Biết ơn là phẩm chất đáng quý của con người. Lòng biết ơn sẽ giúp trẻ dễ hòa nhập, gây dựng mối quan hệ với mọi người và cải thiện thành tích tốt trong học tập.
Margaret Cousins từng nói: “Khi tôi bắt đầu đếm những điều hạnh phúc mà mình có được, toàn bộ cuộc sống của tôi như tốt lên”. Các cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng người có lòng biết ơn luôn cảm thấy hạnh phúc và không dễ bị rơi vào tình trạng ưu phiền, trầm cảm. Ngoài ra kết quả nghiên cứu còn nhấn mạnh thành tích học tập của những bé có lòng biết ơn sẽ cao hơn với những đứa trẻ khác. Đó là một thái độ sống tích cực. Vì vậy việc cha mẹ hướng con cái đến tích cách đó ngay từ khi còn nhỏ là điều rất hữu ích.
Không nên cho trẻ “độc quyền” hưởng quá nhiều thứ
Những món đồ chơi trẻ thích nhất, những món ăn ngon nhất, những vật dụng tốt nhất hay những bộ quần áo đẹp nhất... là những thứ mà bố mẹ nào cũng muốn dành cho con cái. Một vấn đề là khi có được rất nhiều đồ chơi như vậy, chúng sẽ không biết trân trọng mọi thứ. Trẻ vì vậy sẽ tự mặc định rằng đó là những việc bố mẹ đương nhiên phải làm và khi không nhận được sẽ dễ bị tổn thương. Thay vì đáp ứng hết những món đồ chơi con thích, bạn nên hạn chế để dạy trẻ học cách trân trọng và hạnh phúc với thứ mình đang có.
Dạy trẻ lòng biết ơn là cách giúp cuộc sống của chúng trở nên hạnh phúc và tiến bộ hơn. |
Làm tấm gương tốt để trẻ noi theo
Nói năng lễ phép, cử chỉ đúng mực, dành món ăn ngon nhất cho người lớn tuổi trong nhà, dịp lễ tết tặng quà cho ông bà, bố mẹ và thường xuyên gọi điện thăm hỏi nếu ở xa… là những ví dụ điển hình và trực quan mà bạn có thể thực hiển con mình có thể học theo.
Trẻ con chịu ảnh hưởng đầu tiên và sâu sắc nhất từ bố mẹ của mình, vì vậy cách bạn tỏ lòng biết ơn với những người xung quanh là phương pháp hiệu quả hơn nhiều khi bạn chỉ rao giảng lý thuyết suông với trẻ.
Bạn đừng quên cư xử với chúng như một người bạn. Hãy để trẻ nghe được lời cảm ơn của bạn khi chúng làm tốt việc gì đó.
Vạch ra cho trẻ những yêu cầu
Ngay từ bây giờ bạn hãy nói với trẻ rằng: “hôm nay cả nhà ra ngoài để chơi, đi dạo và ăn cơm chứ không phải để mua đồ”. Không nên để cho trẻ có thói quen cứ ra ngoài là phải mua đồ, đòi gì được nấy. Hãy để trẻ hiểu rằng mọi thứ trên đời không phải muốn có là được, phải tùy lúc và phải cố gắng mới đạt được.
Chia sẻ khó khăn với trẻ
Để trẻ dần dần hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng mà luôn có thách thức và áp lực. Hãy coi và tôn trọng con như một người bạn để có thể chia sẻ không chỉ niềm vui, hạnh phúc mà còn chia sẻ cả sự khó khăn và những nỗi buồn. Như thế trẻ sẽ dần trưởng thành với thời gian, có suy nghĩ chín chắn và trở thành một con người tích cực, biết phấn đấu và có lòng biết ơn.
Dạy con làm việc nhà
Trẻ được nuông chiều sẽ không hiểu được sự hy sinh cha mẹ dành cho mình, không có lòng biết ơn công lao của cha mẹ. Mặt khác trẻ còn có thói quen ý lại, không có khả năng sống tự lập. Hãy để trẻ có cơ hội chia sẻ việc nhà với bạn, chúng sẽ hiểu được sự vất vả của cha mẹ và biết thông cảm hơn.
Thế giới này rất rộng lớn
Trẻ hiểu được thế giới rộng lớn như thế nào mới học được cách trân trọng những điều nhỏ nhất mình đang có. Từ đó trẻ sẽ hiểu được lòng biết ơn.
Theo Gia đình Việt Nam