Tin mới

Rễ bồ công anh chữa ung thư: GS Dược y học cổ truyền tiết lộ sự thật

Thứ sáu, 15/06/2018, 13:49 (GMT+7)

Nhiều bệnh nhân bị ung thư bắt đầu chuyển sang tìm loại rễ cây bồ công anh mua về nấu làm nước trà để uống với mong muốn chữa được ung thư.

Nhiều bệnh nhân bị ung thư bắt đầu chuyển sang tìm loại rễ cây bồ công anh mua về nấu làm nước trà để uống với mong muốn chữa được ung thư.

Bỏ về nhà mua rễ bồ công anh về uống

Bé Nguyễn Thu L. 8 tuổi, Hoài Đức (Hà Nội) được chẩn đoán ung thư máu thể bạch cầu cấp, chị Trần Thị Lân 26 tuổi mẹ của bé L chạy lên chạy xuống tìm các phương pháp chữa bệnh cho con. Chị Lân tâm sự cháu bị từ hai năm trước và bây giờ tái phát. Nhìn con đau đớn, kêu khóc vì tiêm. Bé sợ tiêm vì mỗi mũi tiêm bé cứ ôm mẹ kêu buốt.

Lần tái phát này của bé tình trạng xấu hơn. Bác sĩ truyền hoá chất nhưng thể trạng bé yếu và thường xuyên trong tình trạng sốt 39 – 40 độ.

Chị Lân được nhiều người mách mua rễ bồ công anh về cho cháu uống vì rễ bồ công anh trị được ung thư. Chị cũng thử mua 1kg rễ bồ công anh với giá 300 nghìn đồng về sắc nước cho bé uống.

Rễ bồ công anh chữa ung thư: GS Dược y học cổ truyền tiết lộ sự thật  - Ảnh 1.

Không riêng chị Lân nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư loay hoay tìm các phương pháp chữa bệnh khác nhau. Ông Lại Văn Bao – Kiến Xương, Thái Bình được chẩn đoán ung thư phổi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Cầm kết quả bệnh án ông và con trai lặng lẽ ra về vì ông từ chối mọi biện pháp điều trị.

Về nhà, ông cũng đi tìm mua đủ các loại cây về uống như lá đu đủ, rễ bồ công anh, xạ đen. Sau khi uống đủ các lá lẻo, rễ này rễ kia chỉ 2 tháng sau ông phải vào viện vì đau và khó thở.

Rễ bồ công anh chỉ có tác dụng chữa mụn nhọt

Giáo sư Phạm Xuân Sinh – Nguyên giảng viên dược y học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, bồ công anh không có tác dụng trị ung thư.

Theo GS Sinh, trong y học cổ truyền bồ công anh có vị ngọt, khí bình cho nên thanh được phế, lợi được hung cách, hóa được đờm, tiêu tan được tích kết, chữa được những chứng mụn nhọt, nuôi dưỡng được âm phận, mát huyết, cứng xương, cứng răng…

Rễ bồ công anh chữa ung thư: GS Dược y học cổ truyền tiết lộ sự thật

GS Sinh cho biết, từ trước tới nay không riêng gì bồ công anh mà rất nhiều cây được đồn thổi chữa ung thư nhưng thực chất nó chẳng có tác dụng.

GS Sinh lấy ví dụ về vị tùng hương là phần bã, phần cạnh nhựa sau khi lấy tinh dầu của nhựa thông. Theo đông y nó có tác dụng trị ung thư nhưng trên thực tế, vị thuốc này chỉ có tác dụng trừ một sinh cơ chỉ thống, được sử dụng làm cao dán nhất là giai đoạn sau khi nhọt đã có mủ. Không có tác dụng trong điều trị ung thư.

GS Sinh cho biết, theo quan niệm đông y, ung thư chỉ là một loại bệnh có khối u nói chung, khối u đó có thể là u thịt, gây sưng, đỏ, cứng rắn, đau đớn có thể là nhọt nằm sâu trong cơ thể có mủ sưng đau hoặc với lở loét hay một nhọt ở lưng gọi là hậu bối.

Đối với ung nhọt trong phủ tạng, đông y gọi là "nham" ví dụ, "nham" đại tràng, nham phổi… nghĩa là trong phổi trong dạ dày trong đại tràng có khối u. Khái niệm nham được y học cổ truyền chữa theo kiểu ung thư trong y học hiện đại. Nhưng ung thư trong đông y và trong các sách cổ của đông y không giống với ung thư trong y học hiện đại.

Ung thư hiện đại là một loại bệnh được các nhà y học phương Tây phát triển vào thế kỷ 20 mô tả chính xác và đầy đủ các triệu chứng của loại bệnh này. Có thể tóm tắt một số ý chính như bệnh lý về gien, quá trình rối loạn về tốc độ phân chia tế bào do tổn thương DNA. Trải qua sự đột biến ở một số gien nhất định.

Các tế bào này bị thay đổi về hình dạng, kích thước nhân, kích thước tế bào. Đó là một dạng loạn sản, dạng bất bình thường của sự tăng sinh tế bào quá mức đặc trưng bởi mật độ sự sắp xếp không bình thường của tế bào và mô cũng như cấu trúc của tế bào.

Cho đến nay người ta phát hiện tới gần 200 loại ung thư khác nhau và đã có các phương pháp chẩn đoán hữu hiệu như chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, chụp cộng hưởng từ, sinh thiết, xét nghiệm sinh hóa máu. GS Sinh nhấn mạnh có sự khác nhau về bản chất và khái niệm ung thư cũng như chẩn đoán và điều trị của hai nền y học Đông và Tây. Nên trong điều trị không thể lấy quan niệm đông y áp cho tây y.

Ngay cả trong các sách thuốc của Trung Quốc cũng giới thiệu một số cây chữa ung thư như ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, dạ dày chẳng hạn như bán chi liên, cây Bạch hoa xà thiệt thảo nhưng trên thực tế chúng chỉ chữa được các loại nham tức là các loại nhọt trong phổi, trực tràng, dạ dày có thể là các khối áp xe, khối viêm loét .

Để có thể trị ung thư từ một cây, con thuốc, các nhà khoa học phải tiến hành chiết suất các thành phần hóa học có tác dụng ức chế một hay nhiều tế bào ung thư đó. Sau khi đã có đủ số lượng của chất tinh khiết chiết được, mới có thể tiến hành thử nghiệm trên lâm sàng với nhiều bước tiếp theo, công việc này chỉ mang tính lý thuyết vì hàm lượng các chất hóa học này trong cây con thuốc rất thấp.

Nếu chiết suất được các hoạt chất của các cây cỏ thì sau khi chiết tách được các thành phần có tác dụng kháng ung thư, người ta sẽ bắt chước cấu trúc của các chất đó rồi mới tiến hành bán tổng hợp hoặc tổng hợp hoá dược, để có đủ số lượng thích hợp cho các thực nghiệm trên lâm sàng cách này cũng rất tốn kém trước khi nó trở thành một thứ thuốc có thể trị được ung thư.

Ngọc Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news