(Tinmoi.vn) Trước thông tin người làm tại chùa Bồ Đề kể về 3 mối thâm thù của ni sư trụ trì Thích Đàm Lan, ni sư Đàm Lan đã chính thức lên tiếng.
Trước đó, sau khi tin tức về việc cơ quan CSĐT bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người được ni sư Đàm Lan giao việc làm hồ sơ, giấy tờ của khu nhà mở (nhà trông trẻ em mồ côi và người già cơ nhỡ). Tuy không có chức danh thực tế nhưng vai trò của Trang tại chùa Bồ Đề như một người quản lý.
Ngay thời điểm Trang bị cơ quan CSĐT bắt giữ để điều tra, PV đã có mặt tại chùa Bồ Đề để ghi nhận và trực tiếp trao đổi với ni sư Đàm Lan về vụ việc. Tại đây, một người phụ nữ tự giới thiệu tên là Lý (quê Thanh Hóa) làm nghề nấu cơm cúng tại chùa vài năm trở lại đây đã kể về 3 mối thâm thù của ni sư Đàm Lan. Chị Lý còn cho biết, tất cả những điều tiếng mà bây giờ xảy đến vớ ni sư Đàm Lan là do 3 mối thâm thù kể trên gây nên. Chị Lý suy luận, sau khi 3 người này rời khỏi chùa họ đã đi nói xấu, bêu rếu ni sư Đàm Lan. Mục đích nhằm bôi nhọ thanh danh chùa Bồ Đề và trụ trì.
Video: Người làm kể về 3 mối thâm thù của ni sư Đàm Lan
Theo lời kể của chị Lý: "Trụ trì Thích Đàm Lan có 3 đối tượng ‘có mối thâm thù’ và chính vì thế mới có những thông tin như bây giờ”.
Chị Lý kể, đối tượng đầu tiên là bà Hiền, trước cùng 2 đứa cháu mồ côi xin vào chùa ở. Do xích mích nên bà Hiền phải ra khỏi chùa chứ thầy không đuổi. Bà Hiền được cho là đã từng dọa sư Đàm Lan là sẽ nhảy xuống sông Hồng tự tử.
Đối tượng thứ 2 là bà Tèo. Ba mẹ con bà Tèo được thầy nuôi cho ở chùa 8-9 năm, có công ăn việc làm. "Bà Tèo ở chùa nhiều lời lắm, chửi bới mọi người, chắc nhiều người nói đến tai thầy nên thầy có nhắc nhở bà Tèo không được quá đáng”.
Đối tượng thứ 3 thì chị Lý cho biết không nhớ, nhưng khẳng định "người thâm thù với thầy nhiều lắm, họ đã ra đi hết và bây giờ quay ra nói xấu thầy chùa".
Chị Lý, người nấu cơm cúng trong chùa nói với PV về 3 mối thâm thù của sư Thích Đàm Lan. Ảnh Đức Thuận
Trao đổi với PV xung quanh sự việc này, trụ trì Thích Đàm Lan cho biết, trước nay nhà chùa không tự ý đuổi ai cả và bản thân ni sư cũng không gây thù chuốc oán với ai. Những người đi khỏi chùa thường vì lý do an ninh, trật tự và tự mâu thuẫn lẫn nhau, không phải do sư trụ trì. Trước việc mâu thuẫn giữa những người ở chùa, ni sư đã nhiều lần nhắc nhở để tự mỗi người rút kinh nghiệm; khi không ở lại chùa thì ra đi cũng rất vui vẻ.
“Việc người làm kể về 3 mối thâm thù của thầy như vậy là không đúng”, sư Đàm Lan phân trần.
Sư Lan kể, “về trường hợp của bà Tèo dù hiện giờ không ở chùa nữa nhưng vẫn thường xuyên về thăm chùa, thăm thầy. Con gái bà Tèo sau khi rời khỏi chùa do buồn bã, không có việc gì làm, nên chỉ nghe đài và lấy bơ gạo đổ ra đếm xem mỗi ngày mình ăn hết bao nhiêu hạt gạo”.
Liên quan đến chùa Bồ Đề, mới đây công an quận Long Biên cho biết, trường về thông tin 11 cháu bé ở chùa Bồ Đề nghi mất tích từ năm 2007 đến 2012, Cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh, làm rõ tên tuổi cụ thể của 11 cháu. Theo đó, cơ quan điều tra đã làm rõ và được bố, mẹ, người thân của 11 cháu này.
Tuy nhiên, danh sách cụ thể thì vẫn chưa được công an quận Long Biên tiết lộ. Công an quận Long Biên lý giải, do đang tích cực mở rộng tiếp cận thông tin trình báo, tố giác về việc có thể có các trường hợp mất tích khác để tiếp tục xác minh và làm rõ căn nguyên nên chưa thể cung cấp thông tin chi tiết.
Ngày 11/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP Hà Nội) cho biết đã chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị khởi tố 2 bị can Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề về Tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 3 năm tù tới chung thân. |
Thuận Phong