Tin mới

Tâm sự của "hoa khôi" Tây Bắc trong đường dây ma túy "khủng"

Chủ nhật, 15/02/2015, 09:08 (GMT+7)

Chồng mất sớm, một mình tần tảo nuôi dạy hai con ăn học, người đàn bà đẹp nức tiếng đất Mộc Châu đã dấn thân vào cái chết trắng từ việc anh trai nghiện, biến cửa hàng kinh doanh của em gái thành nơi trao đổi, buôn bán trái phép chất ma túy.

 

 

Chồng mất sớm, một mình tần tảo nuôi dạy hai con ăn học, người đàn bà đẹp nức tiếng đất Mộc Châu đã dấn thân vào cái chết trắng từ việc anh trai nghiện, biến cửa hàng kinh doanh của em gái thành nơi trao đổi, buôn bán trái phép chất ma túy.


May mắn thoát khỏi bản án tử hình sau phiên tòa phúc thẩm, mặc dù mới ngoài 40 tuổi nhưng chị đã lên chức bà ngoại, và ở vào cái tuổi ngoại tứ tuần vẫn giữ được vẻ đẹp trời phú, chị đã có những tâm sự tận đáy lòng mình khi đang khoác trên mình bộ quần áo sọc dọc.

Bước sa chân của người mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ

Chị là Nguyễn Thị Thành (SN 1971), trú tiểu khu 12, trị trấn Mộc Châu (Sơn La), hiện đang thụ án chung thân vì tội mua bán trái phép chất ma túy tại Phân trại số 3, Trại giam số 6 (Bộ Công an).

Theo lời kể của nữ phạm nhân này, bản thân sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo có 8 anh chị em, mẹ làm ruộng, bố mất sớm, cũng vì thế mà chị ta sớm quăng quật với cơm áo gạo tiền để mưu sinh bằng cách làm nghề kinh doanh, buôn bán tự do. Năm 19 tuổi, Thành vội vã lên xe hoa về nhà chồng, có được 2 con nhỏ thì chồng chết sớm nên một mình tần tảo nuôi con ăn học.

Bước ngoặt đời mình xảy ra vào năm 2006, khi anh trai nghiện ngập, thường xuyên liên lạc với bạn nghiện và các đối tượng chuyên mua bán ma túy qua số điện thoại và cửa hàng kinh doanh của Thành, biến nơi này thành địa điểm trao đổi, mua bán ma túy. Lâu dần, Thành đã biến mình thành chân rết của đường dây ma túy có quy mô lớn, hoạt động nhiều tại tỉnh, thành và mua bán ma túy với số lượng đặc biệt lớn.

Sau hơn 3 năm đấu tranh, điều tra mở rộng, Công an quận Hai Bà Trưng mới lần ra hết các chân rết, trong đó có Nguyễn Thị Thành, bị bắt giữ vào ngày 7/12/2006. Với việc vận chuyển trót lọt 7 bánh heroin tử Sơn La về Hà Nội, Thành bị kết án tử hình vào ngày 7/3/2008. Đến ngày 12/8/2010, Nguyễn Thị Thành được Chủ tịch nước xét ân giảm từ tử hình xuống chung thân và được đưa vào trại giam số 6 để thụ án từ ngày 27/8/2010 đến nay.

Trong câu chuyện với chúng tôi cũng như trong suốt quá trình điều tra, xét xử, Nguyễn Thị Thanh luôn phủ nhận việc mình tham gia vào việc mua bán, vận chuyển ma túy mà chỉ liên lạc bạn hàng giúp anh trai. Khi sự việc lộ ra, anh trai cao chạy xa bay nên mọi tội trạng mình cô em gái này gánh chịu.

Phạm nhân Nguyễn Thị Thành.

Tuy nhiên, khi lật giở lại hồ sơ của phạm nhân Nguyễn Thị Thành còn lưu trữ tại trại giam đã cho thấy, hành vi mua bán, vận chuyển ma túy của Thành là có tổ chức, tinh vi và được thực hiện nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo đó, trước khi tiếp tục lần ra đường dây này, Cơ quan SCĐT Công an quận Hai Bà Trưng vào ngày 5/4/2004 đã khởi tố, điều tra vụ án Lê Sỹ Thủy cùng đồng bọn gồm 11 bị can về tội mua bán trái phép chất ma túy. Đây là một đường dây ma túy có quy mô lớn, hoạt động tại nhiều tỉnh, thành và mua bán ma túy với số lượng đặc biệt lớn.

Từ ngày 8 đến 11/5/2006, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tử hình đối với Lê Sỹ Thủy, Đòan Văn Cường và Trần Xuân Tiến; phạt tù chung thân đối với Trần Văn Long. Hai kẻ đầu vụ là Lê Sỹ Thủy và Đoàn Văn Cường đã bị xử phạt tử hình và ngày 9/11/2007, Hội đồng thì hành án Hà Nội đã thi hành án tử hình đối với Thủy và Cường tại trường bắn Cầu Ngà.

