Tin mới

Tâm sự của người mẹ mất con trong vụ "vái lạy bác sỹ"

Thứ hai, 30/03/2015, 15:41 (GMT+7)

Bên cạnh những thầy thuốc khả kính, đâu đó vẫn còn những bác sỹ thờ ơ trước nỗi đau của người bệnh. Và nỗi "đoạn trường" khám chữa bệnh vẫn có những câu chuyện hết sức đau lòng.

Bên cạnh những thầy thuốc khả kính, đâu đó vẫn còn những bác sỹ thờ ơ trước nỗi đau của người bệnh. Và nỗi "đoạn trường" khám chữa bệnh vẫn có những câu chuyện hết sức đau lòng.

Trên thực tế có nhiều tấm gương về những người thày thuốc khả kính, hết lòng vì người bệnh. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh, những bác sỹ thờ ơ trước nỗi đau của người bệnh, thậm chí những cái chết oan uổng xuất phát từ sự tắc trách vô cảm của một số thầy thuốc. Và khi xảy ra những cái chết oan uổng thì việc đặt ra là bồi thường, nhưng tiền không thể làm người chết sống lại...

Tiền không xoa dịu được nỗi đau

Hẳn dư luận còn nhớ sự việc cách đây 2 năm, tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội, BN Đặng Đình H., 37 tuổi ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội phải vái lạy bác sỹ để cứu chữa cho mình trong cơn khó thở. Thay vì phải cấp cứu hoặc thăm khám cho BN, vị bác sỹ này đã làm rất nhiều việc khác cho tới khi BN H. ngã gục xuống, mọi người đưa BN này vào phòng cấp cứu hồi sức thì mới được KCB. Lúc này, các bác sỹ tập trung vào cứu chữa cho anh H. Tuy nhiên, BN Đặng Đình H. đã qua đời sau 5 ngày nằm tại phòng cấp cứu hồi sức. Câu chuyện của 2 năm trước, nhưng hiện tại vẫn còn ám ảnh người thân của gia đình anh H..

Ngày 25/3/2015, chúng tôi tìm tới nhà bà Phạm Thị Phúc, mẹ đẻ của anh H. ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội vào buổi sáng, trời mưa và lạnh. Từ ngày anh H. mất đến nay đã hơn 2 năm, nhưng nỗi buồn về cái chết của người con trai cả - Đặng Đình H. chưa bao giờ nguôi trong tâm trí của người mẹ và người thân của anh.

Với giọng nói vẫn còn nghẹn đắng, bà Phúc thổ lộ: “Khi thằng H. kêu khó thở, tức ngực, tôi đưa con vào bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ngày hôm sau, H. vẫn luôn miệng kêu khó thở, thỉnh thoảng lại ngửa cổ lên để ngáp. Thương con, tôi cứ chạy lên, chạy xuống nhiều lần để gọi bác sỹ, nhưng bác sỹ chỉ trả lời: “Về nằm im và hạn chế cử động, ngồi dậy, máu chảy ra là chết”. Đến khi H. không thể thở được, cứ gục vào vai tôi, tôi gọi, bác sỹ Quang là người trực hôm đó cũng không xuống thăm, khám cho con tôi”.

 

Bố mẹ anh H. trao đổi với PV.

Bà Phúc tiếp câu chuyện: “Quá khó chịu vì nghẹt thở, H. lại kêu “mẹ gọi bác sỹ đi không con chết mất”. H. cố lấy sức lực cuối cùng, chạy lên phòng bác sỹ Quang vái lạy, cầu xin bác sỹ cứu cháu, cháu không thở được. Nhưng bác sỹ Quang thay vì cấp cứu cho con tôi lại quát: “Đây là bệnh nhân của ông L., tôi mà “động vào”, mai ông ấy đến lại rách việc”. Sau câu nói của bác sỹ Quang, con tôi ngã gục, bất tỉnh, nước hồng chảy ra cả mũi và miệng.

Lúc đó, bác sỹ Quang mới cùng mọi người xúm vào bế con tôi ngồi vào chiếc xe lăn, đẩy nhanh lên khoa Cấp cứu hồi sức. Năm ngày sau thì con tôi mất. Là người nông dân, tôi chỉ biết tuân thủ các quy định KCB. Giá mà lúc đó, bác sỹ Quang không đùn đẩy trách nhiệm khám bệnh cho bác sỹ L., thăm khám cho con tôi kịp thời thì bây giờ chắc tôi không mất con”. Nói xong, bà Phúc đưa tay lên gạt nước mắt...

Khi chúng tôi hỏi thăm về việc cơ quan chức năng giải quyết sự việc đó như thế nào? Ông Đặng Đoàn Trọng là cha đẻ của anh H. cho hay: “Sau khi con tôi mất, phía bệnh viện có tới nhà tôi thắp hương cho con tôi rồi bẵng đi một thời gian, tôi không thấy cơ quan chức năng trả lời. Hơn một năm sau ngày mất của con tôi, sau khi một số bài báo đăng tải, tôi thấy cơ quan Công an quận Hà Đông mời tôi ra làm việc.

Phía bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng nhận thiếu sót và đưa ra yêu cầu, gia đình cần hỗ trợ bao nhiêu? Tôi trả lời, con tôi mất, tôi đau xót vô cùng, tôi không cần hỗ trợ, không phải việc các anh đưa tiền là xoa dịu được nỗi đau. Tôi muốn biết, con tôi chết về nguyên nhân gì, phía công an cũng đã đọc cho chúng tôi bản kết luận rất dài. Tôi chỉ nhớ đại loại, nguyên nhân dẫn đến tử vong là do thiếu ô xy não. Người ta chỉ đọc cho tôi nghe, tôi không được cầm bản kết luận đó”.

