Nhà nghèo, bố mẹ li dị
Hoàng Yến Nhi sinh ra trong gia đình nghèo tại làng chài ven sông Hồng (Hà Nội). Bà Đỗ Thị Thơm (63 tuổi, bà nội Yến Nhi) kể lại: “Trước kia, vì gia đình tôi thiếu thốn nên đã gửi người con trai duy nhất vào nhà tình thương. Lớn lên con nên duyên vợ chồng cùng cô gái có hoàn cảnh thương tự, rồi sinh ra Yến Nhi”.
Cuộc sống của gia đình Yến Nhi quanh năm khó khăn khi bố đi đánh giày, mẹ bán cháo, bà nội là công nhân dọn vệ sinh. Mẹ của Nhi mắc bệnh thoái hóa võng mạc, cận nặng, mổ nhiều lần nhưng không chữa khỏi, mắt yếu. Hai đứa con sinh ra cũng giống mẹ khi Nhi cận nặng 20 đi-ốp còn anh trai là Hoàng Anh Dũng cận hơn 10 đi-ốp. Cuộc sống vốn đã nghèo nhưng số tiền lo cho ba mẹ con mắc bệnh về mắt khiến gia đình càng thêm túng quẫn.
Yến Nhi sau khi tan học.
Yến Nhi sau khi tan học.Những tưởng cuộc sống của cô bé gầy nhom, mắt cận 20 đi-ôp chỉ thiếu thốn vật chất nhưng Yến Nhi thiệt thòi cả về tình cảm.
Theo chia sẻ của Thơm, từ hơn 1 năm trước bố mẹ Nhi đã li dị vì nợ nần, sau đó cả hai cùng bỏ nhà ra đi biền biệt. Anh trai Nhi sang sống cùng gia đình nhà ngoại, còn Nhi sống cùng bà nội và bác trong căn nhà 10 m2 tại Phúc Xá (Ba Đình). Được một thời gian thì bác mất vì bệnh thận nên Nhi chỉ còn biết dựa dẫm vào người bà 63 tuổi.
Bà Thơm đi làm công nhân vệ sinh, được nhận lương với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Với số tiền ngặt nghèo này, bà dành một nửa đóng tiền ăn cho Nhi tại trường, nửa còn lại không đủ lo chi phí sinh hoạt cho hai bà cháu.
Người bà tần tảo ngậm ngùi chia sẻ về cuộc sống nghèo: “Tôi thường xuyên phải đi vay chỗ này bù vào chỗ kia, túng quẫn quá thì đi xin người quen, mỗi người vài đồng, thế rồi bà cháu cũng sống qua ngày”.
Ngoài giờ làm công nhân lao động vệ sinh, bà tranh thủ thường xuyên vào trường thăm cháu mỗi buổi chiều để theo dõi việc học hành, sinh hoạt của Nhi.
Học cùng các bạn khiếm thị, vừa viết vừa chảy nước mắt
Yến Nhi sinh ra và lớn lên mạnh khỏe như bao bạn bè đồng trang lứa. Đến năm 4 tuổi, khi được người bác mua bảng chữ cái dạy học, em nói: “Con không nhìn thấy gì cả”. Lúc đó, gia đình mới biết mắt Nhi kém: “Lên 5 tuổi mọi người thấy mắt cháu bị lác và dại dần” - bà Thơm kể lại.
Sau khi đưa Nhi đi khám, gia đình biết tin em cận tới gần 20 đi-ốp, mắc bệnh thoái hóa võng mạc bẩm sinh hay còn gọi là hỏng đáy mắt. Bác sĩ Hoàng Văn Tiến (bệnh viện mắt Trung ương Hà Nội) chia sẻ: “Mắt cháu cận quá nặng do cận bẩm sinh nên trường hợp mù lòa là khó tránh khỏi”.
Từ đó, trong gia đình có bao nhiêu tiền bà và bác lại bế Nhi đi chữa. Nhưng nhà nghèo nên nhiều khi đang chữa dở, hết tiền bà lại bế cháu ra về. Lớn thêm, gia đình càng túng quẫn, không có điều kiện thường xuyên khám như nhiều gia đình khác. Sau gần 4 năm phát hiện bệnh, Nhi mới được thay mắt kính hai lần.
Theo lời tư vấn của bác sĩ, gia đình Nhi chuyển con từ trường tiểu học Nghĩa Dũng (Ba Đình) sang trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Lớp học của Nhi được dạy theo chương trình hòa nhập, bao gồm nhiều bạn bè, có người mắt yếu, có người khuyết tật về mắt, có người bị mù.
Bà Thơm ngậm ngùi nhớ lại: “Bác sĩ nói bệnh của Nhi dễ dẫn đến mù lòa nên cho cháu học trường chuyên biệt để có phương pháp học tập phù hợp. Trước khi vào trường, Nhi đã tiếp cận và học bảng chữ cái nổi cơ bản. Hiện tại cháu học cùng các bạn bị mù nhưng chưa học chữ nổi".
Đôi mắt yếu đeo chiếc kính dày cộp, Nhi học bài luôn trong tình trạng vừa viết vừa chảy nước mắt, có lúc mắt mờ không nhìn thấy gì. Viết được 10 phút em lại lấy tay day day, lau nước mắt và nói: “Mắt con nhức mỏi lắm”.
Tuy vậy, Nhi viết chữ rất đẹp, em đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi trong suốt những năm qua. Ngay từ khi học lớp 1, Nhi đã được cô giáo thường xuyên khen nét chữ đẹp. Ước mơ của Nhi là trở thành cô giáo dạy học trò nghèo.
Lần này vào thăm Nhi, bà Thơm tỏ sự lo lắng khi thấy cháu luôn đeo kính mọi lúc, mọi nơi. Bà chia sẻ: “Trước kia cháu nó còn hay tháo kính ra nhưng giờ tôi thấy nó đeo riết. Tôi sợ không có kính cháu không nhìn thấy gì được. Người ta bảo: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.
Tuy đã đeo cặp kính dày cộm nhưng Nhi vẫn thường xuyên bị vấp ngã khi đùa nghịch với bạn bè. Nhi nói: “Nhiều lúc con vội, không nhìn rõ xung quanh”. Còn bà Nhi chia sẻ: “Sau khi mắt tăng độ, Nhi thay kính mới nhưng đã làm mất. Bà không có tiền mua nên bây giờ cháu vẫn phải đeo lại chiếc kính đầu tiên, nhìn bị mờ".
Cô giáo chủ nhiệm của Nhi ở lớp 4A2, trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Là giáo viên dạy học sinh mù lòa, mắt kém trong cùng một lớp, tôi phải nói nhiều, mô tả kỹ cho học sinh trong mỗi giờ giảng. Trong lớp Nhi hăng hái phát biểu, học đều các môn. Đối với một bạn có hoàn cảnh éo le, bệnh tật lại cố gắng như Nhi là điều đáng học hỏi. Chữ của Nhi viết cũng thuộc dạng đẹp trong lớp và không thua kém các bạn mắt sáng rõ".
Theo Zing.vn