Một bước đột phá mới sẽ ra đời chăng, khi chỉ cần một lần xét nghiệm là biết tất cả?
Chữa ung thư đã khó, xét nghiệm ung thư cũng không bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Đây là một sự thật, vì bạn có hỏi bất kỳ ai làm trong ngành y cũng sẽ nhận được lời xác thực như vậy.
Sự khó khăn này đến từ ngay bản chất của ung thư. Cần biết rằng, ung thư chỉ là một tên gọi chung cho cho vô số bệnh khác nhau, với bản chất là sự phân chia vô tổ chức của tế bào. Mỗi loại ung thư sẽ có cấu trúc di truyền và triệu chứng riêng biệt. Bởi vậy, xét nghiệm ung thư ruột sẽ không thể áp dụng với ung thư da, và cũng không hoạt động với ung thư phổi.
ADN của từng loại ung thư là khác nhau |
Nhưng khoa học vẫn không bỏ cuộc. Trong nhiều năm, họ vẫn luôn đi tìm những điểm chung của tất cả các loại ung thư, nhằm tìm ra một phương pháp xét nghiệm dành cho tất cả. Và theo như nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, các chuyên gia từ ĐH Queensland (Úc) có vẻ đã tìm ra được câu trả lời.
Phương pháp đưa ra dựa trên một dạng cấu trúc đặc biệt của ADN ung thư khi đặt trong nước. Cấu trúc ấy được giữ nguyên với các tế bào ung thư vú, tinh hoàn, ruột, và thậm chí là cả ung thư da.
Hiện tại, nó chưa được ứng dụng trên con người, nhưng nếu thành công thì chúng ta có thể xét nghiệm ra mọi loại ung thư chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút.
Nó hoạt động như thế nào?
Hiện tại, các xét nghiệm ung thư đều phải lấy sinh thiết - quá trình tách mô trong khối u của người bệnh. Nhược điểm của phương pháp này là đòi hỏi phải can thiệp xâm lấn bằng phẫu thuật. Vậy nên, các chuyên gia muốn tìm một phương pháp ít xâm lấn, lại có thể xác định được ung thư ngay trong giai đoạn đầu.
Một trong những giải pháp tiềm năng được đưa ra là sử dụng sinh thiết lỏng - chính là xét nghiệm tế bào ung thư trong máu. Phương pháp này vẫn đang ở trạng thái thử nghiệm, nên cần nhiều thời gian trong tương lai để chứng minh.
Theo Abu Sina - chuyên gia từ ĐH Queensland, phương pháp của họ đưa ra cũng tương tự như vậy, nhưng theo cách tiếp cận khác.
Về cơ bản, mọi tế bào trong cơ thể đều chứa mã ADN giống nhau. Tuy nhiên khi ung thư xuất hiện, các một số ADN sẽ bị lập trình lại, mà chúng ta có thể xác định nhờ một số dạng sắp xếp của các phân tử methyl.
Xét nghiệm máu cũng đang được chứng minh có thể dùng để xét nghiệm ung thư |
Đây vốn là các phân tử siêu nhỏ, có cách sắp xếp khác nhau dựa trên tình trạng của ADN. Một ADN bình thường sẽ có dạng methyl riêng để giúp nó hoạt động tốt. Và nếu thay đổi cách sắp xếp ấy, ADN sẽ hoạt động bất thường, và trở thành ung thư.
Laura G. Carrascosa - một tác giả khác của nghiên cứu cho biết trước kia đã từng có một số thử nghiệm về methyl, nhưng chưa từng thực hiện trong chất lỏng - như nước chẳng hạn. Và họ quyết định thực hiện nó.
Sử dụng kính hiển vi electron, Sina cho biết ADN ung thư có cấu trúc gấp khi được đặt trong nước - khác với các ADN thông thường. Ngoài ra, ADN ung thư cho lực hút rất mạnh khi tiếp xúc với các phân tử kim loại vàng.
Từ đây, các chuyên gia bắt đầu đưa ra ý tưởng về một phương pháp mới, có thể xác định ADN ung thư qua máu và mô người. Chỉ cần một nguồn ADN sạch, nhỏ thêm vài giọt phân tử vàng vào và quan sát sự thay đổi, vậy là đủ.
Sự thay đổi ở đây là về màu sắc. Do ADN ung thư có ai lực mạnh với vàng, màu sắc của dung dịch sẽ thay đổi chỉ trong vòng 5 phút.
Tại sao đây là một nghiên cứu cực kỳ quan trọng?
Để phương pháp có thể thành công, ADN đưa ra xét nghiệm đòi hỏi phải tinh khiết. Giáo sư Matt Trau - một trong ba tác giả nghiên cứu cho biết trong hơn 200 mẫu mô và máu được xét nghiệm, tỷ lệ chính xác lên tới 90%. Đây là một tỷ lệ hết sức quan trọng, nhằm tránh các trường hợp xét nghiệm sai sót có thể xảy ra.
Cũng theo giáo sư, nghiên cứu của họ đã thử nghiệm với tế bào ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột và ung thư da. Dù vẫn còn nhiều loại ung thư chưa được thử, nhưng vì cấu trúc methyl của các loại đã thử là giống nhau nên có thể dự đoán được phản ứng của nhiều loại khác cũng như vậy.
Sử dụng các phân tử vàng có thể xét nghiệm được ung thư? |
Đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và đầy tiềm năng, vì nó cho chúng ta một phương pháp xét nghiệm chính xác cực cao, không tốn nhiều thời gian và công sức. Dù vậy, vẫn cần nhiều thực nghiệm hơn để chứng minh.
Theo Trau, bước tiếp theo là cần một nghiên cứu có quy mô lớn hơn, nhằm tìm hiểu xem liệu có thể sử dụng phương pháp này mà xét nghiệm được ung thư trong giai đoạn đầu hay không. Và liệu rằng xét nghiệm có thể giúp cho việc theo dõi sự phát triển của ung thư trong giai đoạn điều trị.