Chị là một trong số ít nạn nhân của bọn buôn người sang biên giới may mắn được trở lại quê nhà. Mặc dù câu chuyện đó đã đi vào quá khứ, nhưng có lẽ suốt cả cuộc đời này, người đàn bà ấy vẫn không quên được những ngày tháng sống tủi cực nơi đất khách. Đau lòng nhất, để cứu lấy bản thân, chị đành phải bỏ lại đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Đó là chị Phan Thị L. (SN 1980), trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Bị bạn thân lừa bán
Khi được hỏi đến câu chuyện cuộc đời mình, đôi mắt người đàn bà ấy nhìn xa xăm, man mác buồn. L. kể, là cô gái lớn lên ở nông thôn, vì ít học và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị phải lấy một người chồng bị câm. Hôn nhân không có tình yêu này duy trì được hai năm thì đường ai nấy đi, vì chị không thể chịu nổi những trận đòn roi của gã chồng câm vũ phu ấy. Đứa con trai mới được 1 tuổi của chị với người chồng cũ phải để lại cho gia đình chồng nuôi dưỡng.
Sống trong chuỗi ngày buồn bã vì hạnh phúc gia đình tan vỡ, chị tình cờ gặp lại cô bạn thân tên Hà. Nhà người bạn này cách nhà chị khoảng vài cây số. Đầu năm 2006, biết hoàn cảnh của chị L., Hà tìm đến tận nhà rủ chị đi Trung Quốc du lịch một chuyến vì có người anh họ đang ở làm bên đó, mọi chi phí đi lại ăn ở đều do anh này lo hết. Nghe vậy, chị L. cũng phân vân, nửa muốn đi, nửa ngại bạn. Nhưng được cô bạn thân chèo kéo ngọt ngào, cùng với cảnh nhà nông công việc rảnh rỗi và ý nghĩ muốn lấy lại niềm vui sau những gì đã xảy ra, chị đánh liều đi một chuyến. Ngay giây phút gật đầu đồng ý, người đàn bà ấy không hề hay biết rằng, đây là chuyến đi làm thay đổi cuộc đời và đập tan mọi ước mơ hoài bão của chị.
Sau khi trở về được Việt Nam, chị L. sống cùng mẹ và con trai ở quê nhà.
Tạm biệt gia đình và đứa con trai 1 tuổi, cả hai người bắt xe khách để đi ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Khi tới biên giới Việt - Trung, chị cùng kẻ lừa đảo đi bộ suốt 4 ngày trong rừng sâu heo hút. Hà dẫn chị tới một ngôi nhà ở một vùng quê hẻo lánh và giao chị cho một "tú bà". Tại đây, giữa Hà và người đàn bà lạ hoắc kia nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung, chị không biết mô tê gì cả. Sau đó, có nhiều người đàn ông đến, nhìn chị từ đầu đến chân với ánh mắt thô thiển. Lúc ấy, chị sợ hãi chỉ muốn đòi về quê. Nhưng rồi Hà lại dỗ dành chị đây là nhà người quen nên ở lại nghỉ ngơi cho khỏe rồi đi tiếp. Sáng hôm sau, lấy cớ ra chợ mua vài thứ, Hà chuồn về Việt Nam bỏ chị bơ vơ lại một mình. "Tú bà" luống tuổi kia gặp chị rồi nói bằng tiếng Việt: "Con Hà nó bán em rồi, liệu ở lại làm cho tốt thì mới mong về nhà, kiếm tiền trả cho đủ nợ thì chị tha". Lúc đó, trời đất như sụp xuống, chị không tin những gì đang xảy ra, không tin cô bạn thân như chị em ruột lại rắp tâm hại mình như thế.
Những ngày tháng tủi cực
Thân cô thế cô nơi đất khách, chị bị đối xử vô cùng tồi tệ. ép có, dụ dỗ có, đánh đập có, tất cả chỉ để bắt chị tiếp khách, nhưng chị một mực không chịu làm theo lời chúng.
Giam L. trong "động" được 5 ngày, biết chị ngoan cố không thể "thuần phục" được, chúng bán chị cho một người đàn ông Trung Quốc có tên là Trương Minh Thiên. Và từ đây, kiếp chồng người với những chuỗi ngày tủi nhục bắt đầu. Suốt 4 năm ròng, ngoài việc phải hầu hạ gia đình chồng, chị L. còn bị buộc lao động quần quật ở xưởng may.
Tiền chị kiếm được đều do nhà chồng giữ vì sợ chị trốn về nước. Sống với nhau được một năm thì chị có một đứa con gái với người chồng "có như không" ấy. Chị không biết tên con gái mình là gì, vì nó được gọi bằng cái tên Trung nghe lạ tai. Thế nhưng chị vẫn gọi con gái mình bằng tên tiếng Việt là Cún. Chị nhớ ở Việt Nam, các bà mẹ vẫn gọi con mình như thế khi ngắm chúng ngủ. Chị gọi con gái vậy, bởi họ chỉ cho chị được ngắm con khi trời tối vì ban ngày chị phải làm việc. Do bất đồng ngôn ngữ nên chị và chồng chưa một lần nói chuyện với nhau. Còn trong công việc, thấy người ta làm gì thì chị làm nấy. Chị bị vắt sức đến kiệt quệ. Ban ngày, chị làm việc rất chăm chỉ nhưng ban đêm, chị lại ôm con gái mà khóc than, cho đến khi nỗi đau chìm vào giấc ngủ vội, để hôm sau chị lại quần quật với guồng quay của công việc.
