Khi sinh viên tranh cãi về "chiếc quần đùi" của thầy phó hiệu trưởng
Ngày 23/4, một chuyên gia giảng dạy về khởi nghiệp đã đăng tải trên Facebook những hình ảnh một buổi học tại trường ĐH Hoa Sen. Điều khiến mọi người chú ý đó là... chiếc quần đùi mà Giáo sư Trương Nguyện Thành (SN 1961, hiệu phó điều hành Trường Đại học Hoa Sen) đã mặc trong buổi giảng dạy trước rất đông sinh viên, cùng với các diễn giả và khách mời khác trong trang phục bình thường.
GS Trương Nguyện Thành trong buổi giảng về "Lộ trình sáng tạo" ngày 22 và 23/4. Ảnh: Vũ Anh
Không lâu sau đó, một fanpage có tên Đ.S.N cũng đăng tải hình ảnh thầy Thành phát biểu giới thiệu chương trình giáo dục thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Anh với bộ đồ này. Theo chia sẻ thì hội thảo có nhiều khách mời học vị cao, giảng viên và sinh viên nhiều trường đại học khác tham dự.
"Dù thầy là phó hiệu trưởng nhưng diện trang phục ở nhà để đến giảng đường thì không phù hợp chút nào. Mình nghĩ có nhiều cách để thể hiện tư duy sáng tạo chứ không chỉ bằng việc ăn mặc kiểu "cá biệt" rồi cho rằng ai cũng phải "tôn trọng sự khác biệt". Khác biệt và sáng tạo cũng phải nằm trong khuôn khổ, phải phù hợp với tác phong trong ngành giáo dục", một sinh viên đưa quan điểm.
Hình ảnh vị giáo sư mặc áo thun, quần đùi để giảng dạy đã gây nhiều tranh luận trái chiều. Ảnh: Facebook.
Bên cạnh những ý kiến không đồng tình với thầy phó hiệu trưởng, cũng có những bạn sinh viên lên tiếng bênh vực: "Ai đó mặc đồ lịch sự không có nghĩa là họ tôn trọng bạn, tương tự như vậy, ai đó mặc đồ bình dân không có nghĩa họ không tôn trọng bạn. Đừng chỉ nhìn qua một hai bức ảnh mà đánh giá cả một diễn biến sự việc, thầy đang giảng dạy về cách tư duy sáng tạo, mà đã gọi là sáng tạo thì không có một quy tắc nhất định nào cả".
Phó Hiệu trưởng trường Hoa Sen: "Đây không phải lần đầu tiên!"
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện chiếc quần đùi, áo thun mà thầy Thành đã mặc trên giảng đường, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy về vấn đề đang gây tranh cãi này.
Thưa thầy Thành, vừa qua nhiều người rất tò mò trước hình ảnh thầy mặc áo vest, áo thun và quần… đùi khi đang giảng bài cho sinh viên của trường Hoa Sen. Liệu trang phục "phá cách" ấy minh họa cho bài giảng của thầy như thế nào?
Những hình ảnh mà các bạn thấy là trong một buổi học nói về việc làm sao phát triển tư duy sáng tạo. Vì sao tôi mặc áo vest với quần đùi, bởi vì không ai làm chuyện như thế. Làm những điều mà người bình thường không làm thì đó mới gọi là sáng tạo. Cụ thể ở đây là thay đổi quần dài thành quần ngắn.
Tôi muốn các bạn sinh viên phải gỡ bỏ hết tất cả các rào cản về định kiến trong tư tưởng của bạn. Hãy nghĩ rằng, không ai cấm bạn làm bất cứ điều gì, không ai nói bạn nên làm gì và không nên làm gì. Bạn có thể nói con voi có thể bay được, con cá có thể đi bộ được. Nếu như tư tưởng của bạn nói rằng tất cả đều có thể, thì bạn mới mơ được những điều thoát ra khỏi hiện thực cũ mèm. Từ đó mới phát triển được tư duy sáng tạo.
Đây có phải là lần đầu tiên thầy áp dụng cách sáng tạo trang phục như thế trong việc giảng dạy?
Tôi đã từng mặc như thế trong khóa học về Lộ trình sáng tạo ở trường ĐH Bách Khoa TP. HCM vào tháng 6 năm ngoái. Tôi cũng mặc quần đùi và phát cho mỗi sinh viên trong lớp học một chiếc áo thun trắng để các bạn tùy thích "xử lý" chiếc áo ấy theo sự sáng tạo của các bạn. Có người thì xé nó ra cột lên đầu, có bạn thì cắt thành chiếc túi xách, có người thiết kế thành khăn ăn…
Thầy Thành từng mặc quần soóc, áo thun trong khóa học về Lộ trình sáng tạo ở Đại học Bách Khoa vào năm ngoái.
