Ông nhanh chóng phất lên và trở thành một tiểu thương giàu có nhờ kinh doanh. Tuy nhiên, thay vì hưởng cuộc sống sung sướng ông lại phải tìm cách trốn thoát khỏi chính quyền Triều Tiên.
The Guardian từng tìm hiểu cuộc sống của các tiểu thương giàu có người Triều Tiên, không như những quốc gia khác, nơi mà các tiểu thương được tự do kinh doanh, trở thành ông chủ đại gia thì tại Triều Tiên, số phận tiểu thương lại hoàn toàn khác.
Ông Dzhon Khen-mu là một trong số đó, sau khi giàu lên nhờ kinh doanh, thay vì hưởng thụ cuộc sống sung túc thì ông lại phải lo sợ chính quyền “hỏi thăm” do giàu lên quá nhanh. Cuối cùng, để giữ an toàn cho gia đình, ông đã phải “giả chết” và bỏ trốn sang Hàn Quốc.
Trước đó, ông Dzhon làm quản lý khách sạn tại Bình Nhưỡng với mức lương chỉ đủ nuôi sống gia đình. Với vị trí công việc này ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều vị khách nước ngoài trong thời gian họ lưu trú tại Bình Nhưỡng. Với thái độ phục vụ tận tình của mình, ông từng được một vị khách Nhật Bản gửi tặng một hộp sâm kèm khoản tiền tip 300 USD.
Triều Tiên những năm 90-thời điểm hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa của người dân không được phát triển. Ảnh: The Guardian |
Nhớ lại thời điểm năm 2004 tại Triều Tiên, ông Dzhon cho biết, khi khu công nghiệp đầu tiên của Triều Tiên đi vào hoạt động thì chính quyền Bình Nhưỡng mới bắt đầu cho phép người dân được chủ động kinh doanh, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, họ vẫn khuyến khích nên sử dụng các sản phẩm do nhà nước cung cấp. Chính vì thế, hàng hóa buôn bán không mấy đa dạng và số lượng các mặt hàng vô cùng hạn chế.
Nắm bắt thời cơ, ông Dzhon sử dụng chính số vốn 300 USD nhận được vài năm trước đó để nhập khẩu quần áo, xe đạp và nhiều mặt hàng khác từ Trung Quốc. Bằng tài kinh doanh của mình, chỉ sau một thời gian ông đã sở hữu số tài sản khoảng 100.000 USD, tại đất nước có mức lương trung bình thấp hơn 1.000 USD/năm thì đây quả là con số đáng mơ ước.
Nhưng như đã nói ở trước, ông Dzhon bắt đầu lo sợ cho số phận của mình và gia đình khi nhận thấy một số người làm kinh doanh giống ông biến mất bí ẩn. Sợ rằng chính quyền sẽ tìm đến mình, ông nghĩ ra cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là bỏ trốn khỏi Bình Nhưỡng và sống tại một quốc gia khác.
Tuy nhiên, không thể đưa cả gia đình vượt biên nên ông Dzhon đành phải “giả chết” và vượt biên một mình. Để kiếm được một tờ giấy chứng tử giả mạo ông đã chi 50 USD. Sau khi xong xuôi các thủ tục, ông vượt biên sang Trung Quốc và sau đó là nộp đơn xin tị nạn vào Hàn Quốc.
Hiện tại, ông Dzhon đã 60 tuổi và là một phát thanh viên cho kênh truyền hình thanh quốc gia. Từ đó đến nay, sau 13 năm ông chưa bao giờ có ý định tái hôn và liên lạc với gia đình.
Hoài An (tổng hợp)