Tin mới

Tác giả clip chui túi nilông qua suối: "Em vui không thể tả xiết"

Thứ tư, 19/03/2014, 08:55 (GMT+7)

"Khi biết sẽ sớm xây dựng một cây cầu ở đây thì em vui không thể tả xiết. Bây giờ sau 4-5 tiếng biết tin mà em và đồng nghiệp vẫn lâng lâng vui sướng", cô giáo Minh nói.

"Khi biết sẽ sớm xây dựng một cây cầu ở đây thì em vui không thể tả xiết. Bây giờ sau 4-5 tiếng biết tin mà em và đồng nghiệp vẫn lâng lâng vui sướng", cô giáo Minh nói.

 

Cô giáo mầm non Tòng Thị Minh, tác giả clip “chui vào túi nilông để... qua suối”, không giấu nổi niềm vui khi tâm sự với chúng tôi.

Cô giáo Minh cho biết ở điểm Trường Sam Lang (một trong những bản xa nhất của xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) không hề có sóng điện thoại, lại càng không có điện lưới để xem tivi hay nghe đài, nên cô và các đồng nghiệp cắm bản không hề hay biết thông tin về clip gây sự chú ý đến thế.

Chỉ đến 19g ngày 17-3, khi có việc phải ra ngoài trường trung tâm, vừa về đến trường chính thì một cô giáo đã kéo cô vào phòng bật máy tính cho xem đoạn clip đang gây sự chú ý của dư luận.

“Lúc đó em rất bất ngờ, có lẽ cũng bất ngờ như chính các anh khi lần đầu được xem clip. Lúc đó em cũng chỉ biết clip của mình đã được lên báo thôi. Nhưng sáng nay, khi biết nhờ clip này mà trung ương, tỉnh đã cử hẳn một đoàn vào khảo sát và nói sẽ sớm xây dựng một cây cầu thì em vui không thể tả xiết. Bây giờ sau 4-5 tiếng biết tin mà em và đồng nghiệp vẫn lâng lâng vui sướng” - Minh thật thà chia sẻ.

Minh cho biết cô sinh ra (năm 1991) và lớn lên ở mảnh đất Thanh Luông (huyện Điện Biên). Ngay sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm tỉnh thì tháng 10-2012 cô vào ngành và nhận công tác tại xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ). Một năm sau (8-2013) cô có quyết định điều chuyển về Trường Nà Hỳ.

Tác giả clip chui túi nilông qua suối:

Cô giáo Tòng Thị Minh và học sinh

Và để chuẩn bị cho năm học mới tại một địa bàn mới, ngay sau khi về trường, Minh cùng nhiều đồng nghiệp đã đi các bản nhiều chuyến vừa để nắm địa bàn, vừa thực hiện nhiệm vụ chiêu sinh.

Thời điểm này là mùa mưa lũ, muốn đến các bản không còn cách nào khác phải băng qua suối và trong những chuyến đi như vậy, Minh cùng các đồng nghiệp phải chui vào túi nilông để người khác khỏe hơn, biết bơi kéo qua suối.

“Lần đầu tiên em cũng sợ lắm, nhưng các anh chị đi trước bảo không còn cách nào khác đâu, không thể đợi lũ xuống được. Hồi còn dạy ở Nậm Chua, khi qua suối vào mùa lũ thì người dân làm dây cáp bắc qua suối để đu sang. Còn ở Sam Lang việc qua suối bằng cách chui vào túi em thấy lần đầu, nhưng vẫn phải... liều sang vì ở đây chẳng có dây mà đu sang, cũng chẳng có cầu. Cũng biết nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào... Rồi lần đi chiêu sinh tiếp theo, trong đoàn có thêm chị Hà Thị Huệ, giáo viên mầm non Trường Nà Bủng. Chúng em cũng phải qua suối bằng cách chui vào túi nilông. Huệ thấy thế hoảng quá, cứ đứng bờ bên kia chưa dám sang. Cũng như em đi lần đầu, mọi người trong đó có em lại phải thuyết phục, hò hét cổ vũ để Huệ chui vào túi mà qua suối...” - Minh hồn nhiên kể.

Minh cho biết khi thấy Huệ đồng ý chui vào túi để qua suối, Minh đã lấy điện thoại ra quay lại toàn bộ quá trình Huệ chui vào túi, được kéo qua suối, rồi lên bờ như để lưu lại một kỷ niệm của người giáo viên cắm bản, cho Huệ và mọi người xem lại. Có thể clip Huệ qua suối sẽ “động viên” được các đồng nghiệp khác từ sau muốn qua suối, nhìn thấy túi nilông thì không còn thắc mắc, lo ngại nữa.

Trao đổi qua điện thoại với Minh, chúng tôi cảm nhận cô giáo cắm bản này vẫn còn gì đó hồi hộp, xúc động. Minh bảo: “Khi gửi các anh clip này em không biết tác động của clip ghê gớm thế, chứ nếu biết (sẽ có cầu treo - PV) em đã gửi clip sớm hơn”.

Theo Tuổi trẻ

Cận cảnh những cách qua sông "rợn người": 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news