Tin mới

Tâm sự của người lính không quân 9 lần được gặp Bác Hồ

Thứ ba, 19/05/2015, 09:25 (GMT+7)

Ôn lại kỷ niệm trong những lần được gặp Bác Hồ, trong ánh mắt ông dường như ánh lên lạ thường chất chứa niềm tự hào đối với "người cha già của dân tộc".

Ôn lại kỷ niệm trong những lần được gặp Bác Hồ, trong ánh mắt ông dường như ánh lên lạ thường chất chứa niềm tự hào đối với "người cha già của dân tộc".

Người chiến sĩ năm xưa có được vinh dự đó chính là Trung tướng Trần Hanh – nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tâm sự với PV Người Đưa Tin, Trung tướng Trần Hanh luôn coi những giờ phút được tiếp xúc và nói chuyện cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm may mắn và tài sản tinh thần vô giá, khó đong đếm được giá trị. Mặc dù là người đứng đầu đất nước nhưng Bác Hồ luôn giữ cho mình phong thái gần gũi, quan tâm tới đời sống, tâm tư tình cảm của mọi người dân. Đặc biệt là với những người lính trẻ ngoài mặt trận…

Anh hùng LLVTND, Trung tướng Trần Hanh - mguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Ảnh: Nhật Minh).

Gặp và được tặng huy hiệu Bác Hồ

Trung tướng Trần Hanh còn nhớ như in buổi gặp mặt Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch vào ngày 10/4/1966. Đoàn hôm đó ngoài ông còn có 5 phi công nữa gồm Ngô Đức Mai, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Nhật Chiêu, Lâm Văn Lích và Phan Như Cẩn. Ông kể: Vừa đến nơi thì gặp đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác nói đoàn đợi Bác, 10 phút nữa Bác sẽ ra. Đúng 10 phút sau, Bác cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước ra vẫy chào các chiến sĩ không quân đang ngồi chờ sẵn với phong thái vô cùng giản dị, khoan thai.

Bác nói: “Hôm nay, các đại biểu không quân lên gặp Bác, Bác gọi chú nào thì chú ấy tự đứng lên giới thiệu về quê quán, gia đình cho Bác nghe nhé”.

Khi Bác vừa dứt lời, tôi khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921 lên tiếng: “Dạ thưa Bác! Cháu là Trần Hanh…”.

Bác mỉm cười bảo: “Chú Trần Hanh thì Bác biết rồi! Thế chú Phạm Ngọc Lan đâu rồi?”

Phó chính ủy Phạm Xuân Mậu thưa với Bác: “Thưa Bác! Đồng chí Phạm Ngọc Lan bị ốm nên không lên gặp bác được ạ!”.

Bác hỏi han tình hình ốm đau của đồng chí Lan rồi lần lượt các đồng chí khác trong đoàn. Nghe giọng nói của phi công Ngô Đức Mai, Bác hỏi: “Chú là người miền Trung hả?”. Nghe vậy, Đức Mai mạnh dạn nói luôn: “Dạ thưa Bác! Cháu cùng quê với Bác và thỉnh thoảng lúc về quê cháu còn rẽ qua nhà của Bác chơi đó ạ!”.

- “Ai mời mà chú đến?”, Bác hỏi vui.

- Dạ, cháu nhớ Bác quá nên… tự đến ạ!

Cả đoàn được một tràng cười vui vẻ.

Nghe đồng chí Nguyễn Hồng Nhị báo cáo tình hình, Bác động viên: “Các chú bộ đội không quân đã chiến đấu hết sức ngoan cường và lập nhiều thành tích, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, Bác rất vui. Bác sẽ tặng huy hiệu của Bác cho các chú”. Nói đoạn, Bác lấy huy hiệu tặng cho cả 6 phi công mỗi người một huy hiệu của Bác."

Bức ảnh Bác Hồ chụp chung với 6 chiến sĩ không quân tại Phủ Chủ tịch ngày 10/4/1966. Đ/c Trần Hanh đứng thứ hai từ phải sang (Ảnh: NVCC).

Bác cũng không quên dặn dò các phi công: “Cuộc chiến đấu của quân và dân ta còn lâu dài. Quyết tâm và say sưa chiến đấu quên mình vì sự nghiệp cách mạng là đúng. Nhưng các chú phải không quên việc chăm lo cho hậu phương, gia đình, cho hạnh phúc riêng tư của mình khi có điều kiện”. Rồi Bác quay sang nói với Phó Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu: “Dạo này bộ đội Phòng không – Không quân (PKKQ) ta đánh khá nên phải cho anh em rút kinh nghiệm kịp thời, chớ chủ quan tự mãn. Bắn mạnh, bắn trúng, nhưng phải tiết kiệm đạn”.

