"Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm", tân Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm khi trao đổi với báo chí sau ngày nhậm chức.
Trao đổi với báo chí sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ thẳng thắn, nói rõ quan điểm của mình về mục tiêu giáo dục. Theo tân Bộ trưởng, bản chất của giáo dục là con người. Sách giáo khoa, chương trình… chỉ là những công cụ. Theo đó, mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn.
"Tất cả con người đều có mưu cầu để cuộc sống tốt lên, nhân văn hơn. Từ nhu cầu đó quay trở lại giáo dục phải làm thế nào. Nhưng một mình giáo dục không làm được mà phải có sự đồng hành của gia đình và toàn xã hội. Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh , giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm.
Nếu làm như chiến dịch thì làm xong rồi tắt luôn. Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua. Tôi quan niệm không có chuyện thắng hay thua. Nhiệm vụ quan trọng của mình là tạo niềm tin. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại.
Tại sao cứ đổ hết cho giáo dục? Xã hội ở đâu? Giáo dục có cố gắng đến mấy nhưng môi trường xã hội, cộng đồng không thực sự đồng hành cùng mà chỉ bình luận, chỉ kêu thì không được”, VOV dẫn lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Chinhphu.vn |
Nói về vai trò của tư lệnh ngành mà ông đang đảm nhiệm, ông Nhạ đã trao đổi trên VTC New rằng: "Bảo Bộ trưởng phải làm A, B, C, D thì đó không phải là công việc của Bộ trưởng. Nhưng Bộ trưởng phải sắp xếp, tạo được định hướng, đặc biệt là tạo được hứng khởi để anh em có niềm tin, hứng khởi. Bây giờ phải thổi được tự hào, niềm hứng khởi vào hàng triệu giáo viên, thậm chí thổi cái hổ thẹn (nếu có) cho hàng triệu giáo viên để các thầy cô phấn khích".
Cũng theo quan điểm của tân Bộ trưởng Nhạ, các thầy cô giáo là những “kỹ sư tâm hồn”. Họ rất nhạy cảm, thậm chí nhạy cảm hơn cả nghệ sỹ, khi họ đã buồn rồi thì làm sao họ “sáng tác” được. Do đó, trước khi cho xã hội tin thì người trong ngành phải tin đã. Vì thế, cần phải động viên, không được chê bai các thầy cô.
Trao đổi trên Chinhphu.vn, tân Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho biết: “Tôi sẽ thành tâm lắng nghe và tạo điều kiện để các bậc cao minh, trí giả cũng như người dân bình thường đều có thể hiến kế hoặc đưa ra những suy nghĩ tâm huyết của mình".
Trước đó như tin tức đã đưa, ngày 9/4, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội (QH) đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Trong đó, ông Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay ông Phạm Vũ Luận.
PGS. TS Phùng Xuân Nhạ, sinh năm 1963, (quê Hạ Cát, Tống Phan, Phù Cừ, Hưng Yên), là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2020, Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội.
H.Minh (tổng hợp)