Tin mới

Sự thật về loại 'thần dược' có công dụng giúp 'thổi bay' nồng độ cồn

Thứ ba, 07/01/2020, 08:53 (GMT+7)

Nắm được tâm lý nhiều tài xế đang lo sợ bị phạt nặng về nồng độ cồn khi lái xe, trên mạng xã hội nhanh chóng lan truyền rằng có loại thuốc có thể "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia.

Ngày 4/1, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sau 2 ngày (1 và 2/1) thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng.

Sau 5 ngày thực hiện nghị định 100/NĐ-CP, CSGT toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội, TP.HCM…

Trong đó có nhiều tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn đã nhận mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Còn đối với người điều khiển xe mô tô cũng không ít trường hợp bị phạt kịch khung từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Nắm được tâm lý lo sợ của các tài xế, những ngày qua trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo được quảng cáo giúp "tẩy nhanh nồng độ cồn", "giải rượu bia thần tốc", "xả nhanh lượng cồn, hỗ trợ giảm nhanh cơn say"...

Về việc này, ngày 6/1, trao đổi với PV Báo Người Lao Động, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có Công dụng "thổi bay" nồng độ cồn.

Theo ông Đông, ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thụ rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.

Trong khi đó, PSG-TS Trần Nhân Thắng, Trưởng Khoa Dược thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng cho rằng trên thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này phải chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ.

Trên thực tế có nhiều trường hợp uống rượu hôm nay nhưng mai thổi nồng độ cồn vẫn lên là bình thường. Điển hình như trường hợp anh Hoàng Trọng T. (SN 1987, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ) bị xử phạt 2 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp 0.051mg/lít khí thở (mức này sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng).

Điều đặc biệt trong câu chuyện của anh T. là anh này uống rượu từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn bị xử phạt.

Không nên uống các loại nước có ga, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo. Không dùng sữa chua để giải rượu vì dễ gây kích ứng dạ dày, dẫn đến tiêu chảy. Thay vào đó, người dùng nên sử dụng trà gừng, nước chanh sẽ giúp giải rượu bia hiệu quả. Ảnh: Hindustan Times.

Trao đổi trên VNE, Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, cho biết thời gian để hồi phục sức khỏe cho người say rượu phụ thuộc vào thể trạng từng người, tùy vào lượng rượu nạp vào cơ thể. Dân gian có những mẹo để đẩy nhanh quá trình đào thải rượu ra khỏi cơ thể, người say có thể áp dụng để hồi phục sức khỏe. Cách quan trọng nhất là bổ sung thêm nước để làm loãng nồng độ cồn trong máu.

Ngoài uống nhiều nước lọc, bí quyết giải rượu được mọi người áp dụng là uống trà gừng. Gừng có vị cay tính ấm, tác dụng tán hàn, giải độc, điều tiết nhiệt độ cơ thể, làm cho các mạch máu lưu thông, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Pha nước trà gừng bằng cách: thái một củ gừng tươi thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống, có thể cho thêm mật ong để cơ thể hấp thụ nhanh.

Nhiều người dùng nước chanh giải rượu. Trong quả chanh có vitamin C, các thành phần axit hữu cơ sẽ kết hợp với ethanol trong rượu để tạo ra este, giúp thoát khỏi cảm giác nôn nao, khó chịu do bia rượu, giảm tình trạng mất nước do chất cồn gây ra. Tuy nhiên, những người có bệnh lý dạ dày, tá tràng nên lưu ý khi uống nước chanh bởi sẽ gây tổn thương dạ dày.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news