Nhiều người tự hỏi rằng, liệu những chi tiết bạo lực, đánh nhau ở trong chuyện Thạch Sanh mà trẻ con đọc được thì xã hội sẽ đi về đâu, khi cái xấu, cái phản cảm xuất hiện công khai?
Truyện cổ tích luôn là mảng truyện có thế mạnh truyền cho thế hệ thiếu nhi những bài học về đạo đức, đối xử đúng mực giữa con người với nhau trong xã hội. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, nhiều phụ huynh xôn xao trước câu chuyện cổ tích Thạch Sanh của nhà xuất bản Kim Đồng với những chi tiết gây “sốc” như cảnh bạo lực, đánh nhau hay chi tiết Thạch Sanh cởi truồng đứng bên cạnh mẹ sắp từ trần...
Nhiều người tự hỏi rằng, liệu những chi tiết “rất đời” ấy mà trẻ con đọc được thì xã hội sẽ đi về đâu, khi cái xấu, cái phản cảm xuất hiện công khai và nhan nhản trên kệ sách một nhà xuất bản uy tín như Kim Đồng?
Con không muốn như... Thạch Sanh
Thời gian gần đây, việc một số nhà xuất bản (NXB) bị “tuýt còi” vì xuất bản sai lệch nội dung, gây tác động không tốt đến nhiều thế hệ độc giả khá nhiều. Những tưởng rằng, sau những xử lý, chấn chỉnh ấy, các nhà xuất bản sẽ thận trọng hơn khi đưa những tác phẩm tiếp theo ra thị trường. Tuy nhiên, gần đây, nhiều độc giả phản ánh rằng, bộ truyện cổ tích mà NXB Kim Đồng phát hành có nhiều chi tiết không đúng, thậm chí sự hư cấu ấy cũng làm người lớn giật mình và không tin vào mắt mình.
Theo phản ánh của một độc giả trên phố Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội, mới đây, chị mua cho cô con gái cuốn truyện cổ tích có tên Truyện cổ tích Việt Nam. Đây là tập 1 trong bộ sách xuất bản từ tháng 10/2014. Theo đó, khi mua sách về đọc, chị cảm thấy khá yên tâm vì là sách của NXB uy tín như Kim Đồng.
Trang sách có tình tiết phản cảm
Thế nhưng trong một lần trò chuyện, con gái chị nói rằng: “Con không muốn “cởi truồng” như... Thạch Sanh trong truyện cổ tích đâu mẹ ạ...”, khiến cho cả ông bà và bố mẹ “tá hỏa”, vội vàng kiểm tra nội dung cuốn truyện. Sau khi lần giở các trang nội dung trong quyển sách, chị phát hiện ra rằng, nhiều chi tiết trong sách dành cho thiếu nhi này sai lệch, thậm chí khá phản cảm.
Cụ thể, trong truyện Thạch Sanh, tại trang 39 - 40, có chi tiết mẹ Thạch Sanh trước khi qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng. Độc giả cho rằng, đây là một chi tiết “lạ”. Hơn thế, việc mô tả mẹ con Thạch Sanh nhường quần cho nhau là “không đúng mực”.
Sách kể: “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm”, nói rồi, bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con. “Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc”, rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xẻ một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.
Trang sách có chi tiết phản cảm
Hơn thế nữa, khi tìm hiểu vào các trang sau, nhiều phụ huynh cũng phát hiện ra rằng, một số chi tiết cũng được NXB thêm thắt vào cho thêm phần kịch tính nhưng rất bạo lực và phản cảm khi có đoạn tả Thạch Sanh đi giết chằn tinh cứu công chúa: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”. Đoạn viết này đã gặp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh, bởi đó là những câu văn không phù hợp với thiếu nhi, thậm chí nếu đọc nhiều, trẻ em sẽ bị kích động, hình thành nhân cách không tốt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuốn Truyện cổ tích Việt Nam do nhóm 6 tác giả biên soạn gồm Trần Đình Nam (chủ biên), Lê Thanh Nga, Nguyễn Hường Lý, Nguyễn Thị Huế, Bùi Thị Thiên Thai, Nguyễn Huy Bỉnh. Sách gồm 66 truyện cổ tích, đều là những truyện quen thuộc như Thạch Sanh, Sọ Dừa, Nàng Tô Thị... Nhà văn Ngô Cương cho biết: “Tôi cũng từng tham gia vào việc biên soạn truyện cổ tích cho các em và cũng thấy rằng, việc kiểm soát câu văn, hình ảnh cho sách thiếu nhi là rất cần thiết, vì thế, việc đưa những chi tiết phản cảm như trên là không hợp lý...”.