Tiếp đó, khi điều tra mở rộng, cơ quan điều tra xác định đường dây của Lê Sỹ Thủy và Đoàn Văn Cường còn có sự tham gia của 3 người khác gồm Nguyễn Thị Thành, Trương Văn Tuất (SN 1957), trú tại tổ 9, phường Quyết Tâm, thị xã Sơn La và Trần Xuân Tiến (SN 1959), trú tại số nhà 19, Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong đó, Nguyễn Thị Thành vận chuyển trot lọt 7 bánh heroin, Trương Văn Tuất vận chuyển 7 bánh heroin và Trần Xuân Tiến vận chuyển 2 bánh heroin.

Phục thiện trong trại giam

Tại Trại giam số 6, được sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của cán bộ quản giáo và Ban chính trị, Thành đã vượt qua chính mình để yên tâm tu thân cải tạo tốt. Đến nay, sau hơn 4 năm thụ án, Thành đã cải tạo tiến bộ, được tín nhiệm bầu vào thành viên ban tự quản phạm nhân, là đội trưởng đội ngành nghề may bóng gồm 28 phạm nhân nữ. Nguyễn Thị Thành chia sẻ, làm đội trưởng của đội lao động có nhiều án cao, trong đó có 4 chung thân nên bản thân mình luôn phải cố gắng cải tạo, chấp hành tốt và nhắc nhở, đôn đốc chị em yên tâm cải tạo. Nhờ vậy, trong năm 2014, đội của chị được Ban giám thị khen thưởng xuât sắc.

Phạm nhân Nguyễn Thị Thành tâm sự, may mắn lớn nhất của đời chị là bản thân vướng vòng lao lý nhưng hai đứa con vẫn vượt qua cú sốc để học hành nên người và thường xuyên vượt cả hàng trăm cây số để vào trại giam thăm nuôi, động viên mẹ cải tạo tốt. Con gái đầu sau khi hoàn thành khóa học trung cấp Dược đã lập gia đình, hiện đã sinh cháu ngoại, chỉ chờ bà ngoại về để ẵm bồng, chăm sóc. Cô con gái thứ hai hiện đang là sinh viên của trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Những ngày ăn cơm tù, mặc áo số, Thành đã hiểu được cái giá của sự tự do, chính nhờ sự thăm nuôi, động viên kịp thời của các con và sự ân cần hướng thiện của Ban giám thị đã khơi dậy tinh thần, ý chí phấn đấu trong con người Thành. “Cõng” trên vai bản án tù chung thân, đường về còn mịt mù xa ngái, nhưng người đàn bà này vẫn quyết tâm làm lại cuộc đời để có cơ hội về với xã hội, đặng sum họp cùng con cháu.

Đại úy Lê Bá Nam, cán bộ quản giáo tại Phân trại số 3 cho biết thêm, mặc dù án cao, quê xa nhưng phạm nhân Nguyễn Thị Thành luôn có tư tưởng ổn định, được ban giám thị tin tưởng bầu vào ban tự quản phạm nhân. Quá trình thụ án, phạm nhân Thành luôn quản lý, đôn đốc nhắc nhở các chị em khác có ý thức chấp hành nội quy trại giam, cá nhân chị Thành năm nào cũng được phân trại và Ban giám thị khen thưởng.

Đường về còn xa, nhưng sau một thời gian thụ án tại trại giam, Nguyễn Thị Thành đã nhận chân được giá trị của cuộc sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân của trại giam số 6 đã có hiệu quả nhất định, đặc biệt là trong thời gian gần đây, khi liên tiếp có nhiều phạm nhân án dài, án cao và có tư tưởng chống phá được bóc tách, chuyển từ nhiều trại giam khác trong cả nước về đây, với Chính sách giáo dục, cảm hóa hợp lý, thấm đẫm tình người, phạm nhân tại Trại giam số 6 đã biết quay đầu hướng thiện để mong ngày về lại với xã hội được ngắn hơn.

Lời tâm sự của phạm nhân Nguyễn Thị Thành trước khi chúng tôi rời trại giam cứ ám ảnh chúng tôi, rằng chỉ vì thương anh trai, thương các con mà dân thân vào con đường tội lỗi, giờ phải chôn chân trong đất trại đến cuối đời cũng cam phận, chỉ thương hai đứa con, sớm côi cút mất cha nay lại không có mẹ kề bên.

So với nhiều phạm nhân khác, Thành vẫn còn may mắn khi hai đứa con đã tự rau cháo nuôi nhau, ăn học nên người, không vì sai lầm của đấng sinh thành mà sa ngã. Ấy là nguồn động viên lớn nhất để mỗi ngày trong trại giam, chị lại thấy cần phải cố gắng để cải tạo tốt, mong đường về với con cháu được ngắn lại. Mặc dù mới ngoài 40 tuổi, song chỉ cần được chở về với hai con và các cháu, dù chỉ một khoảnh khắc tự do thôi, chị cũng cảm thấy đủ đầy và giàu có hơn bất cứ ai trên cõi đời này.

Theo Thuận Thành

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news