Tin mới

Phú Thọ: Hàng trăm tấn cá đặc sản bị chết do mưa lũ

Thứ hai, 22/09/2014, 18:13 (GMT+7)

Do ảnh hưởng rãnh thấp, trong hai ngày 20 và 21/9, tại Phú Thọ, có mưa to đến rất to trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá lồng trên sông Bứa.

Do ảnh hưởng rãnh thấp, trong hai ngày 20 và 21/9, tại Phú Thọ, có mưa to đến rất to trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá lồng trên sông Bứa.

Ở các xã Tề Lễ, Quang Húc, Hùng Đô, huyện Tam Nông, mưa to đã gây ra lũ ống khiến 150 lồng cá đang nuôi của các hộ dân bị chết sạch.

Anh Nguyễn Minh Đăng, một trong những chủ nuôi cá lồng lớn nhất xã Quang Húc, cho biết gia đình nuôi 60 lồng toàn cá đặc sản điêu hồng và lăng chấm bị chết sạch. Thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng chưa kể thiệt hại về các lồng bị vỡ, hư hỏng do nước lũ xô vào.

Nguyên nhân dẫn đến cá chết là do nước lũ đổ về quá đục, vẩn váng khiến cá chết hàng loạt.

 

Nhiều nhà dân tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) bị ngập. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Anh Đăng cho biết thêm do cá chết quá nhiều, gia đình đã phải gọi cả xe đông lạnh ở Hà Nội lên để bảo quản nhưng không kịp vì cá bị chết do bị đứt ruột. Số cá chết ở cả 3 xã phải lên đến 500 tấn, thiệt hại gần 100 tỷ đồng.

Anh Vũ Quang Hợp, khu 5 xã Quang Húc, chia sẻ nhiều hộ đã đưa cá đi bán nhưng giá rất rẻ, mỗi 1kg cá điêu hồng giá 5.000 đồng; cá lăng chấm 15.000 đồng mà cũng không có người mua.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông thì số cá chết do lũ gây ra tại 3 xã trên chủ yếu nuôi cá lồng trên sông Bứa khoảng hơn 375 tấn, thiệt hại khoảng gần 40 tỷ đồng.

Sau sau khi lũ xảy ra, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã có mặt kịp thời chỉ đạo công tác ứng cứu, hỗ trợ người dân bảo vệ các lồng bè, đồng thời tìm cách khắc phục hậu quả cho người dân.

Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông đã huy động các lực lượng dân quân tự vệ, quân đội, công an đến kéo cá chết từ lồng vào bờ; tìm cách néo giữ các lồng bè và giúp dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường.

Theo báo cáo nhanh của các huyện: Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn tính đến 17 giờ ngày 21/9, mưa, lũ đã làm 1 người bị mất tích do nước cuốn trôi là ông Đinh Văn Tiến ở xã Xuân An, huyện Yên Lập; 1 ngôi nhà sập đổ, 2 nhà bị nước cuốn trôi, 209 nhà ngập nước; 840ha lúa và 432ha hoa màu bị đổ, ngập; 36 con gia súc và 350 con gia cầm bị chết, 4.000m kênh mương bị sạt lở; 145ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, 136 lồng cá bị trôi; nhiều công trình điện, thủy lợi, giao thông bị hư hỏng...

Hiện công tác khắc phục đã và đang được tỉnh Phú Thọ triển khai khẩn trương.

Tỉnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã bị ảnh hưởng do mưa to, bão lũ phối hợp với lực lượng công an, quân đội, lực lượng dân quân và nhân dân di chuyển tài sản nhân dân ra vùng nguy hiểm đồng thời huy động lực lượng tuần tra, lập chốt chặn tại các tràn ngầm, lập biển báo nguy hiểm kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua, tuyên truyền vận động bà con nhân dân không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông suối gây nguy hiểm đến tính mạng về người.

Các đơn vị đang thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn các huyện phải đảm bảo an toàn về người và tài sản, ngừng thi công khi mưa lớn xảy ra; rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực cuối chân các công trình hồ đập, có phương án di chuyển đề phòng bão, lũ xảy ra…/.

Theo TẠ VĂN TOÀN (TTXVN/VIETNAM+)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news