Theo VTC News và Zingnews, chiều ngày 16/12, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đưa ra phán quyết với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại phiên xét xử. Ảnh: Internet
Nguyễn Trần Hoàng Phong chính là người điều khiển chiếc xe Mercedes và gây nên tai nạn khiến một tài xế GrabBike là ông Lê Mạnh Thường không qua khỏi và nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường ngồi sau xe máy bị thương tật 79%.
Căn cứ vào quá trình điều tra và kết quả xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX nhận định vụ án Tai nạn giao thông này xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo và tuyên án Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo có thể kháng cáo trong vòng 15 ngày tính từ ngày tuyên án. Đồng thời, HĐXX cũng yêu cầu bị cáo Phong bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng cho bị hại Nguyễn Thị Bích Hường và hơn 477 triệu đồng cho người thân của tài xế GrabBike đã mất.
Chị Nguyễn Thị Bích Hường, một trong hai nạn nhân trong vụ án. Ảnh: Internet
Nhận xét về bản án này, chị Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng đây vẫn là một bản án quá nhẹ nếu so với những gì mà tài xế Phong đã gây ra. Theo Zingnews và Thanh Niên, nữ tiếp viên cho biết sẽ kháng cáo vì bản án tòa tuyên quá nhẹ vì Phong có nhiều tình tiết tăng nặng chưa được làm rõ trong phiên tòa. Hơn nữa, thái độ của Phong cùng gia đình từ khi tai nạn xảy ra đến nay không một câu hỏi thăm khiến nữ tiếp viên và dư luận càng thêm phẫn nộ.
Trên Báo Giao Thông, luật sư Nguyễn Thạch Thảo bảo vệ cho quyền lợi của chị Bích Hường đã chỉ ra hàng loạt điểm bất hợp lý. Trong phiên tòa, LS Thảo cũng kiến nghị HĐXX xem xét việc chuyển nhượng căn hộ của bị cáo cho mẹ mình trong thời gian đang bị tạm giam để phục vụ quá trình điều tra. Mục đích việc chuyển nhượng căn hộ trên là để làm gì trong khi các yêu cầu bồi thường cho các bị hại vẫn không thực hiện?
Mẹ nạn nhân ngất xỉu sau khi nghe tòa tuyên án. Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc
Nữ tiếp viên kể lại: “Trước khi tòa xử, có người nói đến tai tôi rằng gia đình nhà Phong thà tốn tiền cho những chuyện bên ngoài (như sang tên căn nhà, bồi thường cho công ty cây xanh 29 triệu vì tông gãy cây phượng vĩ, 150 triệu cho bên công ty dịch vụ cho thuê xe Mercedes), nhưng chưa bồi thường cho 2 bị hại trực tiếp một đồng nào. Tôi còn hoài nghi nhưng đến khi luật sư của tôi đưa làm rõ các tình tiết không có trong cáo trạng tại phiên tòa tôi mới vỡ lẽ ra đó là lời nói thật”.
Chị Hường cho rằng bản án với kẻ gây ra tội ác còn quá nhẹ. Ảnh: Internet
Về việc khai có sử dụng ma túy hai ngày trước khi gây tai nạn và kết quả kiểm tra dương tính sau tai nạn, HĐXX nói không thể xác định thời điểm gây tai nạn bị cáo có sử dụng ma túy hay không. Tuy nhiên, từ lời khai của Phong vẫn có căn cứ để xem xét hành vi có chất ma túy trong quá trình tham gia giao thông.
Về vấn đề bị cáo Phong sử dụng giấy tờ giả để thuê xe hiện không thể thu hồi, bởi Phong đã vứt bỏ trên đường bỏ trốn. Tuy nhiên, từ lời khai của những người có liên quan, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Còn về số tiền bồi thường hơn 1,4 tỉ đồng, chị Hường cho hay đó chỉ là chi phí điều trị của các cuộc phẫu thuật liên tiếp trong gần 1 năm trời và thu nhập bị mất trong thời gian đó.
Chân của chị trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật nhưng chỉ có may mắn kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu, chị mới có thể đi lại được mà không cần dùng nạng. Ảnh: Zing
Hiện sức khỏe của chị vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Trải qua nhiều ca phẫu thuật, chị Hường còn chưa biết có thể đi lại được nữa hay không.
"Tôi không thể bế con và chăm sóc con mình như trước kia nữa", Hường chia sẻ. Sau vụ tai nạn, Hường đi lại khó khăn và mất thu nhập từ công việc tiếp viên nên chị phải bán mỹ phẩm online để kiếm thêm thu nhập.