Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng 16 năm qua, ông giáo làng Thái Bá Am (SN 1935) vẫn miệt mài với sự nghiệp trồng người, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Thái Bá Am, trú tại xóm 4, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vào một ngày nắng của tháng 5. Khi thấy có người hỏi đường về nhà thầy Am, như biết mục đích của người viết, một người dân trong xã bỗng vui vẻ bộc bạch: “Việc làm ý nghĩa của thầy Am khiến mọi người thán phục. Thời buổi này, không có ai bỏ cả thời gian, công sức và tiền bạc để dạy học đâu cô ạ. Dân vẫn còn nghèo, chỉ đủ tiền cho con tới lớp chứ lấy tiền đâu cho con đi học thêm tiếng Anh. Nhờ có thầy Am, trẻ em nghèo nơi đây biết đến môn học ‘xa xỉ’ này. Chúng tôi thực sự yên tâm và tin tưởng khi cho các cháu theo học tại lớp thầy Am”.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà căn nhà cấp 4, ông Am chia sẻ: “Bọn trẻ nơi đây hiếu học và rất thông minh. Chỉ vì hoàn cảnh khó khăn nên các cháu không có điều kiện học thêm, đặc biệt là học môn tiếng Anh. Hơn nữa, hiện nay nhu cầu học tiếng Anh rất cần thiết, nó là hành trang giúp các em phát triển trong thời đại công nghệ thông tin này. Tôi chỉ mong sao chút công sức nhỏ bé của mình sẽ giúp được một phần nào đó cho con đường học hành của các cháu.”
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ, từ nhỏ ông Am đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp trồng người. Năm 1956, ông theo học ngành Toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông học học thêm lớp đào tào sư phạm cấp tốc và về dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Gần mấy chục năm đứng trên mục giảng, đào tạo bao lớp học trò, thầy giáo Am đã được nhà trường tặng nhiều bằng khen và giấy khen.
Sau bao nhiêu năm vất vả, cống hiến cho xã hội, đáng lẽ sau khi về hưu, ông sẽ sống cuộc sống an nhàn, sum vầy bên con cháu, nhưng bằng tình thương với lũ trẻ nghèo, người thầy già lại trăn trở và quyết định mở lớp dạy Tiếng Anh miễn phí.
Nói đến cái duyên mở lớp học, ông giáo làng cho biết, một lần tình cờ ông Am biết được cháu nhà hàng xóm xin mẹ đi học thêm Tiếng anh nhưng mẹ không cho. Thấy cháu hiếu học, ông Am tò mò hỏi thì mới biết là mỗi buổi học tiếng Anh là 20.000 đồng/buổi, mà gia đình khó khăn nên dù rất muốn cho con đi học nhưng cũng đành chịu.
Kể từ hôm ấy, khi về nhà, ông đã trăn trở, suy nghĩ và cuối cùng quyết định sẽ mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo. Ban đầu, gia đình không đồng ý với quyết định của ông nhưng bằng tình yêu thương với con trẻ, sự quyết tâm muốn giúp đỡ những đứa trẻ nghèo, ông Am đã thuyết phục được người thân ủng hộ việc làm của mình.
Để bắt tay vào thực hiện dự định của mình, ông đã tự học tiếng Anh qua sách vở, băng đĩa. Năm 2000, khi nắm vững kiến thức cơ bản, ông bắt đầu mở lớp. Để có bàn ghế, bảng cho các em học sinh học tập, ông Am đã tự bỏ tiền túi ra để sắm sửa. Ông còn tự dọn dẹp một góc sân cho các em học trò nghèo trong xã đến học.
Bỏ ngoài tai những lời thị phi, ông giáo già vẫn tiếp tục cầm phấn |
Những ngày đầu mở lớp học, nhiều người tò mò đến xem, có nhiều người bảo ông là “hâm”, là “dở hơi”... bởi trong khi người ta đang đua nhau mở lớp học thêm để kiếm khoản thu nhập, ông lại đi mở lớp học miễn phí. Tuy nhiên, bỏ qua những lời thị phi, ông Am vẫn quyết định duy trì lớp học.
