Tin mới

Rối loạn tâm lý mùa thi và cách xử lý

Thứ năm, 26/06/2014, 16:46 (GMT+7)

Vào mùa thi, tỉ lệ học sinh rối loạn tâm thần liên quan đến những căng thẳng, áp lực học và thi lại tăng cao.

Vào mùa thi, tỉ lệ học sinh rối loạn tâm thần liên quan đến những căng thẳng, áp lực học và thi lại tăng cao.

Những bệnh lý thường gặp là rối loạn lo âu, trầm cảm, đôi khi sự căng thẳng này là yếu tố khởi phát một bệnh lý loạn thần. Vậy làm thế nào để nhận biết và phòng tránh những bệnh lý này?

Trầm cảm

Là một trạng thái bệnh lý của cảm xúc với sự suy giảm về cảm xúc và hoạt động, ý nghĩ. Người bệnh cảm thấy buồn chán, lo lắng, căng thẳng, trống rỗng trong người, không hy vọng gì vào tương lai, cảm thấy mình không có giá trị, không hứng thú trong các hoạt động mà trước kia mình thích, ăn không còn cảm thấy ngon miệng, kém sự tập trung chú ý, hay quên, không thể quyết định được công việc của mình, bệnh nhân có thể mất ngủ hoặc ngủ nhiều, mệt mỏi, đau đầu, nặng có thể có ý tưởng, hành vi tự sát.

 

 Thiếu serotonin trong não là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm lý

Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, biểu hiện trầm cảm thường gắn liền với sự gián đoạn và hiệu quả của công việc học tập. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ở lứa tuổi này thường cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4 – 6% với tỉ lệ mắc bệnh có thể tới 16%. Trầm cảm thường xuất hiện với những biểu hiện: Cảm giác quá buồn chán hoặc thất vọng, tuyệt vọng; Cảm thấy không còn sự hy vọng và luôn cho rằng mọi việc đối với mình sẽ không bao giờ có thể tốt lên được; Mất đi những sở thích tham gia vào các hoạt động mà trước kia mình hứng thú. Giảm hoặc mất đi sự ngon miệng; Gầy sút cân hoặc tăng cân trong một thời gian ngắn mà không có một căn bệnh nào khác của cơ thể; Đau ở nhiều nơi trong cơ thể, ví dụ đau đầu, đau lưng… mà không có căn nguyên bệnh lý nào dẫn đến đau như vậy; Cảm giác mệt mỏi;Không có mục đích gì cho tương lai; Có những rối loạn về giấc ngủ: mất ngủ hoặc ngủ nhiều; Có cảm giác có tội, đánh giá thấp giá trị bản thân mình, tự ti, mất tự tin; Cảm giác lo lắng, căng thẳng.

Hay quên, kém tập trung vào công việc, chán nản không muốn học, hay quên, điểm thi kém và đây là điều mà các em hay nói với bác sĩ nhất khi đi khám bệnh.

Có ý nghĩ muốn chết, có thể có hành vi tự sát hay hủy hoại bản thân. Trầm cảm là một nguyên nhân dẫn đến tự sát, nhất là những trường hợp nặng. Những biểu hiện cần chú ý để phát hiện dấu hiệu muốn tự sát là: Nói về ý định tự sát hoặc nói chung về cái chết, nói những lời ám chỉ rằng mình sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa, nói về cảm giác bi quan, không còn hy vọng hoặc cảm thấy có tội, tránh xa gia đình và bạn bè, viết những bức thư nói về cái chết, sự chia lìa hoặc sự mất mát, cho đi những đồ vật mà mình thích.

Khi phát hiện ý tưởng tự sát, cần phải điều trị nội trú và giám sát chặt chẽ với người bệnh vì đây là một cấp cứu trong tâm thần học.

Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu thường có biểu hiện: Bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên; Vã mồ hôi; Run tay chân; Ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau dạ dày, căng đau ở cơ; Cảm xúc không ổn định: khóc lóc, lo lắng và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày và không thể nào chấm dứt được sự lo lắng đó.

 

Áp lực thi cử có thể khiến các em bị rối loạn tâm lý. 

Biểu hiện chậm chạp, thường xuyên vắng mặt ở lớp học, ít tham gia vào các hoạt động giao lưu với bạn bè ở lớp.

Trẻ lo lắng quá mức để làm thế nào có thể thành công khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở trường, lớp, luôn luôn mong muốn việc mình làm phải hoàn hảo.

Nhiều trường hợp rối loạn lo âu có thể dẫn đến kết hợp sử dụng thêm chất kích thích như rượu và các chất gây nghiện khác.

Biểu hiện loạn thần

Rất nhiều trường hợp, sự học hành căng thẳng là một yếu tố khởi phát một bệnh lý loạn thần cấp với những dấu hiệu:

Đêm ít ngủ; hoang tưởng: nghi ngờ có người theo dõi mình bằng các phương tiện máy móc, tia xạ, sóng điện từ, camera, gắn những dụng cụ vào người mình như con chip… để giám sát theo dõi bệnh nhân.

Ảo giác: thường gặp là ảo thanh dạng lời nói trò chuyện với bệnh nhân, ra lệnh cho người bệnh. Những ý nghĩ của bệnh nhân đều có người khác biết hết, đọc hết được suy nghĩ của bệnh nhân.

Rối loạn hành vi, cảm xúc: bệnh nhân có biểu hiện sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, bỏ nhà đi lang thang, nói chuyện với ảo thanh, theo dõi rình rập vì nghi ngờ có người làm hại mình, theo dõi mình. Đó là những phản ứng về hành vi với những hoang tưởng và ảo giác.

Cách xử lý và phòng tránh các rối loạn tâm thần: Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ. Tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc. Chăm sóc cơ thể bạn về chế độ ăn, ngủ. Giảm bớt áp lực công việc. Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, cơ quan. Tìm cách đưa sự mất cân bằng trong cuộc sống của mình trở về trạng thái bình thường, có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống. Biết cách điều hòa công việc, có thời gian biểu, kế hoạch làm việc một cách hợp lý, đặc biệt là giai đoạn cuối của những kỳ thi, học dồn ép nhiều, dễ gây ra nhiều bệnh lý do căng thẳng, mất ngủ. Không nên sử dụng những chất kích thích gây ít ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến thần kinh như chè, café, rượu, các chất kích thích tâm thần để học vì rất dễ gây hưng phấn dẫn đến bệnh lý tâm thần. Bố mẹ cần phải có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với con, là một người bạn tâm sự của con, có thể chia sẻ những chuyện buồn vui ở trường, ở lớp của con, chia sẻ những kinh nghiệm học hành của cha mẹ để các con có phương pháp học tốt, đạt hiệu quả cao.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Cô dâu hát tưng bừng trong đám cưới

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news