Trước hoạt động tuần tra của một tàu chiến Mỹ ở Biển Đông hôm 21/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hậm hực chỉ trích đây là hành động "phi pháp" và "khiêu khích". Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định đây là hoạt động "thường xuyên, hợp pháp".
Giới chức Mỹ khẳng định USS Decatur chỉ hoạt động ở vùng biển quốc tế. Ảnh: US Navy |
Trên Reuters dẫn nguồn tin từ một thông cáo trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nội dung thông cáo cho hay 2 tàu chiến của nước này là Quảng Châu và Lạc Dương đã cảnh báo tàu chiến của Mỹ rời khỏi khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 13/5, Hải quân Mỹ thông báo tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth đã tới Philippines sau chuyến tuần tra trên Biển Đông kéo dài 1 tuần. Trong nhiệm vụ này, chiến hạm lớp Freedom của Mỹ đã tới gần các khu vực Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: US Navy |
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, cơ quan trên cáo buộc trắng trợn rằng Mỹ đã điều tàu vào "lãnh hải Trung Quốc", cho rằng đây là "hành động phi pháp và mang tính khiêu khích có chủ định". Bắc Kinh tố Washington muốn "nhìn thế giới hỗn loạn", "gây rối sự ổn định ở Biển Đông".
Để đáp trả hành động này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay đã có công hàm phản đối với phía Mỹ, đồng thời khẳng định quân đội nước này sẽ tăng cường các cuộc tuần tra trên không và trên biển, cũng như củng cố năng lực quân sự ở mọi khu vực.
Trước cáo buộc của phía Trung Quốc, giới chức quốc phòng Mỹ hôm qua cũng ra thông báo, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur đã tiến sát 2 đảo Tri Tôn và Phú Lâm của Hoàng Sa nhưng không đi vào vùng 12 hải lý của đảo. Họ cho hay Trung Quốc đã cử các tàu theo dõi tàu Mỹ nhưng mọi tương tác giữa 2 bên đều diễn ra an toàn.
Hoạt động "thường xuyên, hợp pháp"
Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố việc di chuyển qua khu vực trên của tàu USS Decatur là một hoạt động "thường xuyên, hợp pháp". Đây là lần thứ tư nước này điều tàu đến Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong năm qua và là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5. Trong ba lần trước, các tàu chiến Mỹ đều đi vào khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo và khiến Trung Quốc tức giận.
Trước việc Trung Quốc ngang nhiên áp đặt chủ quyền với hầu hết lãnh thổ Biển Đông bằng yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài ở Hà Lan hồi tháng 7.
Mỹ chỉ trích hoạt động củng cố các cơ sở quân sự trái phép của Trung Quốc ở vùng biển này và bày tỏ lo ngại rằng chúng có thể hạn chế hoạt động tự do hàng hải.
Đức Hòa (tổng hợp)