Sự việc Giang Kim Đạt chiếm đoạt gần 19 triệu USD, sau đó “chuyển dịch” cho người thân, thậm chí tẩu tán ra nước ngoài… đặt ra vấn đề khá nhức nhối.
Vấn đề thu hồi tài sản trong những vụ án tham nhũng, báo ĐS&PL đã nhiều lần phản ánh và đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thi hành án Dân sự (bộ Tư pháp) cũng đã có văn bản trả lời các nội dung báo nêu. Sự việc Giang Kim Đạt chiếm đoạt gần 19 triệu USD, sau đó “chuyển dịch” cho người thân, thậm chí tẩu tán ra nước ngoài… đặt ra vấn đề khá nhức nhối trong cuộc chiến chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia đề xuất trang bị cho cơ quan chức năng quyền phong tỏa tài sản của người thân “quan tham”, đồng thời nghiên cứu cho phép Cơ quan điều tra thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt nhằm ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tẩu tán tài sản. PV báo ĐS&PL đã ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh đề xuất đột phá đang được xem là một “bức tường lửa” ngăn chặn việc tẩu tán tài sản do tham nhũng mà có…
Căn biệt thự nơi gia đình ông Hiển, cha đẻ của Giang Kim Đạt sinh sống được giới đầu tư cho biết có giá khoảng 30 tỉ đồng (ảnh Tiền Phong). |
Thủ đoạn của các “quan tham”
Vụ bắt giữ Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh công ty Vinashinlines) là một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng chức năng thời gian qua. Việc Đạt sa lưới pháp luật đã tạm khép lại hành trình truy nã kéo dài gần 2.000 ngày của lực lượng Công an Việt Nam, nhưng cũng mở ra nhiều vấn đề liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng. Trong số gần 19 triệu USD bị Đạt chiếm đoạt, gã đã tẩu tán không ít cho người thân và “tuồn” ra nước ngoài khiến việc đấu tranh và thu hồi của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sau khi Đạt bỏ trốn, nhiều biện pháp nghiệp vụ đã được áp dụng. Trong đó, việc “ngắm” vào những khối tài sản có dấu hiệu bất minh của người thân gã là một yêu cầu trọng tâm. Đạt cũng đã lường các yếu tố mà CQĐT có thể “sờ” tới nên ngay từ đầu, việc đứng tên tài sản và chuyển tiền đều được đối tượng thực hiện rất kín kẽ. Đạt không tự đứng ra mở tài khoản nhận tiền mà thông qua người thân trong gia đình (ông Giang Văn Hiển – bố Đạt) thực hiện mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Để che mắt các cơ quan chức năng, Đạt còn dựng lên cả một kịch bản với quy trình khép kín trong việc tẩu tán tài sản. Khi tiền đã về tài khoản, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang các sổ tiết kiệm đứng tên người thân. Chưa hết, một lượng tiền không nhỏ được Giang Kim Đạt “tuồn” ra nước ngoài. Gã mua một căn hộ cao cấp với giá 3,6 triệu USD tại Singapore, sống sung túc tại đây trong thời gian trốn nã.
Qua rà soát, Ban chuyên án phát hiện tổng cộng có 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí vàng trên khắp cả nước cùng nhiều xe ô tô đắt tiền. Những giao dịch chuyển tiền từ Đạt về cho bố đẻ đều được CQĐT đưa vào tầm ngắm và phát hiện số tiền giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD tại các ngân hàng trong và ngoài nước.
Dịch chuyển, tẩu tán tài sản luôn là thủ đoạn tinh vi được các “quan tham” áp dụng để qua mặt các cơ quan chức năng. Chính điều này đã khiến việc thu hồi tài sản đối với các quan chức phạm tội trở nên dai dẳng và phức tạp. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc cơ quan chức năng không tiến hành phong tỏa tài sản đã gây khó khăn trong việc thi hành án. Vấn đề này từng được báo ĐS&PL đề cập cách đây ít lâu trong bài viết “Lỗ hổng pháp lý và ẩn số dịch chuyển tài sản” liên quan đến việc thi hành án đối với cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình.
Phản hồi tới báo ĐS&PL sau bài báo trên, đại diện Tổng cục THADS (bộ Tư pháp) cho biết, ngoài những vướng mắc khác, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án khó khăn là do theo quyết định của bản án, cơ quan chức năng đã không phong tỏa và kê biên bất cứ tài sản nào của ông Phạm Thanh Bình để đảm bảo thi hành án.
Trong đại án xảy ra tại Vinashin, dù dư luận râm ran về những khối tài sản khổng lồ của ông Bình gồm nhiều bất động sản tại Hà Nội, Hải Phòng nhưng thực tế xác minh lại cho thấy số tài sản vô cùng ít ỏi. Dư luận đặt câu hỏi, với một “quan tham” cỡ “bự” như ông Bình, chẳng lẽ tài sản chỉ có duy nhất một căn hộ?
Làm gì để ngăn chặn?
Việc các “quan tham” chuyển dịch, tẩu tán tài sản đã không còn là chuyện hiếm hiện nay. Trong không ít vụ án, đối tượng tham nhũng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ... Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều.
