Bộ giao thông vận tải đã chính thức gửi công hàm đến Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung quốc tại Việt Nam về sự cố tại công trường dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Liên quan đến vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, ngày 31/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đã ký công hàm gửi ông Hồng Tiểu Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, liên quan tới sự cố tại công trường dự án đường sắt do tổng thầu Trung Quốc thực hiện.
Tại công văn này, Bộ GTVT trân trọng đề nghị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền có ý kiến với nhà thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) và Tư vấn giám sát là Công ty Giám sát xây dựng - Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm chính về mọi sự cố xảy ra. Đồng thời có kế hoạch hành động toàn diện, cụ thể để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn bộ dự án tới khi hoàn thành và đi vào khai thác. Bên cạnh đó, có trách nhiệm động viên, thăm hỏi kịp thời và bồi thường thỏa đáng đối với những thiệt hại về người và tài sản do sự cố này gây ra.
Bên cạnh đó, công hàm của Bộ GTVT cũng nêu rõ, tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông do tổng thầu EPC – Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thi công và Công ty Giám sát xây dựng – Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh làm tư vấn giám sát đã để xảy ra liên tiếp 2 sự cố nghiêm trọng.
Theo đó, ngày 6/11, tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III, đường Nguyễn Trãi thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đã xảy ra sự cố khiến 1 người chết và 2 người bị thương.
Sau khi sự cố xảy ra, qua ý kiến của Đại sứ quán Trung Quốc, phía Bộ GTVT đã xử lý có tình có lý đối với nhà thầu cũng như tư vấn giám sát của phía Trung Quốc và khắc phục sự cố để công trường sớm trở lại hoạt động. Phía Việt Nam cũng trấn an người dân về việc nhà thầu và Tư vấn đã cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối không để phát sinh thêm sự cố.
Tuy nhiên, ngày 28/12 vừa qua, tức là chỉ sau gần hai tháng, tại vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú gần kề vị trí trước đây sự cố xảy ra, trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường, đè bẹp một chiếc taxi 4 chỗ. Rất may không có thương vong nào xảy ra.
Bộ GTVT đã và đang quyết liệt chỉ đạo, phối hợp xử lý, khắc phục sự cố, đồng thời cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tổng thầu EPC, nhà thầu phụ, Tư vấn giám sát kiểm điểm và phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm minh và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo an toàn trên toàn dự án.
Bộ GTVT trân trọng đề nghị đồng chí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền có ý kiến với Nhà thầu Cục 6 và Tư vấn giám sát của phía Trung Quốc:
"Thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm chính về mọi sự cố xảy ra, đồng thời có kế hoạch hành động toàn diện, cụ thể để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn bộ dự án tới khi hoàn thành và đi vào khai thác. Đồng thời có trách nhiệm động viên, thăm hỏi kịp thời và bồi thường thỏa đáng đối với những thiệt hại về người và tài sản do sự cố này gây ra".
Dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa được khởi động lại cuối tháng 11/2014 sau sự cố rơi thép tại điểm thi công nhà ga Thanh Xuân ngày 6/11 khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương.
Dự án này được thi công theo hình thức Tổng thầu EPC do Tập đoàn HH Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu thi công. Ban Quản lý dự án đường sắt Bộ Giao thông Vận tải là đại diện chủ đầu tư.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tháng mà liên tiếp các sự cố nguy hiểm xảy ra trên tuyến đường sắt trên cao đang thi công. Đó là ngày 6/11, tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi đã xảy ra sự cố thanh thép của công trình rơi xuống dưới mặt đường khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Ngày 28/12 , tại vị trí ga bến xe Hà Đông cách đó khoảng hơn 100 mét lại xảy ra sự cố sập đà giáo và bê tông khi thi công xà mũ trụ H7 khiến bê tông và sắt thép đè bẹp một xe taxi đang lưu thông trên đường.
Mai Nguyên (Tổng hợp)