Tin mới

Ông Trần Văn Truyền chưa nói gì về 3 biệt thự ở Sài Gòn

Thứ ba, 25/02/2014, 09:22 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Vụ cựu quan lớn tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn\nTruyền sở hữu nhiều biệt thự lớn đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

(Tinmoi.vn) Vụ cựu quan lớn tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn Truyền sở hữu nhiều biệt thự lớn đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

 

Theo nội dung mô tả của báo Người cao tuổi, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền. nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt.

Bài báo đó cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng.

Trần Văn Truyền,Bến Tre,biệt thự

Căn biệt thự gây ồn ào của ông Trần Văn Truyền

Ngay lập tức, thông tin này đã khiến dư luận xôn xao. Điều đáng chú ý, phản ứng của dư luận về các căn biệt thự của ông Truyền, so với khối tài sản của các đại gia Việt là hoàn toàn khác.

Nếu nói về sự giàu có của các doanh nhân, đa phần dư luận bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự tài giỏi và khả năng kinh doanh của họ. Riêng đối với những căn biệt thự của ông Truyền, dư luận đặt ra nhiều nghi ngờ, trong đó nổi bật nhất là ý kiến, tiền của ông Truyền ở đâu ra mà nhiều thế, khi ông là công bộc của dân, ăn lương theo thang bậc của nhà nước, lương Thủ tướng cao nhất cũng là 15 triệu, vậy ố tài sản tiền tỉ ấy của ông ở dâu ra.

Một số ý kiến khác thì cho rằng một quan chức cấp cao như ông Truyền, người có nhiều năm nắm giữ các chức danh cấp cao, có con làm “đại lý bán bia Sài Gòn”, sở hữu một tòa biệt thự được xây trên lô đất “từng bị hoang hóa và được mua với giá rẻ”, thì không có gì là bất thường.

Tuy nhiên, ý kiến này đã không nhận được sự đồng tình của đại đa số người dân, trong bối cảnh hàng loạt quan chức tham nhũng vừa bị lôi ra ánh sáng, và lộ ra nhiều dinh thự, cơ ngơi xa hoa mua không chỉ cho gia đình, mà thậm chí cho cả bồ nhí như Dương Chí Dũng, và từ nguồn tiền không trong sạch như Huỳnh Thị Huyền Như.

Trần Văn Truyền,Bến Tre,biệt thự

Ông Trần Văn Truyền

Để phản bác ý kiến trên, dư luận đặt ra câu hỏi “Tại sao dân ta lại cứ có cái nhìn soi mói vào những ngôi biệt thự? Theo tôi, có lẽ xuất phát là ở chỗ: họ nghi ngờ về tính trong sạch của nó. Vi tài sản của công chức, thường được họ tính: mức lương trừ sinh hoạt phí, còn lại là khoản tiết kiệm. Họ so sánh khoản tiết kiệm này với khối tài sản mà công chức ấy sở hữu. Người ta chỉ suy luận, diễn giải, mà không có khả năng tiếp xúc với cơ sở pháp lý chân thực của khối tài sản ấy. Sự minh bạch sẽ làm cho họ hết nghi ngờ, hết soi mói”

Đồng quan điểm với nhân dân,  ĐBQH Lê Như Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho hay: “Về các căn nhà như báo chí phản ánh nếu khách quan thì phải xem xét các căn hộ đó là nguồn tiền ở đâu. Nếu đó là của thừa kế, của tích lũy từ thu nhập chính đáng, của do được cho, biếu, tặng được minh bạch thì sẽ chẳng có gì chê trách được. Bởi quan chức, trước hết làm những công dân mà công dân thì có quyền làm giàu.

Nếu công chức, quan chức Nhà nước làm giàu chính đáng bằng nguồn minh bạch thì chẳng có vấn đề gì đáng chê trách. Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới còn động viên các quan chức của họ giàu lên một cách đáng bằng nguồn thu của mình hoặc bằng các nguồn chính đáng khác”.

Ông Tiến cũng cho biết, vấn đề quan trọng là phải chứng minh được nguồn gốc của tài sản đó. Nếu không chứng minh được đó là tài sản hợp pháp, mà chỉ từ lương (lương của một vị Bộ trưởng thì cũng chỉ hơn chục triệu) thì việc có nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi “tiền ở đâu để có thể có nhiều nhà” cũng là điều khó tránh, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Còn nếu tài sản đó là chính đáng thì cũng không nên cứ thấy lãnh đạo giàu mà cho rằng đó là tài sản có được do tham nhũng mà phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng.

Lên tiếng về căn biệt thự, cả ông Trần Văn Truyền và vị chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đều xác định ông Truyền chỉ còn có 2 chỗ ở Bến Tre. Theo đó, chỗ thứ nhất của ông Truyền là căn nhà dưới phường 1 (TP. Bến Tre, tỉnh Bến tre). Đó là căn nhà ông Trần Văn Truyền đã mua theo Nghị định 61 (Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Thủ tướng Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó có việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê).

Còn chỗ thứ hai là ở xã Sơn Đông, TP. Bến Tre như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, đất ở vị trí này chỉ rộng khoảng 1 hecta chứ không phải là 3 hecta.

Tuy nhiên, cả 2 nhân vật đều chưa lên tiếng gì về 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng như báo Người cao tuổi đã đưa tin.

Trong tình huống “nóng” như thế này, ông Truyền có lẽ cần có thêm nhiều chứng cứ thuyết phục hơn để đảm bảo tính hợp pháp, chính đáng những tài sản của mình.

Giang Giang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Trần Văn Truyền