Quán cơm Từ thiện giữa tp.Hồ Chí Minh đã giúp đỡ cho hàng trăm người lao động có được một bữa cơm đàng hoàng, cùng sẻ chia với họ những khó khăn, vất vả cho cuộc sống.
Một bà cụ đảo bước đến, tay cầm xấp vé số run rẩy mời khách mua những tờ vé cuối cùng để bà kịp bữa ăn trưa. Ngày nào cũng vậy, bà Lân đều cố gắng bán hết vé số để đến nhận cơm miễn phí cho bà và đứa cháu 8 tuổi của mình.
Theo chân bà cụ, chúng tôi tìm đến nhà ăn từ thiện không tên nằm trong con hẻm nhỏ tại đường Tôn Thất Tùng, Q.1. Cũng như bà Lân, có rất đông người dân xếp hàng chờ đợi đến lượt mình để nhận cơm thì thiện. Họ đa phần là những người dân lao động nghèo khổ, sinh viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu vực.
Bữa cơm của sự sẻ chia
Đối với những người lao động nghèo tại đây, để có được một bữa cơm trưa là cả một cuộc chiến sinh tồn khi mà giá cả ở trung tâm thành phố vô cùng đắt đỏ, nhiều lúc họ phải nhịn đói vì không có đủ tiền để ăn cơm. Không chỉ có bà Lân, quán cơm từ thiện đã giúp đỡ cho hàng trăm người lao động có được một bữa cơm đàng hoàng, cùng sẻ chia với họ những khó khăn, vất vả cho cuộc sống.
“Nhờ có những bữa ăn trưa như thế này mà bà cháu tôi không còn phải nhịn đói vì thiếu tiền. Tôi thì già cả, mắt lại mờ, đứa cháu chỉ mới 8 tuổi, cuộc sống quanh năm chỉ phụ thuộc vào mấy tờ vé số của hai bà cháu. Cũng vì nghèo khổ quá mà chúng nó (con cái của bà) bỏ hai bà cháu mà đi biệt xứ. Được ăn cơm miễn phí ở đây bà cháu tôi mừng lắm!” bà Phạm Thị Lân (74 tuổi) xúc động nói.
Được biết, quán cơm đã ra đời hơn ba năm xuất phát từ ý tưởng của linh mục Nguyễn Văn Hưởng (Cha xứ của Giáo xứ Chợ Đũi). Khi biết được ở xung quanh giáo xứ có rất nhiều mảnh đời bất hạnh, ngày đêm phải vật lộn cho cuộc sống mưu sinh, người thì khuyết tật, người thì già cả, ốm yếu, trẻ em lang thang, cơ nhỡ…đã thôi thúc Cha Nguyễn Văn Hưởng cần phải làm một điều gì đó để giúp đỡ bà con.
“Bữa cơm trưa ra đời với mong muốn sẻ chia một phần khó khăn, vất vả của những người dân lao động nghèo, giúp họ cảm thấy ấm lòng để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”, Cha Hưởng chia sẻ.
Một ngày, quán cơm phục vụ hơn 100 phần ăn cho bà con nghèo. Để duy trì được số lượng cũng như chất lượng của bữa ăn là cả một quá trình cố gắng của Cha Hưởng cũng như nhiều người khác tại quán ăn từ thiện.
Bữa từ thiện mở cửa phục vụ miễn phí tất cả các ngày trong tuần. Đồng thời, vào trưa thứ 6 mỗi tuần, ngoài việc phục vụ cơm cho bà con tại đây, Cha Nguyễn Văn Hưởng cũng chính là người thành lập quán cơm 2.000 đồng Hiệp Thông để phục vụ cho tất cả bà con trong khu vực.
Chia sẻ về cách làm này, cha Hưởng tâm sự: “Dù ở trung tâm thành phố nhưng ở đây số lượng người lao động phổ thông nghèo khổ rất nhiều, nhưng với sức lực một mình Cha thì không thể nào mở cửa quán cơm để phục vụ cho tất cả mọi người được. Cho nên quán cơm Hiệp Thông chỉ mở cửa mỗi thứ 6 trong tuần để tạo niềm vui cho mọi người. Đồng thời, quán cơm cũng là dịp để quán tìm ra những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ họ, đồng hành cùng họ ở những bữa ăn miễn phí mỗi ngày”.
Đi dạy học kiếm tiền duy trì quán cơm
Về kinh phí để duy trì hoạt động của quán ăn, cha Hưởng cho biết đó là nhờ vào số tiền Cha đi dạy học cũng như sự giúp đỡ của các giáo dân tại đây. Người cho gạo, người cho rau, người phụ giúp nấu nướng…để quán cơm miễn phí ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Cha cũng mong muốn có thể mở rộng được quán cơm, tăng số phần cơm nhiều hơn nữa, phục vụ cho vài trăm người để chia sẻ hơn nữa với người dân. Dù biết còn rất nhiều người gặp khó khăn nhưng vì điều kiện không cho phép, quán cơm chỉ gói gọn cho hơn 100 người ăn. Những người ăn tại đây đã được Cha cùng thành viên trong quán tìm hiểu cụ thể, xác minh hoàn cảnh để bữa ăn đi đúng mục đích, ý tưởng ban đầu của mình.
Đến với quán cơm, không chỉ có những người dân lao động mà còn có những em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Họ đến không chỉ để được ăn cơm mà còn đến để giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau sẻ chia những yêu thương trong cuộc sống. Quán cơm giống như một mái nhà gắn kết tất cả mọi người lại với nhau để họ tự tin bước tiếp trong cuộc đời.
Dù là bữa ăn miễn phí nhưng không vì thế mà kém chất lượng. Mỗi phần ăn đều đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như đảm bảo vệ sinh oan toàn thực phẩm. Bạn Nguyễn Tuấn Linh (sinh viên) chia sẻ: “Ăn cơm tại quán cũng giống như cơm do ba mẹ nấu vậy, nó tràn đầy tình yêu thương của mọi người dành cho nhau. Em hay phụ giúp các cô trong bếp nấu nướng cũng như phụ dọn cho quán, em rất vui vì quán cơm đã giúp em trưởng thành hơn, biết yêu thương và san sẻ cùng tất cả mọi người. Em hi vọng Cha Hưởng cùng tất cả mọi người có nhiều điều kiện hơn nữa để tiếp tục duy trì và phát triển quán cơm này”.
Với những việc làm hết sức ý nghĩa, quán cơm không chỉ là điểm đến của những người có hoàn cảnh khó khăn mà là nơi kết nối những tấm lòng, đem yêu thương, sự sẻ chia để tất cả mọi người. Còn đối với cha Hưởng, người đã thành lập và duy trì quán cơm suốt thời gian qua là những trăn trở về việc tiếp tục tìm ra được nguồn kinh phí để quán cơm được hoạt động. Hi vọng những mong muốn của Cha, có thêm nhiều điều kiện hơn nữa để mở rộng quán cơm, tăng số phần ăn mỗi ngày để có nhiều người nghèo được giúp đỡ, được sẻ chia dù nó chỉ đơn giản là một bữa cơm…
Phong Trần