Nâng niu tấm huy hiệu đó trong tay, Trung tướng Trần Hanh cùng với các đồng đội càng thêm thấm thía lời căn dặn của Bác. “Đó như là nguồn sức mạnh để nâng cao ý chí chiến đấu với các chiến sĩ mỗi khi ra chiến trường giáp mặt với kẻ địch trên không, quyết tâm tiêu diệt địch”, tướng Hanh tâm sự.

Lần hai gặp Bác và được phong anh hùng

Bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tình hình càng trở nên khẩn trương đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ bộ đội PKKQ phải hết sức tập trung cảnh giác cao độ.

Tướng Trần Hanh không thể quên được dịp được Bác tới tận nơi trực ban chiến đấu để động viên tinh thần và kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị ông tại sân bay Nội Bài vào dịp Tết Đinh Mùi năm 1967.

Khi đó, với cương vị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921 – đơn vị chủ lực của lực lượng không quân trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Trung tá Trần Hanh cùng với các đồng đội vinh dự được đón Bác đến thăm. “Hôm ấy, Bác tới bất ngờ không báo trước để kiểm tra tình hình trực ban và huấn luyện chiến đấu của Trung đoàn. Tôi đã được gặp và bắt tay Bác tại sở chỉ huy trên sân bay Nội Bài. Lúc đó, sở chỉ huy được đặt trong một ngôi làng thuộc xã Phú Cường, Sóc Sơn (Hà Nội).

Bức ảnh tư liệu mà tướng Hanh coi như kỷ vật thiêng liêng được bắt tay Bác tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: NVCC)

Ông nhớ lại, trong những lần Bác đến thăm đơn vị, không lần nào Bác đi theo sự sắp đặt từ trước, lúc nào Bác cũng xuống thăm bếp ăn, khu ở của chiến sỹ đầu tiên… Đi cùng Bác hôm đó còn có đồng chí Chính ủy Binh chủng Không quân Phan Khắc Hy, Cục trưởng Cục Bảo vệ - Đại tá Kim Chi.

Sau khi tới thăm khu bếp ăn, khu nhà ở của chiến sĩ, Bác đã ra tận nơi các phi công huấn luyện chiến đấu rồi ân cần động viên: “Bộ đội Không quân vừa qua đã chiến đấu anh dũng lập nhiều chiến công, Bác rất mừng. Tuy nhiên, không quân Mỹ là đội quân rất sừng sỏ, nham hiểm với vũ khí hiện đại. Các chú phải tuyệt đối cảnh giác và luôn tìm ra những cách đánh sáng tạo, hiệu quả. Giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa khiến cho chiến lược chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ phải thất bại hoàn toàn”.

Đáp lại lời căn dặn của Bác, trung tá Trần Hanh nói: “Dạ thưa Bác! Bộ đội Không quân sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Quyết tâm đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của không quân Mỹ trên bầu trời Tổ quốc!”.

Kể từ lần gặp đó, đồng chí Trần Hanh cùng với các đồng đội của mình đã chiến đấu ngoan cường và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.

Ngay trong năm 1967, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đó chỉ là hai trong số 9 lần tướng Trần Hanh được gặp Bác. Được tiếp xúc và nghe những lời huấn thị mang tầm chiến lược của một nhà quân sự chính trị lỗi lạc ở Bác Hồ, Tướng Hanh càng khắc sâu hơn lời dạy của Người: “Tổ tiên ta đã đánh thắng giặc xâm lược trên bộ và trên sông. Bác giao cho các chú PKKQ đánh thắng giặc ở trên không”.

Và lịch sử đã minh chứng cho những lời dạy mang tính thời đại của Bác, khi đội PKKQ ta đã làm nên một trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vào cuối tháng 12/1972 khiến Mỹ từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam và chấp nhận đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử ngày 27/1/1973. Sau đó là hơn 2 năm chiến đấu tiêu diệt chính quyền Ngụy để đem lại thống nhất cho non sông.

"Đến nay, tấm gương về tinh thần yêu nước, thương dân và suốt đời vì lợi ích nhân dân của Bác sẽ mãi là ánh đuốc soi đường cho con thuyền cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Nhưng không chỉ có những anh hùng trong chiến đấu, ngày nay, những tấm gương anh hùng trong lao động sản xuất, giúp xây dựng đất nước giàu mạnh hơn mới chính là món quà ý nghĩa nhất để dâng lên Bác trong dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2015)”, Trung tướng Trần Hanh tâm sự.

Nhật Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news