Trước đó, nữ bệnh nhân T.T.K.A. (35 tuổi, Thủ Đức) nhập viện Quận Thủ Đức trong tình trạng bụng to, kèm đau nhẹ, khó tiêu, đi tiểu nhiều lần.
Ngày 18/7, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu bệnh viện Quận Thủ Đức trao đổi với Báo Nông Nghiệp, khối u rất lớn, dính vào ruột non, ruột già, bọng đái, tử cung, buồng trứng, vách chậu và xương cùng. Đặc biệt, khối u len vào giữa xương cùng và trực tràng.
Các bác sĩ đã phẫu thuật khối u khoảng 20 x 30 cm, nặng 2,8 kg. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện.
Hình CT scan cho thấy khối u chiếm gần toàn bộ ổ bụng, từ vùng chậu lên đến sát gan. (Ảnh: Thanh Niên) |
Bác sĩ Vũ cho biết thêm, bệnh nhân mang khối u bạch mạch – u hiếm gặp, hình thành từ phát triển bất thường của hệ bạch huyết.
Thông thường, u bạch mạch xuất hiện ở da, vùng đầu cổ, nách… Trường hợp khối u nằm sâu trong vùng chậu như trên là rất hiếm gặp.
Phần lớn khối u bạch mạch là lành tính và phát triển chậm, không gây triệu chứng, do đó có thể theo dõi không cần phẫu thuật. Nếu khối lớn, gây chèn ép, đau, nhiễm trùng thì cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, do u thường mủn, nhiều hốc, nang nhỏ nên nếu phẫu thuật không triệt để, khối u dễ tái phát.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, phụ nữ nên đi khám sức khỏe, đặc biệt khám phụ khoa định kỳ hằng năm để phát hiện những bất thường trong cơ thể và điều trị sớm.
Trang Vũ (Tổng hợp)