Việc 6/7 thành viên HĐQT, bao gồm cả Chủ tịch, thôi nhiệm cùng với việc “chiếm lĩnh” chớp nhoáng của E.Land Asia Holdings không khỏi khiến các cổ đông và khách hàng của Savimex lo lắng.
“Thay máu” gần hết thành viên HĐQT
Sau khi 63,3% cổ phần của CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (Mã: SAV) được chuyển nhượng chỉ trong ít ngày, E.Land Asia Holdings (E.Land) đã chính thức “chiếm lĩnh” đơn vị này khi 2 đại diện của công ty đắc cử vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Savimex.
Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Savimex có lẽ là một cuộc ĐHCĐ có một không hai khi nguyên Chủ tịch Lê Minh Trang tuyên bố 1 thành viên HĐQT hết nhiệm kỳ và 5 thành viên HĐQT xin từ nhiệm, trong số đó có bà Trang.
Đại diện quỹ đầu tư bức xúc PXP bức xúc: “Tại sao 3 đơn vị cổ đông lớn đã bán cổ phiếu cho E.Land với giá ưu đãi mà không chào bán công khai? Ai đã tư vấn cho E.Land mua cổ phiếu của Savimex? Những cổ đông đã biểu quyết ủng hộ tờ trình về việc chấp thuận E.Land được sở hữu trên 25% cổ phiếu có quyền biểu quyết là ai?”
Người trả lời chất vấn này là ông Trần Như Tùng – đại diện của E.Land tại Savimex, người đã được bầu làm thành viên HĐQT Savimex ngày 21/4. Ông Tùng cho rằng cổ đông có quyền chuyển nhượng cổ phần theo Pháp luật Nhà nước quy định, tất cả mọi giao dịch vừa qua là hợp pháp và cũng được Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký xác nhận.
Về việc sở hữu 25% cổ phiếu có quyền biểu quyết, hiện E.Land mới sở hữu 24,33%. Ông Tùng cho hay, việc cổ đông có tán thành hay không thì sau khi tiến hành biểu quyết mới biết được. Còn việc ai tư vấn cho E.Land, E.Land sẽ không trả lời vì E.Land là nhà đầu tư, có những cam kết bảo mật thông tin riêng.
Về việc “thay máu” 6/7 thành viên HĐQT, ông Fukumura Masaya, đại diện Công ty Japan New Furniture (JNF) – khách hàng của Savimex tại thị trường Nhật Bản bày tỏ: “JNF cũng khá lo lắng khi HĐQT đã thay 6 trên tổng số 7 thành viên, vì vậy JNF mong rằng HĐQT mới cam kết phương hướng hợp tác với JNF…”.
Cuộc đổ bộ 4 ngày của nhà đầu tư ngoại
Không rõ E.Land đã “nhòm ngó” Savimex bao lâu, chỉ biết rằng cuộc đổ bộ của đơn vị này vào Savimex chính thức được biết đến vào ngày 21/4, khi 2 thành viên HĐQT Savimex từ nhiệm và 2 đại diện của đơn vị này thế chỗ.
Ngày 22/4, E.Land chính thức là cổ đông lớn của Savimex với số cổ phần sở hữu lên tới hơn 2,3 triệu, tương đương 24,33% cổ phần. Song song với thương vụ này là 2 thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông lớn khác, nâng tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 63,3% cổ phần. Việc chuyển nhượng này được bà Lê Minh Trang – thời điểm còn đương nhiệm chức Chủ tịch Savimex – gọi là “việc thoái vốn ngẫu nhiên trước Đại hội vài ngày”.
Ngày 25/4, tại ĐHCĐ của Savimex, bên cạnh các tờ trình về hoạt động kinh doanh, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân phối lợi nhuận, chia cổ tức…, còn có 4 nội dung đặc biệt dành riêng cho E.Land hoặc mang dáng dấp E.Land.
Các tờ trình này gồm: Tờ trình về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài E.Land nhận chuyển nhượng cổ phiếu để sở hữu trên 25% cổ phiếu có quyền biểu quyết của Savimex, tờ trình về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài tại Savimex được mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu tới mức tối đa theo pháp luật quy định, phần giới thiệu về E.Land Asia Holdings, và phần giới thiệu lý do E.Land quyết định đầu tư vào Savimex.
ĐHCĐ cũng bầu bổ sung 6 thành viên HĐQT, thay cho 6 thành viên vừa thôi nhiệm. Theo đó, điều kiện trúng cử là phải đạt tối thiểu 65% tổng số cổ phần hiện diện có quyền biểu quyết. Con số 65% cũng gần tương đồng với tổng số 63,3% số cổ phần được chuyển nhượng ngay trước thềm ĐHCĐ.
Chiều cùng ngày, 2 đại diện của E.Land tại Savimex là ông Kim Soung Gyu và ông Trần Như Tùng chính thức được bầu làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT của Savimex.
Cùng với kết quả bầu chọn này, E.Land cũng tuyên bố sẽ cung cấp một khoản vay lên tới 1,5 triệu USD cho Savimex. Lãi suất vay là0,5%/năm, thời hạn vay 1 năm. Khoản vay sẽ được giải ngân 3 lần, đợt giải ngân lần 1 là trong tháng 5/2014.
Trong một diễn biến mới đây, thành viên còn lại duy nhất của ban quản trị cũ – ông Bùi Ngọc Quới, hiện vẫn đảm đương cương vị thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Savimex, đã bán thành công 50.000 cổ phiếu công ty, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,41%.
Cổ phiếu SAV là cổ phiếu có biến động mạnh, có những phiên giao dịch giảm kịch sàn và rồi tăng kịch trần ngay trong phiên giao dịch kế tiếp. Tại thời điểm 9h40 sáng 5/5, SAV khớp lệnh ở mức giá 17.000 đồng/cổ phiếu, giảm 0,8 điểm so với mức giá mở cửa 17.800 đồng.
Kết thúc năm 2013, Savimex đạt doanh thu 589 tỷ đồng, đạt 81,1% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 4,2 tỷ đồng. Năm 2014, công ty đặt kế hoạch Doanh thu hơn 587 tỷ đồng, giảm một chút so với năm 2014. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận tăng, cụ thể lợi nhuận trước thuế kế hoạch là hơn 9,1 tỷ đồng, tăng 57%, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 7,1 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2014.
Theo Seatime