về sông / trồng cây / ăn quả / nhả hạt. “Ðỉa” rượt bên này thì bên kia xuống sông. “Ðỉa” quay lại bên kia thì lũ bên nọ lại réo lên: “ăn quả / nhả hạt” rồi ào xuống. Chẳng may ai bị “đỉa” vớ phải thì trở thành “đỉa”.

Chơi đáo

Là trò chơi rất phổ biến ở khắp các vùng quê xưa. Thú vui đánh đáo không chỉ hấp dẫn trẻ em mà cả đối với người lớn bởi nó thể hiện sự khéo léo của người chơi và lại còn có tâm lý ăn thua kích thích dù chỉ là rất ít. Ngày Tết, trẻ em được người lớn mừng tuổi một ít tiền và cũng được phép tiêu tiền nên dùng nó vào các trò chơi như đánh đáo rất hấp dẫn.

Trò chơi rất đơn giản trên một bãi đất bằng phẳng. Tùy theo quy định của người chơi mà khoét lỗ. Dễ thì khoét lỗ to, khó thì khoét lỗ nhỏ. Ngoài lỗ đáo là vạch quy định để từ đó người chơi đứng ném tiền xu về phía lỗ đáo. Vạch này xa hay gần lỗ đáo cũng do những người chơi tự quy định, càng xa thì càng khó. Đồng xu nào trúng vào lỗ thì người ấy được ăn. Cứ như vậy, lần lượt tới người tiếp theo, đến khi nào không còn xu nữa thì hết ván.

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news