Đây là một dị bản truyện Thạch Sanh?
Có cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (giảng viên khoa Văn học Dân gian - đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Cách kể vô hồn như vậy không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi, gây tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của nhóm đối tượng độc giả này. Cũng như nhiều thể loại văn học dân gian khác, trong quá trình tồn tại, truyện cổ tích được lưu truyền với nhiều dị bản khác nhau. Việc in lại câu chuyện cổ tích Thạch Sanh với chi tiết nhường nhau y phục của mẹ con Thạch Sanh là một sự vụng về; từ đó dẫn tới sự yếu kém trong chất lượng nội dung biên soạn”.
Lý giải kỹ hơn, ông Vỹ cho biết: “Việc nhường y phục cho người khác (cho con, cho bạn...) là một mô típ sẵn có trong kho tàng truyện kể dân gian và người kể truyền miệng có thể dùng. Câu chuyện Chử Cù Vân nhường y phục cho con trai Chử Đồng Tử vốn đã nằm sẵn trong tâm thức dân gian. Tuy nhiên, việc ghép mô típ này vào đây là không phù hợp. Với những tích truyện dân gian, việc trao đổi y phục giữa những người đồng giới là bình thường, nhưng sự trao đổi khác giới lại là mẹ - con như cách kể ở đây là một điều rất vụng về. Khi in thành sách, những người thực hiện cần tránh điều này”.
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên lạc với NXB Kim Đồng, chị Phùng Hà – đại diện truyền thông NXB cho biết: “Truyện cổ tích vốn có nhiều dị bản khác nhau. Truyện Thạch Sanh ở đây cũng là một dị bản được sưu tầm chứ không phải do nhóm biên soạn sáng tác ra. Khi làm bộ sách này, biên tập viên NXB cũng đã cân nhắc và chỉnh sửa khá kỹ càng. Nhưng cách nhìn của mỗi thời đại về truyện cổ tích cũng có sự thay đổi. Khi độc giả có những ý kiến như vậy về sách của chúng tôi, NXB đều tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa khi tái bản để phù hợp với quan niệm thẩm mỹ và cách dùng từ ngữ của thời hiện đại. Những từ ngữ khiến độc giả có cảm giác là hơi bạo lực, chúng tôi sẽ xem xét loại bỏ”.
Chị Phùng Hà cho biết thêm: “Trường hợp truyện Tấm Cám như một truyện cổ tích có nhiều dị bản, trong đó có những tình tiết nhuốm màu bạo lực và kinh dị. Truyện cổ tích và truyện dân gian nói chung đều có những yếu tố hoang dã và thô sơ. Nhưng khi in thành sách, người làm sách đều chọn lọc những dị bản ổn nhất và đều được biên tập về ngôn ngữ. Nhưng từ một văn bản thô sơ được mài giũa, khó tránh khỏi những chi tiết còn gồ ghề...”. Mặc dù vậy, NXB chưa thể trả lời về xuất xứ cụ thể của dị bản này vì chưa liên hệ được với người trực tiếp biên soạn sách.
Nhà Văn Ngô Cường tâm sự thêm: “Dù biết là truyện cổ tích có nhiều dị bản nhưng nhóm biên tập nên chọn cách kể truyện phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Hơn nữa, việc đưa các chi tiết như Thạch Sanh “cởi truồng” ở bên mẹ lúc hấp hối, cảnh đánh nhau bạo lực như truyện tranh hiện đại không có tác dụng giáo dục các em nhỏ mà ngược lại, nó làm cho các em hiểu sai về lịch sử, truyền thống của dân tộc ta. Dị bản truyện cổ tích như vậy là trái với thuần phong mỹ tục, văn hoá của Việt Nam. Hiện nay, nhiều người nói đến việc giới trẻ sống “nhạt” nhưng lại gia tăng việc bạo lực, đánh nhau. Nếu cứ xuất bản những cuốn sách như vậy, cũng khó trách giới trẻ, bởi truyện cổ tích “gây sốc” như trên thì không làm cho trẻ em ngoan lên được...”.
Yêu cầu NXB Kim Đồng báo cáo về cuốn sách trước ngày 2/4 Giáo dục trẻ em cần làm từ gốc... |
Lạc Thành