Theo các chuyên gia, thôi miên không thể sai khiến người khác làm theo ý mình. Sở dĩ các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng khiến “con mồi” tự nguyện đưa hết tiền bạc trên người cho là do chúng đã dùng kỹ xảo để đánh thức lòng tham hoặc điểm yếu của nạn nhân.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc nhiều nạn nhân bị mất tiền được cho là do bị thôi miên.
Mới đây nhất là vụ cụ bà ở Thừa Thiên Huế sau khi bị người phụ nữ lạ sờ vào người, cụ bà bỗng dưng không còn nhận thức được gì và đưa hết tài sản cho người này.
Cụ thể, khoảng 7h sáng 24/3 tại số nhà 20 kiệt 24, đường Lê Thánh Tôn, TP Huế (Thừa Thiên Huế), bà Trần Thị Chiện (79 tuổi) đi tập thể dục buổi sáng thì gặp một phụ nữ điều khiển xe máy. Người phụ nữ này dừng xe trước mặt bà Chiện, hỏi chuyện rồi sờ khắp người bà.
Cụ bà ở Huế bị người phụ nữ lạ thôi miên lấy hết tiền. Ảnh cắt từ clip |
Sau đó bà Chiện đã đưa áo khoác đang cầm trên tay cho người phụ nữ kể trên. Người phụ nữ này sau khi lục lọi áo khoác của bà Chiện lại tiếp tục tìm kiếm trên người bà rồi lấy đi thứ gì đó bỏ vào túi áo của mình.
Vụ việc được camera nhà của ông Hoàng Quân trú tại kiệt 24 Lê Thánh Tôn ghi lại.
Theo nạn nhân của vụ việc thì bà bị người phụ nữ lấy đi gần một triệu mang theo trên người.
Trước đó, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại Hà Nội.
Cụ thể, ngày 19/3, trong ca trực đêm, anh Đ., nhân viên bán xăng tại cửa hàng xăng dầu Đức Phượng (ngã tư Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) đã bị lừa hơn 10 triệu đồng.
Hình ảnh từ camera tại hiện trường cho thấy, khoảng 1h sáng, khi đang bơm xăng cho một chiếc taxi, bất chợt người phụ nữ trẻ đỗ xe máy, đứng ngay sau lưng anh Đ. “Thời điểm này nhiều taxi chạy về lấy xăng nên mình cũng bận, hơn nữa nghĩ người ta là con gái, lại trẻ nên cũng không đề phòng. Khi vừa bơm xăng xong, cô gái đưa tờ 500 nghìn đồng nhờ mình đổi hộ. Đổi được tiền rồi, cô ta vẫn đứng đó.
Đợi mình bơm xăng cho taxi khác, cô ấy lại đưa tiền nhờ đổi tiếp. Lần này mình không nhớ cô ấy đưa tiền gì, không hiểu đã nói gì mà mình lại ra mở cốp xe lấy cọc tiền của ca bán xăng đếm và đưa cho cô gái đó”, anh Đ. kể lại câu chuyện một cách ly kỳ. Đáng nói, sau khi đưa tiền cho người phụ nữ lạ mặt, anh Đ. vẫn làm việc bình thường. Một tiếng đồng hồ sau, khi kiểm tiền trả lại, anh Đ. mới biết bị mất tiền.
Chiều 7/1 trong lúc đi chợ, chị Nguyễn Ly ở khu tập thể Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ bị người phụ nữ ngoài 40 tuổi nhờ đổi tiền lẻ. Sau khi cầm tờ tiền của người phụ nữ, chị Ly thấy choáng váng, khó thở, rút hết tiền trong ví đưa cho người phụ nữ đó. Sau đó, chị thấy mệt nên về nhà. Vài chục phút sau khi hết nhức đầu, chị Ly kiểm tra ví thì hơn 2 triệu đồng đã biến mất.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Cảm xạ Địa sinh học, Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhận định: "Thôi miên không thể chữa bách bệnh, hay sai khiến người khác làm theo ý mình".
"Sở dĩ các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng khiến “con mồi” hợp tác là do chúng đã biết dùng kỹ xảo để đánh thức lòng tham hoặc điểm yếu của nạn nhân", bác sĩ Châu lí giải.
chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân (Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam. Ảnh: Internet |
Cũng liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân (Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam, thành viên của Tổ chức thôi miên quốc tế) cho biết trên Khám phá: "Thôi miên tuyệt đối không lừa được ai. Thôi miên thực chất là dẫn dụ người được thôi miên vào trạng thái thư giãn bằng các ám thị tích cực (lời nói tốt đẹp). Cơ chế của thôi miên bắt buộc phải có sự kết hợp và hợp tác chặt chẽ của nhà thôi miên với người được thôi miên. Không thể có chuyện đưa ai đó vào trạng thái thôi miên nếu người ta không hợp tác."
Vì vậy, để tránh bị thôi miên, "người dân cần cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ, tránh nhìn chăm chú vào mắt người lạ, không nên cuốn theo mạch nói chuyện của họ để tránh bị dẫn dụ", bác sĩ Dư Quang Châu khuyến cáo.
Lê Vy (tổng hợp)