Tin mới

Sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Lời cảnh báo bị bỏ qua

Thứ năm, 25/12/2014, 14:32 (GMT+7)

Trong khi người dân cả nước hồi hộp theo dõi cuộc chiến giành giật sinh mạng cho 12 con người trong hầm bị sập ở thủy điện Đạ Dâng, Đạ Chomo (viết tắt là thủy điện Đạ Dâng), thì "cha đẻ" - chủ đầu tư xây dựng công trình này là Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (xin được gọi là tổng công ty Vietracimex-PV) lại bặt vô âm tín và chỉ thực sự xuất hiện khi mọi việc đã... "ổn ổn".

 


Trong khi người dân cả nước hồi hộp theo dõi cuộc chiến giành giật sinh mạng cho 12 con người trong hầm bị sập ở thủy điện Đạ Dâng, Đạ Chomo (viết tắt là thủy điện Đạ Dâng), thì "cha đẻ" - chủ đầu tư xây dựng công trình này là Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (xin được gọi là tổng công ty Vietracimex-PV) lại bặt vô âm tín và chỉ thực sự xuất hiện khi mọi việc đã... "ổn ổn".

 Đáng nói hơn, bản thiết kế thủy điện này lại do một Doanh nghiệp của Trung Quốc thực hiện với những nghi hoặc về chất lượng công trình...

Ẩn số về "cha đẻ" thủy điện Đạ Dâng

Trong những ngày các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết sức để cứu sống 12 công nhân bị chôn trong hầm tối, một nguồn tin cho hay, người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư dự án là ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Vietracimex (công ty "mẹ" của công ty Long Hội - công ty đang thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng) lại đang ở nước ngoài. Nguồn tin cho hay, chuyến công tác nước ngoài của ông Thăng được bắt đầu từ trước khi vụ sập hầm xảy ra. Chỉ đến khi mọi việc đã "ổn ổn", thì ông Thăng "đột ngột" xuất hiện tại buổi họp báo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc sơ kết công tác ứng cứu sự cố sập hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng.

 

Sự im lặng của “cha đẻ” dự án thủy điện Đạ Dâng đang khiến dư luận hồ nghi về sự trốn tránh trách nhiệm

Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, Tổng công ty Vietracimex thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), có địa chỉ tại phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Mặc dù là doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, tuy nhiên lĩnh vực hoạt động của tổng công ty Vietracimex là rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Kinh doanh Bất động sản; Đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện, nhiệt điện, các công trình thương mại, siêu thị sản xuất điện năng; Xây dựng các công trình giao thông thủy lợi, công trình công nghiệp và dân dụng. Khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất bột đá siêu mịn...

Video tham khảo


 Những vụ sập hầm, mỏ chấn động Việt Nam năm 2014Một nguồn tin riêng đáng tin cậy mà bản báo thu thập được cho thấy, bên cạnh các dự án xây dựng tổ hợp văn phòng làm việc, chung cư cao cấp và công trình công cộng lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh..., Tổng công ty Vietracimex còn thực hiện nhiều dự án liên quan đến thủy điện tại các tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng và Hà Giang. Đáng nói, mỗi dự án thủy điện Tổng công ty Vietracimex đều "sinh" ra một doanh nghiệp "con" để làm chủ dự án. Điển hình như thủy điện Đạ Dâng là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội. Tại dự án này, trên vai trò là công ty mẹ, tổng công ty Vietracimex chiếm trên 51% cổ phần, phần còn lại là cổ phần từ các nhà đầu tư khác.

Điều dư luận đặc biệt quan tâm là sau khi sự cố xảy ra, nếu như người đứng đầu Tổng công ty Vietracimex là ông Võ Nhật Thăng đi công tác nước ngoài thì những vị lãnh đạo khác còn lại của đơn vị ở đâu mà không lên tiếng về sự việc. Thậm chí, trên phương tiện truyền thông suốt một tuần qua, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng đại diện của đơn vị được cho là "cha đẻ" của thủy điện Đạ Dâng xuất hiện. Trong khi đó, nguồn tin đáng tin cậy khác cho biết, ngoài chức Chủ tịch HĐQT và chức TGĐ do ông Thăng nắm giữ, Tổng công ty Vietracimex còn đến 5 vị phó, nhưng không hiểu sao không ai xuất hiện và lên tiếng trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng".


