Một trào lưu đang được nhiều sinh viên ngoại tỉnh lựa chọn đó là tìm người ở ghép để giảm chi phí sinh hoạt.
Thế nhưng hệ lụy từ những câu chuyện như vậy không phải là không có, đã có rất nhiều vụ trộm cắp tài sản, xâm hại tình dục từ việc ở ghép của giới trẻ được ghi nhận thời gian gần đây.
Tiện đủ đường?
Có một thực tế rằng, khái niệm “ở ghép” đã không còn xa lạ với những người có nhu cầu đi ở trọ, đặc biệt là các bạn trẻ. Thường thì hình thức ở ghép này hay được các bạn sinh viên xa nhà lựa chọn. Một phần nhằm hạn chế chi phí thuê phòng trọ, mặt khác sẽ tránh khỏi cảm giác lạc lõng nơi đất khách quê người. Thành, SV trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có thâm niên ở ghép từ 2 năm nay cho biết: “SV nếu không ở ghép để tiết kiệm chi phí thì gia đình sẽ phải hỗ trợ thêm khá nhiều tiền, nếu không bọn em phải tích cực đi làm thêm nhiều hơn mới có thể đủ trang trải cho cuộc sống”. Cũng theo Thành, đa phần bạn bè của Thành chọn cách ở ghép để tiết kiệm chi phí. Không giống như Thành cần tìm người ở ghép để giảm thiểu chi phí phát sinh hàng tháng và dồn tiền vào việc học tập, Thuận quê ở Phú Thọ hiện đang là SV trường ĐH Điện lực lại có quan điểm hoàn toàn khác với Thuận việc ở ghép là để chàng SV này có dịp đổi gió.
Theo lời Thuận, từ khi lên Hà Nội học, Thuận đã trải qua 3 lần ở ghép với các bạn nữ, dù việc ở ghép này vốn tế nhị nhưng như chia sẻ của Thuận thì việc ở ghép khác giới cũng không còn quá lạ. “Bọn em ở ghép cùng nhau nhưng không có chuyện đi quá giới hạn, việc chọn bạn nữ ở cùng là để có sự chia sẻ mà các bạn cùng giới không thể nói được. Dù ở chung nhưng những sinh hoạt riêng bọn em vẫn tôn trọng nhau”, Thuận cho biết. Khi được hỏi việc ở ghép như vậy có bị người khác dị nghị thì Thuận thành thật chia sẻ: “Cũng bởi cái sự nghi ngờ đó mà em đã phải chuyển 3 lần chỗ ở chỉ trong 1 năm đấy. Giờ đây em thuê một ngôi nhà riêng độc lập với giá hơi cao một chút nhưng được cái tự do, bạn nào muốn ở ghép cùng cũng cảm thấy thoải mái hơn…”.
Chỉ cần đảo quanh các khu vực gần trường ĐH, khu công nghiệp, hay tìm kiếm trên các trang rao vặt trên mạng sẽ có rất nhiều những trang tin rao vặt, quảng cáo tìm người ở ghép. Với những lời rao “hấp dẫn” như: “Tìm nam ở ghép sinh năm 1990, sạch sẽ, có lối sống lành mạnh, không thuốc lá, rượu bia…”, hay “Tìm nữ ở ghép, quê Phú Thọ, không quan trọng hình thức, chỉ cần siêng năng, thật thà, tiền thuê nhà rẻ với giá... điều kiện ăn ở tốt...”. Với những lời rao như vậy, những bạn trẻ dễ bị rơi vào nhiều tình huống trớ trêu. Thời buổi kinh tế khó khăn, việc ở trọ ghép giúp rất nhiều sinh viên tiết kiệm được chi phí thuê phòng đắt đỏ.
Tuấn Hưng, SV trường ĐH Thăng Long chia sẻ: “Mình hiện đang học năm đầu tiên tại trường, do xa nhà nên mình đang ở trọ với 2 đứa con trai cùng lớp. Mới đầu thì cũng chưa quen, nhưng rồi sau đó mọi người thân như anh em trong nhà nên cũng đỡ nhớ nhà. Tiền phòng mình thuê 2 triệu đồng/tháng, 3 đứa chia ra cũng dễ thở hơn”. Khác với trường hợp của Tuấn Hưng, một bạn nam có tên Thắng chia sẻ kinh nghiệm ở ghép trên một diễn đàn: “Ngày trước chân ướt chân ráo ra Hà Nội. Tình cờ mình có đọc được một tin rao ở ghép, thấy giá phòng cũng chấp nhận được nên cũng đến thuê. Người ở ghép với mình là một anh trông cũng thư sinh, hiền lành. Sau một hồi nói chuyện bàn bạc thì mình quyết định ở trọ tại đây. Thời gian đầu không có biểu hiện gì, nhưng càng về sau thì mình phát hiện ra bạn cùng phòng có biểu hiện lạ. Một lần mình có ăn nhậu hơi quá say, đang mơ màng ngủ thì cảm thấy có ai đó đang sờ mó khắp cơ thể mình. Thấy vậy mình bèn sang nhà chủ trọ ngủ qua đêm, sáng hôm sau dọn dẹp đồ đạc đi trong sự bỡ ngỡ của chủ nhà. Kinh nghiệm của mình khi ở ghép là cần tìm hiểu rõ đối tượng, nên hạn chế ở ghép với người lạ. Nếu được thì nhờ người thân, bạn bè giới thiệu để an toàn hơn”.
