TP.HCM đang trong mùa nắng nóng, những trận nắng như thiêu như đốt, vậy mà dịch bệnh sốt xuất huyết lại phát triển mạnh. Mới đây đã có trường hợp ở quận 8 bị tử vong do sốt xuất huyết.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, dù chưa phát sinh thành dịch, nhưng bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì từ đầu năm 2014 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đến 28%.
Đây là điều mà từ trước đến nay ít xảy ra, vì thực tế nhiều năm qua cho thấy, sốt xuất huyết chỉ xuất hiện vào mùa mưa. Ở TP.HCM, bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12 sẽ là điều kiện lý tưởng để phát sinh dịch sốt xuất huyết. Bởi đây là thời điểm mùa mưa, muỗi sinh sản nhiều trong các ao hồ tù đọng, các vũng nước, mương nước và trong các bể nước, các lu, chậu, để ngoải trời đọng nước mưa...
Tuy nhiên, theo ông Dũng, gần đây do biến đổi khí hậu, thay đổi điều kiện vệ sinh môi trường, có những cơn mưa trái mùa, những hố ngập nước do thi công các công trình, do sự ngăn lấp dòng chảy ở một số địa bàn ven kên rạch, do triều cường… đã tạo môi trường sinh sản cho muỗi vằn sinh sản.
Muỗi vằn có thể đẻ trứng vào các bể chứa nước mưa, vũng ngập nước do các công trình xây dựng gây ra, các dòng chảy kênh rạch bì tù đọng… từ đó muỗi sinh sản và gia tăng số lượng rất nhanh, tạo ra những ổ dịch sốt xuất huyết giữa mùa nắng, mùa khô.
Cũng theo ông Dũng, trong tháng 3.2014 vừa qua, Trung tâm Y tế dự TP.HCM đã phát hiện hơn 200 ụ chứa nước trên địa bàn phường Phú Hòa, quận Tân Phú chứa đầy muỗi. Lập tức, ngành y tế dự phòng thành phố đã yêu cầu y tế địa phương xử lý và san lấp những ụ chưa nước này.
Nhiều trẻ bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM |
Ngay từ Tết Nguyên đán năm 2014, đến tháng 2, tháng 3, xuất hiện các ổ dịch ở các huyện Bình Chánh, quận 7, hoặc rải rác ở các quận, các tổ dân phố trong khu vực nội thành. Tất cả đều có liên quan đến vấn đề môi trường.
Ngành y tế đã phải phối hợp với các ban ngành khác mới giải quyết được các ổ dịch này.
“Với tình hình các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi như hiện nay, nước ngập tù đọng nhiều nơi đã trở nên phổ biến, chưa kể nhiều hộ dân chưa có ý thức đã để nước đọng trong nhà, ngoài sân, làm phát sinh muỗi, ảnh hưởng đến các hộ dân kế cận. Tất cả những yếu tố trên đã làm phát sinh dịch sốt xuất huyết trái mùa, tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho xã hội”, Ông Dũng cảnh báo.
Do đó, theo ông Dũng, ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết của người dân là rất quan trọng, vì không có nước đọng sẽ không có muỗi, không có sốt xuất huyết.
“Muốn giải quyết tận gốc vấn đề trên, không chỉ có đơn độc ngành y tế dự phòng mà còn phải có sự góp sức tích cực từ mỗi người dân và các cấp chính quyền. Đồng thời, các doanh nghiệp xây dựng phải cùng chung sức giữ gìn môi trường sạch sẽ, an toàn”, ông Dũng nói.
Nguồn: Một Thế Giới