Chỉ đến khi sự việc đã an bài thì ngày 22/12, ông Võ Nhật Thăng mới chính thức lên tiếng xin lỗi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và người dân vì đã để xảy ra sự cố. Theo ông Thăng, sự cố xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu, trời Lâm Đồng lại mưa kéo dài cả tháng. Khi nước ngấm vào nền đất cát và tụt xuống hầm. Tuy nhiên, theo dư luận, sự xuất hiện của ông Thăng vào thời điểm này là quá muộn sau khi các cơ quan chức năng đã nỗ lực tuyệt đối để cứu sống 12 mạng người bị mắc kẹt trong hầm.

"Điểm mờ" trong bản thiết kế và lời cảnh báo bị bỏ quaDẫn nguồn thông tin từ báo giới trong nước dẫn lại thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trước khi sự cố xảy ra, một đoàn kiểm tra gồm đại diện của các sở ngành: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư và Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra tại hiện trường. Trong quá trình kiểm tra, bên cạnh việc phát hiện những sai sót trong Hồ sơ, khi kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng nhận định rằng, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy nền địa chất của hầm dẫn nước yếu và đưa ra cảnh báo. Tuy nhiên, chủ đầu tư có khắc phục những sự cố này hay không thì mặc nhiên không ai nhắc tới.

Đáng chú ý, theo văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng được phát đi rộng rãi cho các cơ quan báo chí: Vị trí sập hầm này trước đây khi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng ngầm Vinaconex thi công cũng đã nhiều lần bị sụt đất. Trước khi sự cố xảy ra, công ty cổ phần Sông Đà 505 đã chống đỡ trần hầm bằng khung và vỉ thép nhưng khi sự cố xảy ra lượng đất và đá lớn đã phá sập trần hầm và đè bẹp một xe đào đất tại vị trí này.Trong khi PV bản báo đang thực hiện bài viết này thì nhận được nguồn thông tin khác cho thấy, đơn vị thiết kế đường hầm dẫn nước công trình thủy diện Đạ Dâng do một đơn vị của Trung Quốc thực hiện. Xác minh nguồn tin từ bộ Xây dựng cho thấy, thông tin trên là hoàn toàn chính xác và đơn vị này được xác định là Viện Thiết kế thủy lợi thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc). Đơn vị giám sát là Công ty cổ phần tư vấn Nhật Thăng (trụ sở chính tại Hà Nội).

Trả lời câu hỏi của PV báo Đời sống và Pháp luật về trách nhiệm trước vụ sập hầm thuộc về ai, đại diện Bộ Xây dựng cho biết: Hiện cơ quan chức năng đã thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình thủy điện Đạ Dâng. Vị đại diện này cũng khẳng định, trách nhiệm vụ việc thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu nhưng trách nhiệm như thế nào cần phải chờ điều tra, làm rõ. Trong khi đó, đại diện Bộ GTVT xin miễn bình luận về tư cách bộ chủ quản của chủ đầu tư dự án vì sự vụ không thuộc thẩm quyền của đơn vị mình.

Trong một diễn tiến khác mà PV thu thập được từ Bộ Công Thương cho thấy: Công tác giám sát chất lượng, thủy điện Đạ Dâng thuộc sự quản lý của tỉnh Lâm Đồng nên địa phương phải có trách nhiệm. Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng có trách nhiệm giám sát, Bộ Công Thương chỉ quản lý chung về quy hoạch, quản lý các thủy điện lớn, an toàn quy trình vận hành... Thủy điện Đạ Dâng nằm trong quy hoạch thủy điện được phê duyệt và giao địa phương quản lý?!

Trao đổi với PV, thạc sỹ Lưu Hồ Thạch, một kỹ sư từng nhiều năm gắn bó với nhiều công trình xây dựng lớn cho hay, dù chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân sự cố nhưng nhìn sự việc có thể thấy rằng đơn vị thi công hạng mục này (Công ty cổ phần Sông Đà 10 - PV) phải chịu trách nhiệm trực tiếp và tiếp đến là đơn vị giám sát (Công ty cổ phần tư vấn Nhật Thăng - VNT6 - PV) và truy sâu hơn là đơn vị thiết kế, một doanh nghiệp của Trung Quốc (Viện Thiết kế thủy lợi thủy điện Nam Ninh - PV). Tuy nhiên, theo thạc sỹ Thạch, chịu trách nhiệm pháp lý trong sự cố này vẫn là chủ đầu tư.

Trần Quyết/Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news