Không khác gì Thắng, câu chuyện của Thu Trang, SV trường ĐH Kinh tế cũng khiến cô sinh viên này hoảng hồn. Trang cho biết: “Mình từng có thời gian đi ở ghép với một cô bạn. Thời gian đầu chỉ có hai đứa nhưng sau này chủ nhà tăng giá phòng trọ quá cao nên mình mới có nhu cầu tìm thêm người ở ghép. Sau một thời gian đăng tin tìm người thì cũng kiếm được người ở chung. Thời gian đầu, cô bạn mới cùng phòng cũng chưa có biểu hiện gì. cho đến một ngày cô bạn gái cùng phòng bận việc về quê, cô nàng mới vào đã giở trò ôm ấp, sờ mó lung tung khắp cơ thể mình. Thế là ngay sáng hôm sau cô nàng phải khăn gói đi ra khỏi nhà”. Sợ phải ở ghép với bạn cùng giới, thế nên Trang “đánh liều” ở ghép với bạn khác giới cho an toàn, quả thật từ khi ở ghép với Thuận, Trang cảm thấy yên tâm hơn hẳn. Thế nhưng ở như vậy không thể ở lâu bởi những lời dị nghị từ hàng xóm, thế là vài tháng Thuận với Trang lại phải chuyển nhà. Việc Thuận và Trang ở ghép với nhau có thể được cả hai khẳng định là không phải sống thử, nhưng không ai có thể nói trước được về lâu dài cuộc sống của 2 sinh viên khác giới này trong tương lai.
Để giảm bớt chi phí nhiều sinh viên đã chọn cách ở ghép. Ảnh: T.Hà |
Những hệ lụy không ngờ
Thời gian qua, đã rất nhiều vụ trộm tài sản có giá trị từ việc ở ghép với người lạ. Với chiêu xin ở trọ ghép với sinh viên, nhiều người đã trở thành nạn nhân của bọn trộm cắp này. CA quận Thanh Xuân, Hà Nội gần đây liên tục nhận được đơn trình báo của rất nhiều người về việc một cô gái ở cùng ăn trộm xe, laptop, tiền bạc với tổng giá trị lên đến 100 triệu đồng. Sau một thời gian truy tìm, CA xác định thủ phạm gây án là Thùy. Với chiêu trò sử dụng thông tin giả để đi ở trọ, Thùy đã đánh cắp tài sản của hơn 9 người ở chung trong thời gian ngắn.
Một trường hợp khác, SV Lan C, trường ĐH Thương mại chia sẻ: “Ngày trước mình có ở ghép với 2 chị cùng quê. Mình nhỏ tuổi nên được mọi người chăm sóc như em gái trong nhà. Ở được gần 1 tháng thì bắt đầu có chuyện xảy ra, thi thoảng mình lại mất một số tiền. Lúc thì 100, 200 nhiều lắm là 500 nghìn đồng. Cứ tưởng là đãng trí làm rơi ở đâu đó nhưng một lần tình cờ phát hiện người chị cùng phòng lục lọi ví tiền của mình trong lúc mình đang tắm; bắt gặp chuyện đó, chị ta cứ chối quanh co. Vì nể tình chị em nên mình bỏ qua, không làm lớn chuyện. Được một thời gian thì chị ấy chuyển đi chỗ khác”.
Lời rao tìm người ở ghép nhà xuất hiện khá nhiều trên các mạng rao vặt. |
Trần Thị Thành, một SV quê Nghệ An ra Hà Nội học đã tìm được thông tin cần người ở ghép gần trường, vậy là Thành nhanh chóng gọi điện tới số điện thoại trên để liên hệ được ở ghép. Có mặt tại căn phòng trọ rộng rãi và thoáng mát, Thành được bạn ở ghép cho biết cần phải nộp tiền nhà luôn trong một quý cho chủ nhà, tin lời người mới quen này Thành liền đóng tiền phòng và cũng không cần quan tâm chủ nhà trọ là ai, ở đâu. Sau 1 tuần không thấy người bạn ở ghép cầm tiền đi trả thuê trọ trở lại, bỗng nhiên có một người phụ nữ đứng tuổi bảo là chủ của nhà trọ tới thu tiền nhà thì Thành mới tá hỏa khi biết rằng mình đã bị lừa.
“Tiền nhà bạn ấy nợ 6 tháng rồi, em giải thích thế nào chủ nhà cũng không chịu và khẳng định em ở cùng nhà thì phải có trách nhiệm trả tiền nhà”, Thành tâm sự. Sau sự việc này Thành đâm ra sợ cảnh ở ghép, nhưng không ở ghép thì biết làm sao để trang trải cho cuộc sống SV. Cuối cùng được lời giới thiệu của một người bạn thân Thành chuyển tới ở cùng cậu em trai họ của cô bạn thân này. “Ban đầu em cũng không muốn ở cùng nhưng vì giảm được tiền thuê nhà hơn nữa cậu SV ấy lại ít tuổi hơn em nên cũng đỡ ngại hơn”, Thành nói. Thế nhưng cô SV này không thể ngờ rằng những lúc cô đi tắm hay sinh hoạt cá nhân đều bị bạn ở cùng phòng theo dõi và ghi lại bằng hình ảnh sau đó tung lên mạng, cực chẳng đã Thành đành phải ra thuê nhà ở riêng từ đó đến giờ. Đã thành thông lệ, mỗi năm tại Hà Nội, TP HCM lại đón thêm nhiều lao động từ ngoại tỉnh đổ về, sinh viên đi học xa nhà, vì thế nhu cầu tìm nhà, phòng trọ chưa khi nào bớt nóng. Vậy nên, trước khi quyết định thuê nhà hay ở ghép, người đi thuê cần tìm hiểu kỹ thông tin về chủ nhà thông qua hàng xóm xung quanh đó; thông tin người ở chung phòng thông qua chủ nhà để tránh tình trạng bị lừa hay xảy ra những tình huống khóc dở mếu dở và những hệ lụy thì không thể lường trước được.
Thái Hà