Mới đầu, lớp học tiếng Anh của ông giáo làng chỉ có vài em học sinh THCS, THPT tới học. Nhưng lâu dần, do phương pháp giảng dạy của ông đơn giản, dễ hiểu, các học trò tiếp thu rất nhanh nên tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Am ngày càng có đông học sinh tìm đến học, với đủ mọi cấp học, từ lớp 1 đến đại học, thậm chí cả công chức nhà nước. Điều đặc biệt là ở lớp học của thầy giáo Am, không đặt ra bất cứ quy định nào về số lượng hay thời gian học và cũng không giới hạn tuổi tác. Ông có thể dạy bất cứ lúc nào, buổi trưa, buổi tối và kể cả đêm khuya miễn là người học có nhu cầu.
Cách dạy của ông đơn giản là tạo một hướng mở cho cộng đồng người dân quê thích học và tự nguyện đến học. Một buổi ông dạy khoảng hai giờ theo hướng giảng các quy tắc ngữ pháp rồi đọc mẫu, viết mẫu cho học sinh. Học sinh nào không hiểu thì ông giảng giải cho đến khi hiểu. Theo ông, học khoảng 50 bài là học sinh có thể tự học qua giáo trình. Các buổi học tiếp theo là trò hỏi, thầy trả lời và ngược lại. “Phương pháp của tôi cũng rất giản đơn. Đó là hướng dẫn học sinh tự học như mình đã tự học. Người thầy chỉ cần đưa ra phương pháp còn việc học là của các em. Có như thế mới phát huy được tính sáng tạo, độc lập trong cách học của từng em, như thế thì lực học rất chắc chắn”, ông Am nói.
Và cũng trong thời gian này, ông vừa dạy học vừa viết giáo trình tiếng Anh. Sau một thời gian miệt mài, ông đã hoàn thành bộ giáo trình hai tập “Học Tiếng Anh không mệt” bao gồm 300 bài giảng, dày 800 trang. Từng câu, từng chữ trong cuốn giáo trình tự ông viết nắn nót bằng niềm đam mê và nhiệt huyết.
Dường như hiểu được tấm lòng của ông giáo già nên những người đến với lớp học cộng đồng miễn phí này đều dành cho thầy Am những tình cảm yêu thương và kính trọng đặc biệt.
Được biết, từ lớp học tiếng Anh miễn phí đã có rất nhiều học sinh đạt được những thành tích xuất sắc trong môn học này. Tiêu biểu như em Nguyễn Ngọc Bảo, học sinh lớp 6, trường THCS Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đoạt Huy chương Đồng cuộc thi tiếng Anh qua mạng (IOE) cấp Quốc gia.
Em Bảo cho biết: “Thầy Am dạy rất dễ hiểu nên chúng em tiếp thu rất nhanh. Có điều gì chưa hiểu là thầy Am chỉ bảo rất nhiệt tình, đến khi nào chúng em hiểu mới thôi. Nhờ có thầy ân cần dạy dỗ mà em đạt được thành tích trong cuộc thi tiếng Anh qua mạng. Chỉ mong sao, thầy Am sống thật khỏe mạnh để tiếp tục truyền đạt kiến thức cho chúng em".
Ông Nguyễn Đức Thư (SN 1961), Trưởng xóm 4 cho biết: “Lớp học tiếng Anh miễn phí của thầy Am được duy trì hơn 16 năm. Trong xóm, gia đình nào cũng có con đến học tiếng Anh ở nhà thầy Am. Ban đầu, mọi người còn hiểu nhầm việc tốt của thầy, giờ đây người dân cũng đã hiểu và nể phục việc làm đầy ý nghĩa đó.”
Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng thầy Am vẫn miệt mãi cõng từng con chữ ‘xa xỉ’ tới trẻ em nghèo. Việc làm đầy tình người ấy của ông giáo làng khiến ai cũng phải trầm trồ thán phục.
Chi Nguyễn