Hiện nay, bệnh dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue đang có số mắc cao khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế khẳng định dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Lao Động đưa tin, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, bệnh dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue đang có số mắc cao. Tính từ đầu năm đến ngày 8/10/2018 có 1.093 ca dương tính với sởi/2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, tử vong 1 ca. Trong khi đó bệnh tay chân miệng có 61.821 ca mắc, 6 ca tử vong. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có 67.414 ca mắc, tử vong 11 ca.
Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại họp báo |
Tuy nhiên, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Bộ Y tế.
Với bệnh tay chân miệng tăng số ca mắc đúng vào thời điểm trẻ tựu trường và thời điểm phát triển bệnh từ tháng 9-11. Bệnh sởi tăng theo chu kỳ 4 năm (trước đó là năm 2014) quay lại do trẻ không được tiêm đủ mũi hoặc quên không tiêm phòng. Số trẻ bị mắc sởi tăng hoàn toàn nằm trong dự báo trước của ngành y tế.
Lý giải về việc tay chân miệng tăng ở miền Nam ông Phu cho rằng: "Việc phòng bệnh trong người dân chưa thực sự hiệu quả. Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa. Cách phòng bệnh là rửa tay với xà phòng dưới vòi nước với trẻ nhỏ và cả người chăm sóc".
Trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM |
Theo Công lý, trước thông tin cho rằng dịch tay chân miệng năm nay bùng phát mạnh do virus đã bị biến đổi gen để tạo thành virus mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, PGS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, virus EV71 gây tay chân miệng có 11 chủng gen luân phiên qua từng năm, có năm trội chủng này, có năm trội chủng khác.
“Qua theo dõi dịch tễ tại Việt Nam, giai đoạn trước 2010, chủng gen phổ biến của EV71 là C5, đến năm 2011, dịch chuyển sang C4, khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch với C4 nên bùng phát dịch lớn trong năm nay. Các năm sau đó, chủng gen B5 của EV71 lại xuất hiện nhiều và đến 2018 lại gia tăng C4 trở lại”, PGS Lân thông tin.
Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, qua đánh giá chứng minh, những năm có dịch C4 thì tỉ lệ mắc và tỉ lệ biến chứng cao hơn hẳn.
Mặc dù bệnh tay chân miệng đang có diễn biến phức tạp, nhiều ca mắc mới nhưng theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, bệnh mới đang vào giai đoạn đầu mùa, vẫn được kiểm soát chặt chẽ.
Đến năm 2011 chủng gen C5 có sự chuyển dịch sang C4 do không có miễn dịch nên tỷ lệ mắc và biến chứng cao. Năm nay chủng gen C4 quay lại gây bệnh tay chân miệng. Đây chỉ là sự chuyển dịch chủng gen chứ không phải là sự biến đổi gen gây bệnh.
Trang Vũ (tổng hợp)