Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, sáng ngày 30/9, tin tức từ TTXVN cho hay, Hà Nội được ghi nhận là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272 vào lúc 6h30 sáng.
Chỉ số đo được ở khu vực Tây Hồ là 290, đường Tô Ngọc Vân 264, đường Tố Hữu 242, Học viện Tài Chính cho kết quả là 211.
Một số điểm đo thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Đông Hưng (Thái Bình) AQI ở mức 239, Thái Thụy (Thái Bình), ở ngưỡng 279, Kiến An (Hải Phòng) ở mức 227, Châu Khê (Bắc Ninh) ở mức 229...
Tại địa điểm 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, số liệu lúc 7h của CEM (Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc) cho thấy, chỉ số AQI lên mức 235, trước đó vào lúc 2-3h sáng, chỉ số này chạm mốc 266. Việc AQI tại Hà Nội vượt lên mức 266-289 là mốc cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được chia làm 5 mức, tức 0-100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 – 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 – 300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm.
Với nhóm màu tím, là mức ảnh hưởng sức khoẻ đến tất cả người dân, khi ra đường cần đeo khẩu trang y tế chống được bụi mịn, không đạp xe đạp, trong đó nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp, phụ nữ có thai cần tránh ra ngoài, trong khi ở thang AQI (151-200) chỉ yêu cầu nhóm này hạn chế ra ngoài.
Chỉ số AQI tại Nguyễn Văn Cừ thời điểm lúc 7h. Nguồn: CEM
Điểm đặc biệt của đợt ô nhiễm không khí này là ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. Ghi nhận của 2 hệ thống quan trắc không khí trên vào 10h30 tối 29/9 cũng cho thấy không khí ở mức ô nhiễm tím tại nhiều điểm.
Theo trang quan trắc và tổng hợp dữ liệu về không khí Air Visual, chỉ số AQI sáng 30/9 cũng là số đo cao nhất từ đầu tháng, và cao gần gấp 3 lần so với ngày không khí sạch nhất. (AQI 79 ngày 21/9).
Còn tại trang cập nhật AQI thời gian thực Pam Air, chỉ số AQI ghi nhận cũng ở mức rất cao, trên mức 150 ở tất cả các điểm. Không khí ghi nhận được ở mức tím (mức rất không lành mạnh) tại nhiều nơi.
Nhiều điểm đo tại Hà Nội lên tới ngưỡng báo động tím theo ghi nhận của hệ thống quan trắc tự động PAMAir. Ảnh TTXVN
Trao đổi với PV TTXVN, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, tình trạng báo động tím diễn ra chủ yếu vào sáng sớm từ 4 - 7 giờ sáng ở nhiều điểm và một vài điểm có ngưỡng tím vào ban đêm. Đây là hiện tượng bất thường, cần phải có những quan trắc và nghiên cứu sâu hơn mới có thể khẳng định được về nguyên nhân.
Tuy nhiên, thông tin quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội lại cho kết quả thấp hơn rất nhiều so với các website nước ngoài.
Trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội giải thích rằng có 2 nguyên nhân chính.
"Thứ nhất, các công cụ, máy móc quan trắc của chúng tôi có thể áp dụng theo những tiêu chuẩn khác với các thiết bị do các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam. Tiêu chuẩn đo đạc của Sở Tài nguyên tuân thủ theo quy định của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, đảm bảo chính xác, khách quan", vị đại diện cho biết.
Vị này cho rằng, các thiết bị đo đạc của các trang như Air Visual hay Pam Air cũng chưa hẳn đã chính xác bởi đây có thể là các thiết bị nhập từ nước ngoài, công thức, và cách tính chỉ số AQI sẽ thích hợp hơn với điều kiện khí hậu nước đó, chưa chắc đã phù hợp với Việt Nam.
Cũng nói thêm trên báo này, vị này cho biết: "Thứ hai, cách tính AQI của Đại sứ quán Mỹ cũng khác so với cách tính AQI tại các trạm quan trắc của Sở TNMT. Và mỗi quốc gia có cách tính, phương pháp đánh giá chất lượng không khí khác nhau. Vì vậy, đây là những nguồn tham khảo, người dân không nên quá lo lắng".
Về nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ, trao đổi trên báo Vietnamnet, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng.
Theo WHO, ước tính khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí, tỉ lệ này ở bệnh đột quỵ chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, bụi siêu mịn PM2.5 khi hít vào phổi sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Đối tượng chịu tác động đầu tiên khi chất lượng không khí kém là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.
“Do vậy chúng tôi khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng”, PGS Giáp khuyến cáo.
Trong những ngày ô nhiễm không khí, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên đeo khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường do những sản phẩm này chỉ ngăn được bụi thô, nên dùng khẩu trang có kết cấu lọc được bụi mịn.