“Sau đó, một người đại diện, tôi không biết tên mà chỉ hiểu là người trung gian, phía bệnh viện nói với tôi: “Bác sỹ Quang đã bị kỷ luật nặng, cho xuống làm công việc thu gom quần áo BN. Việc xảy ra không may, mong gia đình ông nhận bồi thường và cho người ta xin. Việc gì cũng có giới hạn của nó, người có lỗi đã bị kỷ luật và xin được bồi thường, mong ông chấp nhận”. Tôi nghĩ, một người bác sỹ ăn học bao nhiêu năm, giờ phải làm công việc thu gom quần áo thì cũng tội nên tôi im lặng. Tôi có 4 người con trai, H. là con trai cả. Con trai tiếp làm nghề lái xe bus, được tiếp xúc nhiều và có phần hiểu biết nên tôi nói, nó lên làm việc thay tôi những lần tiếp theo. Cuối cùng, gia đình tôi cũng nhận 85 triệu đồng do bệnh viện hỗ trợ và công an phường yêu cầu gia đình tôi không viết đơn kiện cáo nữa. Trong thâm tâm, tôi mong rằng, sau cái chết tức tưởi của con tôi, không ai phải chết oan như vậy nữa. Tôi thấy, bác sỹ Quang bị kỷ luật như vậy, tôi mong đó không chỉ là bài học cho bác sỹ Quang mà còn là bài học cho những người bác sỹ thiếu lương tâm, vô cảm như thế”, ông Trọng nghẹn ngào nói.

Theo một số chuyên gia về phẫu thuật lồng ngực cho biết: “Trường hợp của anh H. là viêm phổi cấp, dẫn đến suy hô hấp. Đối với trường hợp này, BN cần được thông khí, hỗ trợ thở ô-xy. Nếu không cấp cứu kịp thời, không cho bệnh nhân thở ô-xy, BN rơi vào trạng thái suy hô hấp, thiếu ô-xy não và tử vong là điều khó tránh, từ dân dã gọi là bệnh nhân bị chết đuối cạn”.

Xin được quyền sống!

Người bệnh bị hôn mê, khó thở, phải cấp cứu, nhưng y tá đã rút ống thở ô-xy để đưa bệnh nhân đi làm thủ tục nhập viện. Hậu quả người bệnh tử vong trước khi có đủ thủ tục nhập viện. Đó là trường hợp của anh Vũ Thanh B., 31 tuổi ở Long Biên, Hà Nội. Theo lời kể của chị Phạm Thị Lâm, vợ anh B., thì: Anh B. được đưa vào BV Việt Đức, do tiền sử bị bệnh lao.

Tại đây, các bác sỹ tư vấn cho gia đình nên chuyển anh B. tới BV Phổi Trung ương để được điều trị đúng chuyên môn. Khi chuyển anh B. từ Việt Đức tới viện Phổi Trung ương, các bác sỹ ở BV Việt Đức đặt ống thở ô-xy cho anh B., vì anh trong tình trạng khó thở. Tới bệnh viện Phổi Trung ương, anh B. được đưa vào phòng cấp cứu, nhưng y tá của BV đến đề nghị, đưa BN ra làm thủ tục nhập viện. Lúc này anh B. không được thở ô-xy cũng không có sự trợ giúp nào. Chị Lâm thấy chồng kêu khó thở nên đề nghị y tá cho thở ô-xy, nhưng cô y tá đó nói, phải chờ làm xong thủ tục nhập viện thì mới tiếp tục thở ô-xy.

Cũng theo lời chị Lâm kể lại: “Trong lúc chờ đợi người nhà làm thủ tục nhập viện cho anh B., một y tá khác của BV yêu cầu người nhà đưa BN B. quay trở về phòng cấp cứu. Nhưng chưa về đến phòng cấp cứu, anh B. đã tím tái, co giật, sùi bọt mép. Lúc này anh B. được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên, hơn một giờ sau, BN B. đã tử vong”.

Trước những cái chết không đáng xảy ra như vậy, PV đã trao đổi với bác sỹ Nguyễn Văn Long, BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang và được biết: “Tôi thấy buồn vì những căn bệnh nêu trên không phải là quá nguy hiểm, không thể chữa trị mà do sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của một số y bác sỹ. Nhiều y bác sỹ do tắc trách, chủ quan, kiến thức chuyên môn yếu, nhưng lại muốn thể hiện đã gây hậu quả thật khôn lường đến tính mạng BN”.

Kết cục của sự vô cảm

Ngày 25/3/2015, trao đổi với PV, ông Đào Thiện Tiến - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông, Hà Nội, cho biết: “Ngay sau khi xảy ra sự việc, ban lãnh đạo BV đã có cuộc họp gấp, yêu cầu bác sỹ Quang phải viết tường trình. Sau khi có kết luận pháp y về trường hợp của bệnh nhân Đặng Đình H., Ban lãnh đạo đã ra quyết định kỷ luật bác sỹ Quang. Hiện nay, bác sỹ Quang đã nhận kỷ luật, không được làm ở vị trí cũ mà làm công việc thu gom quần áo cho BN”.

Hà My - Xuân Quyết

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: bác sỹ thờ ơ