Theo luật sư, hành vi tát tiếp viên hàng không của nam hành khách khi không tìm thấy điện thoại là hành vi có tính chất côn đồ. Theo đó, nữ tiếp viên có thể đề nghị khởi tố vụ án theo quy định tại điều 105 BLTTHS.
Vừa qua, vụ việc "Nam hành khách tát nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines" khiến dư luận xôn xao.[mecloud]chj99zDca3[/mecloud]
Theo thông tin trên báo chí, sự việc xảy ra vào tối 13/8, khi chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này, một hành khách ngồi khoang thương gia ngủ dậy không thấy điện thoại đắt tiền đặt trên bàn ăn nên đã truy vấn nữ tiếp viên sau đó tát cô này. Làm việc với cơ quan chức năng, vị khách thừa nhận hành vi của mình và chấp nhận nộp phạt 15 triệu đồng về hành vi hành hung thành viên tổ bay.
Nhiều độc giả bày tỏ bức xúc trước hành vi của nam hành khách và cho rằng ông này vô cớ hành hung người khác, hành xử thiếu văn hóa....
"Thật là hành sử vô văn hoá, những khách này nên cấm bay vĩnh viễn", bạn đọc Muathu viết.
Đồng quan điểm nhưng độc giả dzung.hcmc còn cho rằng: "Cấm bay là một chuyện. Chuyện khác là đưa vị khách này ra tòa vì tội đánh (xúc phạm) phụ nữ đồng thời buộc phải xin lỗi tiếp viên nói riêng và hãng HKVN nói chung trên các báo đài".
Trước những vấn đề pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Thiệp - văn phòng Luật sư Toàn Cầu - Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng, việc hành khách vô cớ tát vào mặt tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airline là hành vi có tính chất côn đồ vì tiếp viên không có nghĩa vụ bảo quản tài sản hay các thiết bị cầm tay mà hành khách mang theo.
Quyết định xử phạt hành khách vì hành vi hành hung tiếp viên |
Theo đó, ông Thiệp nhận định: hành vi này có thể bị xử lý hình sự nếu gây thương tích thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm quy định ở điều 104 BLHS năm 1999. Cụ thể, nếu làm rõ mục đích cũng như các hành vi khác như chửi bới, xúc phạm người khác nhằm gây tổn hại đến danh dự nhân phẩm của họ thì có thể bị xử lý hình sự về tội " làm nhục người khác".
Việc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, tiếp viên có thể đề nghị khởi tố vụ án theo quy định tại điều 105 BLTTHS (Bộ luật tố tụng hình sự).
“Theo quan điểm cá nhân tôi thì hành vi tát vào mặt người khác, đặc biệt là tát vào mặt phụ nữ khi không có căn cứ là hành vi côn đồ, coi thường danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người khác cần bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật” – luật sư Thiệp nói.
Trước đó, như tin tức đã đưa, tối 13/8, khi chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nam hành khách ngồi ghế hạng thương gia không tìm thấy điện thoại iPhone 6 Plus đã tát vào má trái của nữ tiếp viên.
Trong bản tường trình, nữ tiếp viên bị đánh cho biết, khi máy bay vừa hạ cánh thì vị khách gọi lại bảo mất điện thoại, trước đó để trên bàn ăn. Lúc xếp bàn ăn của khách để máy bay hạ cánh, chị không thấy điện thoại. "Tôi cùng tiếp viên trưởng lật đệm ghế ra tìm nhưng khách nói không cần tìm nữa, rồi bất ngờ tát mạnh vào má trái của tôi", bản tường trình nêu.
Còn vị khách VIP giải thích rằng, ông ăn xong đã để điện thoại lên bàn rồi ngủ thiếp đi. Khi máy bay hạ cánh ông thức dậy không thấy điện thoại đâu. Ông dùng điện thoại khác gọi vào máy đã mất thì 3 cuộc đầu vẫn nghe đổ chuông, cuộc tiếp theo không liên lạc được. Đến cuộc thứ 5,6 điện thoại đổ chuông trở lại nên ông nghi tiếp viên lấy mà không thừa nhận, nên tát cô này.
Khoảng 20 phút sau khi hành khách rời máy bay, chiếc điện thoại được tìm thấy dưới chân ghế của hành khách VIP.
Vụ việc được tổ bay bàn giao lại Cảng vụ hàng không xử lý, vị khách thừa nhận hành vi của mình và chấp nhận nộp phạt.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Xem thêm video:
[mecloud]b0l5K8q6oc[/mecloud]
Cự Giải