2 trung tâm tiếp nhận người nghiện ma túy để cắt cơn, giải độc tạm thời và10 trung tâm cai nghiện bắt buộc của TP đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận người nghiện không nơi cư trú.
Theo Tuổi trẻ đưa tin, các trung tâm tập trung sửa chữa hạ tầng, củng cố bộ máy nhân sự; phía tòa án cũng đã sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ông Trần Hữu Thám - phó giám đốc Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (H.Hóc Môn)- cho biết: “Chúng tôi đang nhanh chóng củng cố nhân sự gồm đội ngũ cán bộ quản lý, y bác sĩ, bộ máy liên quan... và xây dựng các phương án tiếp nhận đối tượng cai nghiện cho phù hợp”.
Trước đây, thời gian cao điểm trung tâm này tiếp nhận đến 2.700 học viên nên nếu số lượng đông thì trung tâm vẫn xử lý tốt, theo ông Thám. Trung tâm cũng chuẩn bị hai phòng làm việc cho cơ quan chức năng và tòa án.
Chuẩn bị hoàn thiện cơ sở vật chất tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (TP.HCM)
Trung tâm Nhị Xuân dự kiến dành ra ba đội, mỗi đội diện tích bình quân 3.000m² gồm các phòng ở, sinh hoạt, giải trí... cho học viên cắt cơn.
Ông Nguyễn Hữu Quyền, đội trưởng đội quản lý học viên số 2 - một trong ba đội sẽ chuyển qua tiếp nhận học viên cắt cơn, nhìn nhận: việc quản lý các học viên cai nghiện hai năm ở đây dĩ nhiên có nhiều khác biệt so với tiếp nhận người đến cắt cơn chỉ mười mấy ngày.
“Cắt cơn là khâu đầu tiên của quá trình cai nghiện lâu dài, học viên sẽ có sự thay đổi tâm lý, môi trường sống nên việc quản lý họ cũng khó khăn hơn” - ông nói.
Nhân sự y tế hiện nay của trung tâm là 21 người, trong đó có 4 bác sĩ.
Bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến, trưởng phòng y tế của trung tâm, cho biết: “Bộ phận y tế của trung tâm đáp ứng tốt nhu cầu cắt cơn, cai nghiện, có các phòng cấp cứu, phòng chuyên môn, phòng nha, phòng mátxa... Trường hợp quá tải, chúng tôi sẽ đề xuất tăng cường nhân lực”.
Tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, việc sửa chữa, chỉnh trang phòng ốc cũng đang diễn ra khẩn trương.
Trọng tâm của việc sửa chữa này là tân trang dãy phòng chức năng, dành riêng một số phòng mới cho đại diện các ban ngành như tòa án, viện kiểm sát, tư pháp, công an... đến làm việc. Tại đây có thể cùng lúc tiếp nhận được 400-500 người.
Ông Lê Bá Hoàng, quyền giám đốc Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, cho biết: “Áp lực chắc chắn sẽ có do các đối tượng thời gian qua được sống tự do, nay bị đưa vào đây sẽ có thái độ chống đối, thách thức, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị cho những khó khăn này”.
Ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết cơ sở vật chất để quản lý, giúp đỡ, đào tạo, chăm lo cho người nghiện TP gồm có 14 trung tâm (10 trung tâm chữa bệnh bắt buộc và 4 trung tâm khác) được xây dựng tại một số tỉnh thành lân cận với sức chứa khoảng 33.000 người.
Theo Vũ Đậu tổng hợp (Người đưa tin)