Năm 2013, con số tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam là đáng ghi nhận khi con tổng doanh số của thị trường năm 2013 cao hơn 6% so với dự báo đầu năm. Tuy vậy, sự thật bên trong con số tăng trưởng đó còn nhiều điều phải nói.
Cụ thể, đầu năm 2013, hiệp hội các nhà sản xuất xe trong nước đưa ra con số dự đoán thị trường xe hơi trong nước sẽ đạt doanh số 103.000 xe, bao gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu. Kết thúc năm 2013, con số thực tế là 110.520 xe, so với con số 93.000 xe năm 2012, mức tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam 2013 lên tới 18,8%. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn ảm đạm, mức tăng trưởng trên thực sự đáng ghi nhận với cả nền công nghiệp ô tô còn non trẻ của Việt Nam.
Thị trường ô tô Việt Nam 2013 có sự tăng trưởng khởi sắc (ảnh minh họa)
Nguyên nhân của con số tăng trưởng ngoạn mục trên có khá nhiều : sự cạnh tranh của các hãng khi có nhiều dòng sản phẩm tung ra vào cuối năm, nâng cao sức cạnh tranh cũng như tăng thêm sự chọn lựa cho khách hàng. Bên cạnh đó là Chính sách giảm thuế và nhiều loại phí khác khiến cho việc sở hữu 1 chiếc ô tô trở nên bớt gánh nặng hơn. Tuy vậy, nếu phân tích kĩ hơn vào trong con số tăng trưởng ấn tượng ấy, sẽ còn nhiều vấn đề phải mổ xẻ và suy ngẫm.
Doanh số xe ô tô Việt Nam bao gồm doanh số của 2 dòng : xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của VAMA, trong tháng 12 sản lượng lắp ráp của các doanh nghiệp đạt 10.300 xe, tăng 24% so với con số 8.300 xe của tháng 11. Tuy nhiên, con số của xe nhập khẩu có mức tăng trưởng phi mã hơn nhiều, lên mức 57% với 2.978 xe trong tháng 12. Mặc dù xét về những con số, doanh số của xe nhập khẩu chưa bằng 1/3 xe lắp ráp, song xét về sức tăng trưởng thì rõ ràng xe nhập khẩu đang là mối đe dọa thực sự với xe lắp ráp, đặc biệt là nền tảng của xe lắp ráp trong nước không lấy gì làm vững chắc.
Theo lộ trình AFTA và WTO, thuế các loại xe du lịch nhập khẩu sẽ giảm dần về mức 0%, hiện tại con số đang là 50%. Như vậy, rào cản thuế quan sẽ dần được gỡ bỏ, đi kèm với đó là mức giá sẽ dễ chịu hơn, giấc mơ ô tô sẽ đến với nhiều người hơn chứ không phải là giấc mơ xa vời như trước tới nay nữa.
Bảng thống kê chi tiết doanh số thị phần xe nhập khẩu và xe lắp ráp, xe nhập khẩu đường biểu đồ màu tím, xe lắp ráp đường biểu đồ màu xanh
Nhìn vào bảng thống kê trên, rõ ràng là rất nhanh chóng con số tăng trưởng của xe nhập đã vượt qua xe "nội". Lại cần lưu ý thêm rằng, VAMA cũng dự đoán con số tăng trưởng của thị trường trong năm 2014 sẽ không thể phi mã như năm vừa rồi, mà chỉ dừng ở mức 9%. Với mức tăng "hẻo" như vậy, cộng với sự chênh lệch đáng kể giữa mức tăng của 2 dòng xe, e rằng 2014 sẽ là một năm buồn của xe lắp ráp trong nước.
Một thị trường xe hơi bùng bổ và công bằng.
Theo ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ ASEAN được giỡ bỏ, giá xe nhập khẩu giảm sẽ giúp thị trường tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, phải đến năm 2025 trở đi mới là giai đoạn phổ cập hóa ô tô thì thị trường mới thực sự bùng nổ.
Như một phân tích trước đây của chúng tôi với bài học thành công từ Thái Lan. Ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ chỉ thực sự vững vàng khi hội nhập khi nó có một "dung lượng", quy mô đủ lớn.
Cứ cho rằng từ nay đến 2014, doanh số ô tô trong nước tăng 10% mỗi năm, thì đến 2018, doanh số toàn ngành cũng chưa đến 200 nghìn xe trong đó có cả xe nhập khẩu, một con số cực kỳ khiêm tốn. Cũng phải nhắc lại, Thái Lan hiện nay đang xuất khẩu khoảng 1 triệu chiếc xe. Và không có điều gì chắc chắn sắp tới quốc gia này sẽ không tăng cường xuất khẩu sang Việt Nam với lợi thế rõ ràng về giá thành.
Ô tô Việt Nam còn gần 5 năm nữa để hưởng các ưu đãi. Và sau đó khoảng 13 năm để thực sự đón đầu những cơ hội về một thị trường bùng nổ. Với những "thành tích" kể trên của mảng lắp ráp ô tô trong nước, các nhà hoạch định chính sách không thể không lo ngại. Đấy là chưa nói đến một ngành công nghiệp sản xuất ô tô thực sự, thay vì nhập linh kiện và lắp ráp như hiện nay.
T.M