Tin mới

Ra đầu thú, Trịnh Xuân Thanh vẫn khai báo không thành khẩn?

Thứ sáu, 22/12/2017, 15:25 (GMT+7)

Phía cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho hay bị can Trịnh Xuân Thanh  - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, có tiền án, tiền sự, mặc dù ra đầu thú nhưng lại có thái độ khai báo không thành khẩn.

Phía cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho hay bị can Trịnh Xuân Thanh  - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, có tiền án, tiền sự, mặc dù ra đầu thú nhưng lại có thái độ khai báo không thành khẩn. 

VnexpressNgười lao động cho hay mới đây, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản", xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trịnh Xuân Thanh được cho khai báo không thành khẩn. Ảnh: Báo An ninh tiền tệ

Cụ thể, Cơ quan ANĐT đã quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao và đề nghị truy  tố ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), PVN, Trịnh Xuân Thanh - Nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, cùng 20 bị can khác về 2 tội danh trên.

Theo kết luận điều tra, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện việc ký hợp đồng số 33 trái quy định. 

Sau đó, chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này để tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.

Hành vi của ông Đinh La Thăng bị cơ quan điều tra xác định phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự.

Đối với bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình tiến hành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC, ký hợp đồng số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng. Qua đó, chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.

Trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT PVC, bị can Trịnh Xuân Thanh đã cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo bị can Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC, và Lương Văn Hòa, nguyên giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Bị can Trịnh Xuân Thanh được hưởng lợi 4 tỉ đồng, Vũ Đức Thuận hưởng lợi 800 triệu đồng.

Qua đó, cơ quan điều tra xác định hành vi của Trịnh Xuân Thanh phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản", quy định tại Điều 165 và Điều 278, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ngoài ra, tiến hành điều tra lý lịch của bị can Trịnh Xuân Thanh, CQĐT kết luận Trịnh Xuân Thanh từng có tiền án, tiền sự: 1 tiền sự Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải - Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 1985; Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác - Điều 109, Bộ luật Hình sự 1985; Ngày 9-12-2017, bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về tội "Tham ô tài sản", theo Điều 278 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo cơ quan ANĐT, đáng chú ý, bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú nhưng thái độ khai báo không thành khẩn.

Liên quan đến vụ án, tám bị can bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản gồm: Trịnh Xuân Thanh, (nguyên chủ tịch HĐQT PVC); Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên tổng giám đốc PVP Land); Đào Duy Phong (nguyên chủ tịch HĐQT PVP Land); Lê Hòa Bình (chủ tịch HĐQT Công ty 1/5); Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu kế toán trưởng công ty 1/5); Thái Kiều Hương (nguyên phó tổng giám đốc công ty VietSan); Đinh Mạnh Thắng (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà Dầu khí) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news