Dư luận hẳn chưa quên một tình tiết rất đáng chú ý trong đại án Huỳnh Thị Huyền Như. Tại công đường phiên xử phúc thẩm, “siêu lừa” này đã gây bất ngờ khi kháng cáo đòi lại biệt thự trị giá 43 tỉ đồng tại Hội An (Quảng Nam) cho mẹ của mình – bà Nguyễn Thị Lang. Tuy nhiên, ý định này đã bị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa bác bỏ.
Một đại án tham nhũng khác mà kẻ cầm đầu là Dương Chí Dũng – cựu Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam. Thiệt hại trong vụ án được xác định gần 367 tỉ đồng. Theo bản án phúc thẩm, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc phải nộp khoản tiền đền bù thiệt hại là 110 tỉ đồng. Trước đó, Cơ quan điều tra có kê biên 3 ngôi nhà của Dương Chí Dũng ở phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội); căn hộ ở tháp B của tòa nhà Sky City số 88 Láng Hạ (quận Đống Đa) và căn hộ ở tòa nhà Pacific số 83 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Còn Mai Văn Phúc bị kê biên ngôi nhà ở đường Lê Quý Đôn (TP.Hạ Long, Quảng Ninh)... Như vậy, số tài sản thu hồi của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc là quá nhỏ so với số tiền mỗi người phải thi hành án là 110 tỉ đồng. Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc “quan tham” đã tẩu tán nhiều tài sản trước khi sa lưới pháp luật.
Nhìn nhận về thực tế nhức nhối này, TS. Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nhấn mạnh, trong một số vụ án tham nhũng, nhiều tài sản do đối tượng chiếm đoạt đã được chuyển hóa thành tài sản của người thân và chuyển dịch ra nước ngoài. Khi phát hiện ra dấu hiệu của đối tượng tham nhũng, Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, bắt tạm giam thì tài sản đã bị chuyển hóa, bốc hơi, không thể thu hồi được. Từ thực tế đó, TS. Thảo đề xuất cần bổ sung quy định cho phép cơ quan chức năng được quyền phong tỏa tài khoản của người thân đối tượng có dấu hiệu tham nhũng trong thời gian nhất định.
Đề xuất của TS. Đinh Xuân Thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tán đồng của giới chuyên gia. Khi được PV tham vấn, các chuyên gia chỉ rõ, do chúng ta chưa có luật Kiểm kê tài sản như nước ngoài, nên xác định đâu là tài sản của cá nhân người vi phạm, đâu là tài sản của gia đình còn nhiều khó khăn. Khi phát hiện hành vi tham nhũng, Cơ quan điều tra nhập cuộc thì tài sản đã bị tẩu tán hết. Thế nên, song song với các nghiệp vụ điều tra, việc niêm phong tài sản người thân của “quan tham” là vô cùng cần thiết, góp phần quan trọng để thu hồi tài sản sau này.
Bản án nghiêm khắc và những khối tài sản... bốc hơi
Trong đại án tham nhũng tại công ty Cho thuê tài chính II, Vũ Quốc Hảo – nguyên Tổng Giám đốc công ty Cho thuê tài chính II bị tuyên án tử hình. Tổng giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Vũ Quốc Hảo và 10 đồng phạm gây ra trong vụ án này là 531,8 tỉ đồng, trong đó tham ô 79,9 tỉ đồng, lừa đảo 60,9 tỉ đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại 3,9 tỉ đồng. Dù thiệt hại vô cùng lớn nhưng Cơ quan điều tra chỉ mới thu hồi 5,8 tỉ đồng cùng 4 căn nhà và 1 thửa đất.
Một trường hợp khác, vụ án ở ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Nông, bị cáo Vũ Việt Hùng - nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Đắk Lắk, Đắk Nông cùng đồng phạm đã có hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với số tiền thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Tại phiên xử phúc thẩm, Vũ Việt Hùng bị tuyên án tử hình. Trong vụ án này, tài sản tịch thu là chiếc xe ô tô BMW X6 do Hùng nhận hối lộ, 6 căn nhà tại Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương và TP.HCM.
Tẩu tán tài sản – thủ đoạn phổ biến của “quan tham”
Trả lời câu hỏi của báo giới về dấu hiệu chuyển hóa cho người thân đứng tên gây khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng, ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: “Đây là thủ đoạn tương đối phổ biến của những người tham nhũng. Họ không dại gì mà trực tiếp tham gia hay đứng tên các giao dịch, tài sản. Nếu đứng tên mình thì lộ liễu quá, người ta sẽ đặt dấu hỏi ngay rằng: Với thu nhập chính thức thì anh lấy đâu ra để mua khối tài sản đó? Cho nên việc đứng tên người thân, người quen, hay tẩu tán nó, biến hóa tài sản dưới nhiều hình thức khác nhau, về mặt chủ quan, chúng ta đều cảm nhận được điều đó. Tuy nhiên, để kết luận rằng, nó có đúng là tài sản được hình thành từ nguồn tài sản tham nhũng không thì phải trải qua quy trình pháp lý rất chặt chẽ. Chúng ta muốn chống tham nhũng quyết liệt, nhưng chúng ta cũng phải thận trọng, không để xảy ra oan sai”.
Theo Đỗ Thơm - Anh Đức (Báo Đời sống pháp luật)