Tin mới

Nỗi niềm của "bông hoa rừng" hái sớm ôm con nhỏ vào trại giam trả án

Thứ sáu, 13/03/2015, 15:16 (GMT+7)

Trong chuyến công tác tại Trạm giam số 6 (bộ Công an), hình ảnh cô "bảo mẫu" chăm bẵm cho những đứa bé theo mẹ vào trại giam, khiến tôi đặc biệt chú ý.

Trong chuyến công tác tại Trạm giam số 6 (bộ Công an), hình ảnh cô "bảo mẫu" chăm bẵm cho những đứa bé theo mẹ vào trại giam, khiến tôi đặc biệt chú ý.


 

Phạm nhân ấy có tên là Vi Thị Múi, người mà cách đây chưa lâu, tại phiên tòa xét xử của TAND tỉnh Nghệ An đã gây sự chú ý khi mang theo đứa con nhỏ đến hầu tòa. Trong những ngày chấp hành án tại trại giam, Múi đã đưa cả đứa con nhỏ theo cùng. Cuộc đời của người đàn bà này cũng là cả một câu chuyện buồn...

Kiều nữ buôn người được trả bằng tiền

Sinh ra trong một gia đình nghèo, Vi Thị Múi (SN 1990), trú tại bản Chiếng, xã Quang Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), không được đến trường.

19 tuổi đã phải khăn đùm, khăn gói theo chúng bạn đi tìm việc làm nơi phố thị. Những kẻ buôn người "đánh hơi" được cô bé, nên đã dụ dỗ, lừa gạt vào một đường dây buôn bán người sang Trung Quốc. Lạ lẫm nơi xứ người, Vi Thị Múi bị ép làm vợ cho một người đàn ông bản địa. Với sự ngây thơ, thật thà của một sơn nữ lần đầu rời nhà, Múi nhanh chóng an phận.

Cuộc đời của "bông hoa rừng hái sớm" này sẽ không có gì để nói nếu như không có một ngày, Múi bị mờ mắt trước đồng tiền. Một người bạn thường đến nhà chồng Múi chơi, ngỏ ý muốn kiếm một cô gái Việt về làm vợ. Người này còn nói, chỉ cần ngoan ngoãn, dễ nhìn như Múi là được. Nếu đưa được người sang, mai mối thành công, Múi sẽ được trả 60 triệu đồng, anh ta hứa vậy. Nghe vậy, Múi nhanh chóng gật đầu.

Để phục vụ kế hoạch của mình, ngày 5/10/2013, Múi trở lại thăm quê nhà. Nhưng thực chất, người đàn bà này về tìm "hàng" đưa sang Trung Quốc. Trong quãng thời gian ngắn ngủi ở quê, có một sơn nữ tên là Mặc Thị H. (SN 1986), trú bản Ca, xã Quang Phong lọt vào mắt Múi. H. chưa chồng lại có dáng vẻ xinh xắn, ưa nhìn, Múi tin bạn của chồng sẽ rất hài lòng. Để rủ rê "con mồi" vào bẫy, Múi vẽ ra viễn cảnh xán lạn, rủ H. theo mình vào miền Nam làm công nhân cho một công ty nước ngoài.

Để tạo sức thuyết phục, Múi đưa trước cho H. 10 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ trao đầy đủ khi đến công ty. Cuộc thỏa thuận nhanh chóng thống nhất, khoảng 14h ngày 13/10/2013, Múi dùng xe máy chở H. xuống thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) để đón xe đi Hà Nội, sau đó đi Móng Cái để sang Trung Quốc.

Mẹ con Vi Thị Múi trong trại giam.

Tuy nhiên, trên đường đi, Múi có điện thoại giao dịch với một người cùng quê ở Quế Phong (đối tượng này cũng lấy chồng ở Trung Quốc), nội dung đề cập đến việc mua bán người. Qua điện thoại, Mặc Thị H. biết không phải đi miền Nam, nên nằng nặc đòi xuống xe. Múi không cho H. xuống, mà còn chạy nhanh hơn. Chiếc xe máy này đi được thêm vài km thì gặp Công an xã Quang Phong và Công an huyện Quế Phong. Vi Thị Múi đã bị bắt ngay sau đó. Lúc đó, Múi đang mang thai tháng thứ 6.

Những ngày bị giam giữ tại trại tạm giam Công an Nghệ An, Vi Thị Múi đã sinh một bé gái xinh xắn, bụ bẫm. Người viết vẫn nhớ như in, trong phiên tòa xét xử về tội mua bán người, Múi bị phạt 4 năm tù giam. Lúc đó, con gái Múi mới tròn 2 tháng. Hình ảnh người mẹ mang con vào phòng xử, khiến nhiều người ái ngại. Hai mẹ con Múi sau đó được đưa đi thụ án tại phân trại số 3 của trại giam số 6.

Trước Múi, ở trại giam này đã có vài trường hợp con theo mẹ vào nhà giam. Do con nhỏ tuổi nhất trong số các cháu bé ở đây, nên Múi được phân công chăm sóc, nuôi dưỡng trông nom các cháu tại ngôi nhà dành riêng cho những em bé này. Từ đó, Múi gắn bó với ngôi nhà đặc biệt ấy, sớm tối chăm bẵm, yêu thương chúng như chính con đẻ của mình.

