Tin mới

PGS.TS Bùi Hiền: "Người thân lo tôi đột quỵ nhưng tôi có áo giáp chân lý"

Thứ sáu, 29/12/2017, 09:50 (GMT+7)

Liên quan đến vấn đề công bố phần 2 đề xuất cải tiến tiếng Việt, PGS.TS Bùi Hiền cho biết, ông có áo giáp để chống lại những "gạch đá" của dư luận.

Liên quan đến vấn đề công bố phần 2 đề xuất cải tiến tiếng Việt, PGS.TS Bùi Hiền cho biết, ông có áo giáp để chống lại những "gạch đá" của dư luận.

Trong khi dư luận xôn xao tranh luận về phần một cải tiến phụ âm "Tiếq Việt", PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - vẫn miệt mài hoàn thiện phần thứ hai của đề xuất.

Sau 40 năm bỏ công sức thời gian nghiên cứu nghiêm túc, chiều ngày 25/12, PGS.TS Bùi Hiền đã quyết định công bố phần 2 nghiên cứu cải tiến chữ viết "Tiếq Việt" sớm hơn dự định.

Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, PGS.TS Bùi Hiền cho biết: "Tôi công bố sớm hơn dự kiến (tháng 3/2018) không phải vì "bị ném đá" sau khi công bố phần cải tiến phụ âm mà trong tiếng Việt bao giờ cũng phải có hai phần phụ âm và nguyên âm luôn đi kèm với nhau. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD&ĐT vẫn chưa có chủ trương áp dụng đó là việc của các nhà quản lý. Việc tôi nghiên cứu dưới góc độ khoa học và mang tính cá nhân thì đó là quyền của tôi". 

PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh Dân Trí

Sau khi công bố phần một, nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt của vị nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội gặp phải những dư luận rất trái chiều nhau, trong đó ông đã phải nhận không ít "gạch đá" chỉ trích.

Nói về sự phản đối gay gắt của dư luận với công trình nghiên cứu của mình, chia sẻ với PV Thời Đại, PGS.TS Bùi Hiền cho biết, khi một đề án đưa ra, công chúng có nhiều ý kiến trái chiều là chuyện bình thường. Hơn nữa, việc Chính phủ và Bộ GD & ĐT có chủ trương áp dụng phương án cải tiến chữ quốc ngữ hay không thì đó là việc của các nhà quản lý. Còn việc ông nghiên cứu dưới góc độ khoa học và cá nhân thì đó là quyền của riêng ông.

Chiều 26/12, trao đổi với PV Báo Người lao động, PSG Hiền cho biết, việc bị chỉ trích không những không bị ảnh hưởng mà đó còn là động lực để ông hoàn thành phần 2 của việc cải tiến này sớm hơn so với dự định.

"Tôi không thể để yên việc mọi người cứ nhằm vào những cải tiến chưa hoàn thiện của mình để đưa ra những bình luận ác ý. Tôi thấy mình cần thiết đưa cải tiến hoàn chỉnh để mọi người có cái nhìn chính xác hơn và phần 2 của đã ra đời trước kế hoạch của tôi là 3 tháng", PGS Hiền nêu quan điểm và cho biết ông không có thời gian để đọc những bình luận ấy. Tôi dành thời gian để làm việc chứ không phải để đối phó những chỉ trích nhằm vào mình.

Nói thêm một chút về đề xuất của mình. PGS Hiền cho rằng, việc Bộ GD&ĐT và Phó Thủ tướng nêu quan điểm nhà nước chưa có chủ trương cải tiến tiếng Việt trước đề xuất của ông cũng là hợp lý.

"Nếu thấy cần thiết, người ta sẽ có tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể, từ đó đưa ra những tranh luận, thậm chí là phản bác. Tôi hiểu rất rõ từ đề xuất đến thực tế không phải là dễ dàng và phụ thuộc vào nhiều vấn đề chứ đâu phải muốn là áp dụng được ngay.

Nhiều người không hiểu đó là đề xuất của cá nhân tôi. Họ lên tiếng như là nhà nước có chủ trương thay đổi tiếng Việt và có những lời lẽ rất khó nghe. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò lo lắng cho tôi, họ nhắn gọi điện hỏi thăm. Tuy nhiên tôi không sao cả. Tôi vẫn mạnh khỏe và sống vui vẻ để tiếp tục công việc của mình, PGS Hiền bày tỏ.

Cũng trả lời trên bài phỏng vấn của Dân Trí, PGS.TS Bùi Hiền cho biết: "Đúng là tôi bị “ném đá” không tiếc tay. Tôi có đọc được bình luận của một người bạn trong giới nghiên cứu là nhà văn Chu Lai. Ông nói rằng không ủng hộ cách cải tiến ngôn ngữ của tôi nhưng trân trọng tinh thần nghiên cứu và lo rằng, tôi sẽ không trụ nổi trước những làn sóng dư luận sục sôi. Nhưng tôi không sao hết.

Thậm chí có kẻ còn nguyền rủa “lão già nên chết đi”, tôi đọc chỉ thấy buồn cười. Người nhà, bạn bè lo tôi sẽ bị đột quỵ nhưng tôi đã có “áo giáp chân lý”. Tôi tin vào sự đúng đắn, bây giờ người ta chưa hiểu thì có một ngày nào đó sau này họ sẽ hiểu, mà không hiểu thì cũng thôi."

Được biết, nghiên cứu cải cách tiếng Việt được PGS.TS Bùi Hiền bắt tay nghiên cứu từ hơn 30 năm về trước.Xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân khi sử dụng tiếng Việt, ông cảm thấy rất khổ sở vì lỗi chính tả tiếng Việt, phân biệt s - x, tr - ch, không tra là mắc lỗi.

Ông đưa ra ví dụ như cụm từ “Trân Châu Cảng” nếu không phải người học chuyên Văn hay ngôn ngữ rất dễ nhầm. Hay trong từ “sắp xếp”, tại sao lại là “sắp” mà không phải là “xắp” - có lí do gì không? Rõ ràng, nó gây khó khăn cho người đọc, người viết, nhiều người sống đến hết đời vẫn mắc lỗi chính tả.

Theo quan điểm của ông, động lực để ông nghiên cứu là làm nhẹ công sức người học, người dùng - từ chỗ đó tiết kiệm và thuận lợi. Ông cho rằng, công việc có ích, có lợi cho mọi người thì làm, chứ không ai thuê, ai bắt ông làm.

Trước đó, bày tỏ quan điểm về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, khi phần 1 của đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền được công bố, bên cạnh những quan điểm ủng hộ thì có rất nhiều ý kiến phản biện khác nhau.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Hiệp, chúng ta nên trân trọng công trình nghiên cứu của các nhà khoa học như PGS.TS Bùi Hiền. Tuy nhiên, mỗi sự thay đổi lớn nào cũng sẽ tác động đến con người và xã hội. Đặc biệt là việc cải tiến chữ viết tiếng Việt là một sự cải tiến lớn, cần phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.

Cũng trao đổi với PV Trí thức trẻ, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam cho biết, việc cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt hay cải tiến tiếng Việt là vấn đề rất lớn nên không thể chỉ qua một vài đề xuất, ý kiến mà cần có những hội thảo khoa học để bàn bạc, đánh giá, nghiên cứu kỹ càng, đưa ra đề xuất.

"Hội đang xin ý kiến các cơ quan chức năng để tổ chức một hội thảo khoa học cấp quốc gia để bàn bạc về việc này", PGS Tình nói thêm.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news