- Bộ GTVT lên tiếng vụ tai nạn chết người tại dự án đường sắt trên cao
- Hiện trường vụ tai nạn chết người tại dự án đường sắt trên cao
- Tai nạn chết người tại dự án Đường sắt trên cao: Đình chỉ chỉ huy trưởng, tư vấn giám sát
- Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ tai nạn chết người tại dự án đường sắt trên cao
Liên quan đến vụ tai nạn chết người tại dự án đường sắt trên cao, trong cuộc họp về Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị kỷ luật ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty XDCTGT 1 (Cienco 1) vì thiếu trách nhiệm trong vụ tai nạn, khiến 1 người chết.
Cụ thể, trưa ngày 6/11, ngay sau khi nhận được tin tức về vụ tai nạn tại dự án đường sắt trên cao, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gấp rút chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và lãnh đạo của Cienco 1 là ông Phạm Dũng xuống hiện trưởng để phối hợp giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, do ông Dũng bận họp giao ban nên đã cử Chủ tịch Công đoàn của công ty xuống hiện trường chứ không trực tiếp xuống giải quyết. Bộ trưởng Thăng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của ông Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1 vì thiếu trách nhiệm trong vụ tai nạn.
Theo Bộ trưởng Thăng "Một vụ việc xảy ra như vậy mà vẫn ngồi họp giao ban được là không thể chấp nhận. Dứt khoát tôi phải đề nghị kỷ luật đối với ông Dũng. Tôi yêu cầu ra hiện trường xử lý vụ việc đã không ra mà cử cử Chủ tịch Công đoàn của công ty xuống chứ không trực tiếp xuống giải quyết. Là con em các ông chắc các ông đã nhao ra rồi, vô cảm với tính mạng người dân như vậy à? Tới đây có kết quả điều tra sẽ đề nghị công an, nếu xem xét khởi tố vụ án được sẽ khởi tố ngay".
Hiện trường vụ tai nạn chết người tại dự án đường sắt trên cao
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình giao thông trên cả nước, không để xảy ra những vụ việc tai nạn tương tự, trong quá trình thi công phải có biện pháp bảo vệ thi công cho công trình, đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ kiểm tra các công trình giao thông trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn giao thông, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng, tăng cường tổ chức phân luồng từ xa qua các khu vực thi có công trường giao thông.
Về trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tai nạn, theo tin tức từ Vietnamplus, ông Trương Kiến Huân, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho rằng, Tổng thầu đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp nhân lực, bồi dưỡng cho đơn vị thi công, vụ tai nạn xảy ra, phía Tổng thầu cũng chịu trách nhiệm phối hợp cứu người…
Theo ông Huân, Tổng thầu EPC đã áp dụng nhiều biện pháp trong quá trình thi công được chủ đầu tư phê duyệt, về an toàn chất lượng tổng thầu EPC sẽ chịu trách nhiệm xử lý sự cố.
Ông Tống Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn giám sát xây dựng-Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt Bắc Kinh thừa nhận, trong thời điểm xảy ra vụ tai nạn, kỹ sư giám sát không có mặt ở công trường thi công.
“Tư vấn giám sát là chịu trách nhiệm cuối cùng về tiến độ và chất lượng của dự án, còn an toàn trong thi công thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công,” ông Tống Vân bày tỏ quan điểm.
Không đồng tình với câu trả lời về trách nhiệm của Tư vấn giám sát, Bộ Trưởng Đinh La Thăng truy hỏi, lúc xảy ra tai nạn, tại sao không có Tư vấn giám sát. Phó Tổng giám đốc Tống Vạn giải thích, đại diện Tư vấn giám sát không có mặt mà chỉ có mặt tại khu vực lân cận do thời điểm tai nạn không nghiệm thu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tư vấn không thể bao biện chỉ có mặt giai đoạn nghiệm thu, mà phải có mặt tại công trường trong quá trình thi công, giám sát chất lượng thi công cũng như an toàn thi công.
“Tư vấn giám sát cũng phải chịu trách nhiệm chính. Công an đang điều tra làm rõ vụ việc. Xác định rõ nếu là trách nhiệm của Tổng thầu, Tư vấn giám sát thì các ông phải đi tù. Xí nghiệp cầu 17 (Cienco 1) là nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tai nạn,” Bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết.
Theo H.Nguyen/Nguoiduatin