Công việc đặc biệt trong trại giam

So với các phạm nhân nữ khác, Múi tự nhận thấy mình may mắn hơn nhiều. "Khi nghe tòa tuyên án, điều em lo lắng nhất là con mình, đứa bé lúc ấy chỉ mới tròn 2 tháng tuổi, đang khóc ngặt đòi bú. Vào đây, khi được các bác, các chú quản giáo phân công cho làm việc trông nom những cháu bé của các nữ phạm nhân, trong đó có cả con mình, em mừng đến phát khóc vì công việc này giúp em được gần con sớm tối", Múi rưng rưng nói.

Tại ngôi nhà đặc biệt này, ngoài con gái Múi còn có thêm 4 đứa bé khác, đều là con của bốn nữ phạm nhân đang thụ án tại phân trại số 3. Những đứa bé này đều mang trong mình một câu chuyện về số phận, mặc dù tuổi đời còn quá ít ỏi. Vì những suy nghĩ sai lầm của người mẹ, chúng phải rời cộng đồng để vào đây sinh sống. Công việc hằng ngày của Múi là cùng một nữ phạm nhân khác chăm lo việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh tắm rửa cho các cháu. Múi cho biết, mặc dù chỉ có 5 đứa trẻ, song công việc cũng bận rộn từ sáng đến lúc chúng lên giường đi ngủ.

Mỗi đứa trẻ là một tính cách, một thể trạng, khi mình xem các bé như con thì cái gì cũng muốn dành cho chúng thứ tốt nhất mình có thể. Với nụ cười tươi, người mẹ trẻ kiêm "bảo mẫu" này phấn khởi cho biết: "Công việc của em tuy bận rộn nhưng không đến nỗi vất vả lắm. May mắn là các cháu đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh".

Sau những niềm vui con trẻ, khi nhắc đến đời tư của mình, trong sâu thẳm, nữ phạm nhân Múi vẫn có gì đó ưu tư. Cuộc đời thị mới đi qua 24 cái xuân xanh, vậy mà sao lắm chông gai. Lớn lên giữa núi rừng, Vi Thị Múi mang trong mình một vẻ đẹp thuần khiết. Không phải sắc nước hương trời, nhưng cũng ưa nhìn. Khi trở thành thiếu nữ, thị sớm rời bản làng về phố thị.

Trước khi lọt vào "bẫy" của bọn buôn người, Múi đã kịp có một mối tình đẹp với một thanh niên ở Móng Cái. Hai người đã gọi nhau là vợ - chồng, mặc dù chưa đăng ký kết hôn. Trong những ngày mẹ con Múi ở trại giam, chẳng thấy ai tới ngó ngàng thăm nuôi.

Bố mẹ Múi vẫn còn khỏe, nhà có tới 4 anh chị em, nhưng có lẽ phần vì nghèo, phần thì xa cách quá mà họ không có điều kiện đến thăm nuôi. Người chồng ngoại quốc của Múi cũng mất tích từ dạo hay tin vợ vướng vào vòng lao lý... Có lẽ thấy tủi hờn, từ đôi mắt Múi, những giọt nước cứ ứa ra!

Ánh sáng cuối đường tội lỗi

Lấy tay gạt nước mắt, Múi tâm sự: "Đôi khi nghĩ cũng tủi lắm chị ạ. Nhưng giờ em lấy niềm vui, nụ cười của các con để sống và phấn đấu cải tạo thật tốt. Được sớm tối bên con gái bé bỏng và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ với con mình, chăm sóc, yêu thương chúng bằng tình yêu của một người mẹ, em thấy cuộc sống này trở nên ý nghĩa hơn. Trước đây, vì không được học hành đến nơi đến chốn, suy nghĩ còn nông cạn nên em mới gây ra lỗi lầm. Giờ đây, nhờ sự phân tích, định hướng của các cán bộ quản giáo, em đã hiểu ra những việc mình làm là hoàn toàn sai trái".

Trong câu chuyện với PV, Vi Thị Múi bảo, khoảng thời gian được gắn bó với những đứa trẻ trong ngôi nhà đặc biệt này, thị được chứng kiến nhiều cảnh tượng rất xúc động. Mỗi ngày, những đứa trẻ ở đây, ngoài tình thương của Múi, còn được trại giam tạo điều kiện cho gặp mẹ đẻ của mình sau những giờ lao động cải tạo. Những giây phút mẹ con gặp mặt, dù ngắn ngủi nhưng cũng khiến những ai chứng kiến cũng rưng rưng xúc động. Có nhiều lần Múi đã khóc trước câu chuyện của một vài nữ phạm nhân nói với con mình. Sau mỗi lần như vậy, Múi càng thấy mình may mắn.

Nhìn "bảo mẫu" này cẩn thận bón cháo cho các cháu, tôi thấy trong đó có một tình yêu của người mẹ dành cho con. Múi bảo, thị coi tất cả những đứa trẻ ở đây như chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra, để từ đó tự bản thân thấy phải có trách nhiệm đối với chúng. 4 năm - khoảng thời gian không quá dài, nhưng tôi tin là đủ để cho Múi nhận ra giá trị chân thực của cuộc sống.

Theo báo Đời sống và Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news