Những ngày qua vụ đại úy Lê Thị Hiền (SN 1983, quê quán Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá), hiện là cán bộ của Đội CSGT trật tự, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) có thái độ hung hãn, lời lẽ cục cằn, thô lỗ luôn mồm chửi bới, xỉ nhục, xúc phạm, thách thức nhân viên hàng không và nhân viên an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất gây xôn xao dư luận.
Ngày 17/8, đồn Công an Tân Sơn Nhất đã xử phạt bà Hiền 200.000 đồng theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ về hành vi gây mất trật tự ở khu vực cảng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hình thức xử lý này là quá nhẹ so với hành vi vi phạm và chưa phù hợp với quy định hiện hành.
Trao đổi với PV Pháp luật TP HCM, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM cho biết, bà Hiền đã có những cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên đang thực thi nhiệm vụ ở cảng hàng không.
Tiếp đó, tại khu vực hạn chế để ra sân bay, bà này khiêu khích bằng những lời nói mang tính thách thức, kích động rồi xông vào giằng co với nhân viên hàng không và lực lượng an ninh sân bay. Như vậy, các hành vi vi phạm này diễn ra tại cảng hàng không sân bay nên phải áp dụng quy định xử phạt trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo Nghị định 162/2018.
Nữ đại uý Hiền- người đại náo tại sân bay. Ảnh: internet
Cụ thể hành vi của bà Hiền sẽ bị xử phạt theo Điều 26 Nghị định 162/2018. Khoản 4 điều này quy định: Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nếu có một trong các hành vi: Gây rối làm mất an ninh trật tự tại cảng hàng không; có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách tại cảng hàng không, sân bay; đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không... Ngoài ra có thể áp dụng phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có thể cấm bay với người vi phạm.
Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Gia đình và xã hội, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết dù phạt hành chính thì đây cũng chỉ là xử lý ban đầu, bước tiếp theo là cơ quan công an sẽ tiến hành xử lý kỷ luật đối với người phụ nữ này, đây mới là vấn đề quyết định đến tương lai, sự nghiệp của người phụ nữ này.
"Dù xử phạt hành chính 200.000 đồng nhưng áp dụng Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người phụ nữ này được xác định là có "tiền sự". Nếu sau đó còn có hành vi vi phạm tương tự thì dù chưa đến mức nghiêm trọng, người này sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, với việc xử phạt hành chính do vi phạm an ninh trật tự như vậy thì lý lịch người phụ nữ này được xác định là "có vết" và nếu không bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là Tước danh hiệu công an nhân dân (loại ngũ, cho ra khỏi ngành) thì cũng khó đường thăng tiến, có thể ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp...", luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Cường, chị Hiền đang cho rằng mình bị oan, clip bị cắt ghép, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ trong thời hạn 30 ngày theo quyết định của giám đốc công an thành phố Hà Nội để có hình thức xử lý phù hợp.