Các sinh viên Bách Khoa đã rất hào hứng khi tham gia buổi học, họ được phát mỗi người một chiếc áo thun trắng và tùy thích "sáng tạo" với chiếc áo đó.
Riêng tôi, tôi đã cắt xén áo của mình đủ kiểu, thậm chí khoét một lỗ to ở bụng. Khi tôi mặc một chiếc áo thun như thế, thì sinh viên mới ngắm nghía rồi nói rằng: "Ừ nhỉ, sao phải nghĩ rằng áo thun thì hai tay áo phải bằng nhau?".
Thầy nói: "Nhìn chiếc áo của tôi, các sinh viên ngắm nghía rồi nói rằng ừ nhỉ, sao phải nghĩ áo thun có hai tay áo bằng nhau?"
Tương tự ở buổi học hôm đó tại trường Hoa Sen, tôi đưa cho các bạn một quả trứng và bảo nếu quả trứng này không để ăn thì bạn sẽ làm gì với nó, hãy suy nghĩ đi. Muốn sáng tạo không phải là một ngày nào đó bạn sẽ có sáng kiến vĩ đại. Mà bạn phải có những đổi mới hàng ngày trong từng việc làm của bạn, từ những thắc mắc nho nhỏ, bạn mới có những sáng tạo nho nhỏ bước đầu.
Đã có một sinh viên đăng tải bảng nội quy của trường ĐH Hoa Sen trong đó có quy định về tác phong, trang phục và cho rằng thầy chọn bộ quần áo như thế khi giảng dạy là vi phạm điều lệ nhà trường, thầy nghĩ sao về việc này?
Tôi biết có nhiều sinh viên không trực tiếp tham gia buổi học mà chỉ xem những hình ảnh được chia sẻ trên facebook. Những bức hình không nói lên được hết bối cảnh và diễn biến buổi học cũng như cách tôi đặt vấn đề trong giảng dạy về sự sáng tạo. Theo luật pháp thì tôi mặc bộ đồ ấy ra đường vẫn được, chỉ có định kiến xã hội mới thấy đó là sự quá đà.
Tác phong là những cái mà con người đặt ra, nhưng sẽ có những thời điểm, không gian mà sự sáng tạo sẽ thay đổi những quan điểm đó. Ví dụ có những công ty mà nơi làm việc đòi hỏi tác phong phải gọn gàng chuyên nghiệp, quần Tây áo sơ mi thắt cà-vạt. Nhưng cũng có những công ty sáng tạo cho phép nhân viên mặc trang phục thoải mái. Đơn cử như ở Google, nhân viên có thể nằm, buồn thì ra chơi… cầu trượt, chơi bi-da, anh muốn làm gì cũng được miễn là anh làm ra được những sản phẩm sáng tạo cho công ty.
Trong lúc giảng dạy bài học sáng tạo thì ở khoa Ngôn ngữ có mời tôi lên phát biểu giới thiệu về chương trình thạc sĩ Anh. Lúc đó tôi cũng không kịp thay đồ, vẫn nguyên áo thun, quần ngắn mà vào hội trường, nhưng những sinh viên lâu năm và các giảng viên, đồng nghiệp của tôi đều không để ý quá nhiều đến trang phục của tôi, bởi họ hiểu tôi là người như thế nào, họ biết tôi đang làm gì.
Nhiều lúc tôi không mang giày, đi chân đất trong phòng làm việc, vì điều đó làm tôi thấy dễ chịu. Bộ não của chúng ta chỉ giải quyết vấn đề tốt nhất khi nó không chịu dưới một áp lực nào. Muốn sáng tạo phải có không gian thoải mái, tự do suy nghĩ, bỏ hết định kiến trong tư tưởng.
"Bộ não của chúng ta chỉ giải quyết vấn đề tốt nhất khi nó không chịu dưới một áp lực nào".
Phản hồi của các sinh viên như thế nào sau bài giảng về tư duy sáng tạo vào hôm đó, thưa thầy?
Sau bài học thì sinh viên rất hào hứng và đưa ra được những ý tưởng khá độc đáo, về sau có mấy đội đưa ra ý tưởng rất hay, nếu được huớng dẫn chặt chẽ thì có thể làm được trong những công ty có tầm đấy.
Môi trường sinh viên là hoàn hảo nhất để phát triển tư duy sáng tạo và khởi nghiệp vì những lý do sau: Thứ 1, sinh viên có quan hệ với nhiều bạn bè ở các ngành học khác, và rất dễ để tương tác. Thứ 2, sinh viên ít bị rào cản bởi những áp lực của cuộc sống. Thứ 3, họ là những người trẻ, họ "không có gì để mất" nên sẵn sàng chơi tới bến để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình.