Đôi khi để được nghỉ việc, tới với chân trời mới, bạn phải bỏ ra những khoản chi phí không nhỏ.
Anh Định quê ở Sóc Sơn, làm việc tại một công ty phần mềm khu vực Mỹ Đình được gần 3 năm. Sau khi nhận được thư mời làm việc của công ty đối thủ có mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn, anh nộp đơn xin nghỉ việc tại Công ty hiện tại.
Trưởng phòng mời anh họp cùng với Phòng Nhân sự, đưa ra một danh sách các loại chi phí anh phải hoàn trả lại cho công ty. Tính ra không những anh không được nhận tháng lương cuối cùng mà còn phải bù thêm cả tiền túi ra.
Anh Định trần tình: “Công ty tính chi phí tất cả các khóa đào tạo trong và ngoài công ty mà tôi đã tham gia, bao gồm cả các khóa tiếng Anh, các khóa kỹ năng mềm mà tôi nghĩ đương nhiên sẽ được đào tạo để nâng cao chất lượng công việc nhưng cũng bị tính chi phí. Đặc biệt có hợp đồng tôi được cử đi Nhật trong 3 tháng, nói là đào tạo nhưng thực tế tôi cũng phải lao động thật sự và phát triển các phần mềm cho đơn vị đối tác tại Nhật, thì bây giờ cũng tính toàn bộ chi phí từ ăn ở, đi lại thành phí đào tạo của khóa học tại Nhật.
Tôi cảm thấy không thỏa đáng nhưng không kiện được vì đã có biên bản thỏa thuận đào tạo hai bên ký kết, có chữ ký của tôi đàng hoàng. Lúc đó háo hức được đi nước ngoài nên tôi không đọc kỹ mà đã ký, đúng là bút sa gà chết, bây giờ lại phải hoàn lại cả tiền công tác phí khiến tôi cảm thấy ấm ức mà không biết kêu ai”.
Không chỉ có trường hợp anh Định, một số các bạn trẻ khi được công ty gợi ý cử đi học hoặc tổ chức các khóa học tại công ty đều chủ quan, không đọc kỹ các điều khoản trong thỏa thuận hay hợp đồng đào tạo, đến khi hợp tác hai bên không thuận lợi xin nghỉ việc lại tá hỏa khi nhận được thông báo hoàn trả tiền cho công ty.
Chị Thanh – nhân viên văn phòng tại một công ty tư nhân còn bổ sung thêm “Mà ngay cả việc tính những chi phí gì trong chi phí đào tạo anh chị em cũng cần phải thận trọng. Có lần tôi đọc thỏa thuận đào tạo tại công ty tôi, thấy liệt kê cả chi phí thuê diện tích phòng họp trong thời gian đào tạo, chi phí lương của chúng tôi, các chi phí khác như giấy photo, bút, điện, trà nước .. .cũng tính tất. Tôi nhất quyết không ký, đòi gặp trưởng phòng đào tạo cãi lý đến cùng mới bỏ được mấy cái khoản phí trời ơi đất hỡi đó”.
Đối với trường hợp chị Chi ở Long Biên thì vấn đề lại phức tạp hơn. Công ty chị Chi là công ty nước ngoài bán độc quyền một sản phẩm gia dụng tại Việt Nam, được rất nhiều người ưa chuộng và trong nhiều năm chế độ của nhân viên rất tốt.
Rất nhiều người phải bỏ ra một khoản phí không nhỏ để có thể nghỉ việc
Tuy nhiên một nhà phân phối khác của Việt Nam đã mua lại hợp đồng độc quyền sản phẩm, và tiến hành tuyển dụng toàn bộ nhân viên của công ty chị Chi vào làm việc với lời hứa giữ nguyên toàn bộ mức lương thưởng. Đứng trước tình thế công ty mất hợp đồng độc quyền, có thể phải phá sản, phần lớn nhân viên của công ty chị Chi quyết định chuyển sang công ty Việt Nam.
Sau một thời gian, giám đốc Công ty nước ngoài chính thức kiện các nhân viên Việt Nam đã bỏ sang công ty đối thủ vì trong hợp đồng lao động đã ký có câu “Nghiêm cấm thành lập công ty riêng hoặc làm việc cho công ty cùng ngành nghề, lĩnh vực trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng và 01 năm sau khi hợp đồng kết thúc”. Tới lúc này các nhân viên đã chuyển sang công ty Việt Nam mới nhận thức được hành động của mình là vi phạm hợp đồng.
Công ty cũ giữ toàn bộ sổ bảo hiểm xã hội trong thời gian tranh chấp, khiến chị trưởng phòng marketing có bầu sinh con mà cũng không nhận được trợ cấp của cơ quan bảo hiểm. Cuối cùng cơ quan hòa giải phải đứng ra giữa hai bên để dàn xếp vụ nghỉ việc tập thể bất hợp pháp, các nhân viên muốn nhận lại sổ bảo hiểm của mình đều phải cắn răng chi ra từ 2 đến 4 tháng lương tùy thuộc vị trí và mức độ vi phạm.
Chị Chi cũng phải nộp cho cơ quan cũ 2 tháng lương, chị buồn buồn “Số tiền này so với anh chủ người nước ngoài thì chẳng thấm vào đâu. Anh ấy nhận tiền cũng chẳng vui vẻ gì. Mà tụi mình thì bây giờ mới hiểu ra hành động của mình là sai trái thì đã muộn, mối quan hệ rạn nứt mà còn phải đền bù, lại mang tiếng xấu trong ngành.”
Chị Lân đang làm việc tại một công ty ở Thanh Xuân lại gặp khó khăn khi xin công ty nghỉ nhưng phòng kế toán đưa ra một danh sách dài dằng dặc những khoản chị ký tên tạm ứng mà chưa hoàn tạm ứng hoặc thanh toán.
Chị Lân nhăn nhó “Mình cũng chẳng nhớ những khoản này là khoản gì nữa, có thể mình nhận để mua đồ liên hoan hàng tháng cho công ty, hoặc là chuẩn bị cho những chuyến du lịch. Bây giờ biết lấy đâu ra hóa đơn để mà bù vào đống tạm ứng này, còn bỏ tiền túi ra thì quá thiệt thòi cho mình. Phòng kế toán cũng quá cứng nhắc, nhất quyết cứ phải thanh toán hết thì mới chịu ký vào mẫu hoàn thành bàn giao để mình nghỉ”.
Các loại phí liệt kê khi nghỉ việc thường khiến nhân viên bức xúc vì có cảm giác công ty lừa dối, ăn bớt của mình. Nhưng trước khi ký kết vào các thỏa thuận, hợp đồng, giấy tờ , nhân viên cũng cần hết sức lưu ý câu chữ, đặc biệt là những điều khoản có thể đặt chính nhân viên vào thế “bị chặt chém” khi nghỉ việc.
Ngoài những chi phí liên quan đến đào tạo hay vi phạm hợp đồng, nhân viên cũng có thể bị phạt nếu vi phạm thời gian báo trước (30 ngày đối với hợp đồng lao động có thời hạn và 45 ngày đối với hợp đồng không thời hạn); phải bồi hoàn lại những hư hại về vật chất nếu có, hay vô vàn những loại phí mà nhân viên chỉ biết kêu trời khi nhận được thông báo.
Ngoài ra, còn có nhiều công ty cố tình lơ đi quyền lợi của nhân viên như ngày phép còn tồn, hoặc tiền thưởng định kỳ khi nhân viên gần đến ngày nghỉ. Như trường hợp của chị Lân xin nghỉ vào giữa năm, công ty có đợt đánh giá hoạt động của nhân viên và thưởng nửa tháng lương, nhưng do chị đã gửi đơn xin nghỉ nên Ban giám đốc không duyệt thưởng của chị nữa. Chị cười buồn “Đến quà 1/6 của con mình các bạn ấy còn bỏ qua, thì mơ gì đến thưởng của mẹ nữa. Đúng là cạn tình cạn nghĩa”.
Theo Tri Thức Trẻ