Sáng 23/2, NASA công bố một phát hiện chấn động khi cho biết họ tìm thấy ít nhất 7 hành tinh kích thước như trái đất có thể có sự sống và ở cách 40 năm ánh sáng. Tuy nhiên, với công nghệ tàu vũ trụ hiện tại thì cần hàng triệu năm để từ trái đất đến nơi này.
7 hành tinh mới nằm ngoài thái dương hệ đều được phát hiện quay quanh một ngôi sao lùn gọi là TRAPPIST-1. Ảnh: NASA |
Tờ BBC đưa tin, ngày 23/2 nhờ vào kính thiên văn vũ trụ Spitzer của NASA và một vài trạm quan sát mặt đất khác, các nhà thiên văn học của NASA đã tìm thấy những hành tinh mới.
Theo đó, các nhà thiên văn đã tìm ra 7 hành tinh mới nằm ngoài thái dương hệ đều được phát hiện quay quanh một ngôi sao lùn gọi là TRAPPIST-1. Nó lạnh hơn và đỏ hơn so với mặt trời và lớn hơn một chút so với sao Mộc. Các ngôi sao như vậy có rất nhiều trong dải Ngân hà và tồn tại rất lâu.
Việc phát hiện các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời này được xem là hiếm có vì các hành tinh có kích thước tương tự trái đất cùng nhiệt độ không quá khắc nghiệt, dao động từ 0 đến 100 độ C. Điều này có nghĩa những hành tinh mới có thể có nước dạng lỏng ở bề mặt, một dấu hiệu của sự sống.
Theo CNN đưa tin, dựa trên đánh giá trọng lượng cho thấy 7 hành tinh đều cấu thành từ đá thay vì khí như sao Mộc. 3 hành tinh, lần lượt được định danh là TRAPPIST-1e, TRAPPIST-1f và TRAPPIST-1g, thậm chí có thể có đại dương ở bề mặt.
7 hành tinh cách trái đất 40 năm ánh sáng. Khoảng cách này được xem là khá gần với trái đất trong dải Ngân hà rộng lớn. Tuy nhiên, với công nghệ tàu vũ trụ hiện tại thì cần hàng triệu năm để từ trái đất đến nơi này.
Nhưng dù sao, về giá trị khoa học, phát hiện này tiếp tục khẳng định nỗ lực tìm kiếm sự sống bên ngoài hệ mặt trời. Các nhà khoa học tin rằng TRAPPIST-1f chính là hành tinh có tiềm năng tồn tại sự sống nhất.
Đức Hòa (tổng hợp)