Chị Phan Thị L. bên cậu con trai 5 tuổi của mình.
Đã thế, cả chồng và gia đình chồng xem chị như cái bia trút giận. Hễ bực mình hay cứ không vui, họ lại lôi chị ra đánh. Chị không khóc mà cắn răng chịu đựng để mong một ngày có cơ hội thoát thân. Sau khi có được lòng tin từ nhà chồng, chị mới mạnh dạn xin cho về quê thăm nhà và hứa sẽ quay lại. Trước nguyện vọng của cô con dâu Việt, nhà chồng đồng ý nhưng bắt chị phải để đứa con lại, đồng thời ghi rõ địa chỉ Việt Nam cho họ. Chớp lấy cơ hội, chị ghi một địa chỉ giả rồi nhanh chóng xếp đồ về quê.
Nỗi đau khắc khoải
Cả đêm hôm đó chị L. không chợp mắt, vừa lo sợ, vừa hoang mang vì điều chị mong mỏi 4 năm qua đã gần thành hiện thực, nhưng nhìn đứa con thơ đang ngủ, người mẹ thấy như nghìn mũi kim thi nhau cứa vào tim.
Không biết tới bao giờ chị và con mới gặp lại nhau. Chị về Việt Nam là thật, nhưng điều chị hứa quay lại sẽ không bao giờ là thật. Bởi chị biết đây là địa ngục, là nơi mà có lẽ chị không thể nhìn thấy bầu trời dù là ngày hay đêm. Dằn vặt bản thân mãi, chị không thể quyết định được nên ở lại hay về. ở quê hương nơi chôn nhau cắt rốn còn có bố mẹ già và cậu con trai bây giờ cũng đã bắt đầu đi học. Suốt quãng thời gian làm thân trâu ngựa cho người ta, không một ngày nào chị không nghĩ tới cậu con trai ở quê. ở đó, chị còn bà con lối xóm, họ thân thiện và yêu thương chị. Mất tích 4 năm không tin tức, có lẽ mẹ chị cũng đã cạn nước mắt vì con. Nhưng khi cúi xuống nhìn bé Cún đang ngon giấc, chị lại đau đớn không nỡ rời xa. Đã 3 tuổi nhưng chưa bao giờ con gái gọi chị là "mẹ yêu" bằng tiếng Việt Nam vì cả gia đình bắt bé học tiếng Trung. Mặc dù họ ngược đãi với chị, nhưng bé Cún là con cháu của họ nên vẫn được thương yêu. Nghĩ tới đó, chị lại thêm hy vọng bé sẽ được bình yên, sẽ được yêu thương chăm sóc. ở đây có cô con gái bé bỏng, nhưng ở quê hương, cậu con trai 5 tuổi ngày nào cũng mong ngóng mẹ về. Bên nào cũng khiến chị day dứt không yên.
Trời bắt đầu sáng, chị hôn tạm biệt con và lặng lẽ ra bến xe khi cả nhà đang còn ngủ. Chuyến xe chuyển bánh, ngoái cổ nhìn lại mảnh đất 4 năm khiến chị đau khổ, nó xa lạ quá, nhưng còn con gái chị, ngày mai nó sẽ ra sao?
Đó vẫn luôn là câu hỏi day dứt bản thân chị cho tới tận bây giờ. Dù thời gian có qua nhanh thì sự thật về đứa con gái bị mình bỏ rơi không thể thay thế được. Nay, dù đã có một cuộc sống bình yên bên mẹ già và cậu con trai, nhưng lòng chị vẫn đau đáu hướng về miền đất xa xôi kia, nơi đứa con gái của chị đang tự hỏi "giờ này mẹ ở đâu?".
Tâm sự đến đây, nước mắt chị chảy dài, lăn trên đôi gò má sạm nắng. Cúi mặt im lặng một lát, chị nói tiếp: "Không đêm nào tôi có một giấc ngủ ngon. Trong những cơn ác mộng ùa về, tôi thấy những trận đòn roi không giáng vào người mình mà vào chính đứa con gái bé bỏng. Tôi tỉnh dậy, nước mắt chảy vòng quanh. Tôi cảm nhận những đau đớn trong tim mình. Tôi muốn tìm cách sang thăm con gái, nhưng đó là điều không thể".
Có lẽ ai làm mẹ cũng đều hiểu nỗi lòng của chị, chúng ta có thể cảm thông và tha thứ cho chị, bởi dù sao chị cũng là một nạn nhân. Chúng tôi cũng sẽ thay chị cầu chúc cho bé Cún bình yên và hạnh phúc, nỗi đau ấy, chúng tôi không muốn khoét sâu thêm nữa.
Theo Hồng Sâm – Loan Nguyễn