Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm cao và có tốc độ lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Cúm A lây lan qua đường giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh có thể mắc bệnh khi tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng, chạm vào mắt,...
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công, trong đó có vi rút cúm A do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Nhất là trong thời điểm hiện nay, trẻ nhỏ đi học tiếp xúc nơi đông người, cộng với thời tiết thay đổi thất thường, sẽ tăng nguy cơ bùng phát dịch cúm A.
Tại bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 đã ghi nhận tỷ lệ trẻ tới khám và điều trị cúm A gia tăng trong thời gian gần đây. TS.BS Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi - Bệnh viện TWQĐ 108 thông tin rằng: “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhận trẻ mắc cúm A tới khám, trong số đó, chiếm tỷ lệ khoảng 1/10 trẻ phải nhập viện do sốt cao liên tục hoặc viêm phổi.”
Bé N.T.V (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được chẩn đoán mắc cúm A, có biểu hiện sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ trong 3 ngày, buồn nôn, ho nhẹ,... Sau khi được các bác sĩ điều trị kịp thời, các triệu chứng đã thuyên giảm dần, tuy nhiên gia đình vẫn không khỏi lo lắng về sức khỏe của con.
“Cháu còn nhỏ nên sức đề kháng hô hấp rất yếu, nay còn bị mắc cúm A nên sức khỏe càng giảm sút hơn. Tuy hàng ngày, ba mẹ có chú ý tới dinh dưỡng và có bổ sung đầy đủ vitamin, nhưng vẫn lo lắng con sẽ bị biến chứng sau cúm. Vì vậy, nên gia đình đang cố gắng chú ý tới biện pháp tăng đề kháng hô hấp và chăm sóc con theo khuyến cáo của chuyên gia để con khỏe mạnh hơn”, mẹ cháu N.T.V cho biết.
Theo các chuyên gia, hệ miễn dịch có vai trò quan trọng, là yếu tố chống lại các tác nhân ngoại lai xâm nhập vào cơ thể. Nhất là đối với trẻ em, sức đề kháng giống như lá chắn bảo vệ trẻ trước các vi rút và vi khuẩn gây bệnh. Nếu sức đề kháng hô hấp của trẻ yếu thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, trong đó có cúm A.
Hệ hô hấp ở trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện cũng là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh cúm A dễ dàng tiến vào cơ thể và gây viêm nhiễm. Thêm vào đó, sức đề kháng của trẻ còn non nớt khiến trẻ dễ lây nhiễm cúm A, nhất là trong môi trường tập trung đông người như trường học, khu chợ, công viên,... Chính vì vậy, tăng cường sức đề kháng là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa và phòng tránh biến chứng do cúm A gây nên.
TS.BS Phạm Thị Thuận cho biết một số biến chứng có thể xảy ra do bệnh cúm A ở trẻ gồm: suy hô hấp do viêm phổi nặng, viêm não, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển sau này của bản thân đứa trẻ.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp cho trẻ, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm do cúm A, bác sĩ lưu ý về các biện pháp phòng bệnh chung: Vệ sinh mũi, họng, răng miệng,... cho con hàng ngày; chú ý rửa tay cho trẻ bằng xà phòng có tính diệt khuẩn sau khi đi ra ngoài về và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang bị cúm, nếu trong gia đình có người mắc cúm thì cần cách ly ngay. Bậc cha mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine cúm mùa hàng năm theo quy định. Bổ sung cho trẻ đủ chất dinh dưỡng như chất khoáng, vitamin,... giúp tăng đề kháng cho trẻ.
Bên cạnh đó, do cúm A hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, theo bác sĩ khi phát hiện trẻ mắc cúm A, trước tiên, cần nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên. Nếu cúm A có biến chứng: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Còn trong trường hợp cúm chưa biến chứng: Có thể không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Chủ yếu điều trị triệu chứng: hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý,…
Các chuyên gia khuyên rằng, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh nói chung, trẻ có thể sử dụng ly giải vi khuẩn như một loại vắc xin đường uống. Đó là các mảnh vỡ tế bào vi khuẩn thường gây bệnh hô hấp đã được bất hoạt. Nhờ đó, giúp hỗ trợ kích thích hệ thống miễn dịch đặc hiệu, tạo kháng thể phòng chống các tác nhân có thể gây ra các bệnh về hô hấp, phòng ngừa di chứng của cảm lạnh và cúm.
Bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên quan tâm và thực hiện đầy đủ việc tiêm chủng phòng ngừa và xây dựng đề kháng khỏe mạnh cho trẻ để phòng cúm A hiệu quả. Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi sát những dấu hiệu của con như sốt cao liên tục không hạ, khó thở, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, co giật hoặc lơ mơ… Những trường hợp này cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay để tránh các biến chứng nặng của bệnh như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng.