Những ngày trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường ĐH đã công bố phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh 2016.
ĐH Hải Phòng xét tuyển theo 2 phương thức
Chiều 5/2, Trường ĐH Hải Phòng đã công bố phương thức xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành dự kiến năm 2016.Theo đó, nhà trường thực hiện đồng thời hai phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia: thí sinh đã tham gia kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường ĐH chủ trì, đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và đạt ngưỡng chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT tạo quy định. Chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này chiếm tối thiểu 60% chỉ tiêu công bố.
Phương thức 2: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập năm lớp 12 trong học bạ THPT: ngưỡng điểm tối thiểu để tham dự xét tuyển là điểm trung bình chung học tập năm lớp 12 phải từ 6,0 trở lên đối với trình độ ĐH và 5,5 đối với trình độ CĐ. Các ngành sư phạm (trừ ngành D140206) không xét tuyển theo phương thức này. Chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này không vượt quá 40% chỉ tiêu công bố.
Nhà trường tuyển sinh cả nước. Riêng đối với ngành Sư phạm chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng. Hộ khẩu thường trú phải được đăng ký trước ngày dự thi THPT quốc gia.
Điểm xét tuyển:
Mỗi ngành có tối đa bốn tổ hợp môn xét tuyển. Mỗi tổ hợp gồm ba môn. Điểm từng môn là điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia (nếu xét tuyển theo phương thức 1) hoặc là điểm tổng kết môn học năm lớp 12 (nếu xét tuyển theo phương thức 2).
Điểm xét tuyển là tổng số điểm của ba môn (đã tính hệ số) cộng với điểm ưu tiên và khuyến khích (nếu có). Môn nhân hệ số 2 là môn được in đậm trong tổ hợp môn xét tuyển.
Môn thi Năng khiếu của ngành Giáo dục Mầm non: Hát, Kể chuyện, Đọc diễn cảm.
Môn thi Năng khiếu TDTT của ngành Giáo dục Thể chất: Bật cao tại chỗ, Chạy 100m. Thí sinh phải có ngoại hình cân đối, nam cao 1,65m, nặng 45kg; nữ cao 1,55m, nặng 40kg trở lên.
Môn thi Năng khiếu của ngành Kiến trúc: Vẽ mỹ thuật (Vẽ tĩnh vật).
Thí sinh đăng ký dự thi môn Năng khiếu tại Trường ĐH Hải Phòng từ ngày 1-5 đến ngày 30-6-2016. Hồ sơ gồm có: 1) Phiếu đăng ký dự thi môn năng khiếu (theo mẫu), 2) 03 ảnh 4×6.
Đăng ký xét tuyển với 2 hình thức: nộp hồ sơ hoặc đăng ký trực tuyến
Nộp hồ sơ: thí sinh nộp trực tiếp tại trường hoặc gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện, hồ sơ gồm: phiếu đăng ký xét tuyển (theo mẫu); giấy chứng nhận kết quả thi kỳ thi THPT quốc gia (bản chính); một phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ nhận Giấy báo trúng tuyển và số điện thoại liên hệ.
Đối với thí sinh xét tuyển theo phương thức 2 phải nộp thêm học bạ THPT (bản photo kèm theo bản chính để đối chiếu).
Địa điểm nộp hồ sơ: Văn phòng tuyển sinh – Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng – trường Đại học Hải Phòng, số 171 Phan Đăng Lưu, Kiến An, Hải Phòng hoặc số 2 Nguyễn Bình, Ngô Quyền, Hải Phòng.
Đăng ký trực tuyến: thí sinh đăng nhập vào nộp phí vào tài khoản tại Cổng thông tin điện tử Trường ĐH Hải Phòng. Thí sinh phải khai báo trung thực mọi thông tin trong hồ sơ xét tuyển.
Thí sinh chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức đăng ký xét tuyển (nộp hồ sơ hoặc đăng ký trực tuyến). Các hình thức đăng ký xét tuyển đều có giá trị như nhau.
Các chuyên ngành
Ngành Việt Nam học gồm các chuyên ngành: Văn hóa Du lịch, Quản trị Du lịch, Hướng dẫn Du lịch.
Ngành Kinh tế gồm các chuyên ngành: Kinh tế Vận tải và dịch vụ, Kinh tế ngoại thương, Kinh tế Xây dựng, Quản lý Kinh tế.
Ngành Quản trị kinh doanh gồm các chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh, Quản trị Tài chính Kế toán, Quản trị Marketing.
Ngành Tài chính – ngân hàng gồm các chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng; Tài chính – Bảo hiểm; Thẩm định giá.
Ngành Kế toán gồm các chuyên ngành: Kế toán doanh nghiệp, Kế toán kiểm toán.
Ngành Sinh học đào tạo các chuyên ngành: Đa dạng sinh học và phát triển bền vững, Sinh học biển.
Ngành Công nghệ sinh học đào tạo chuyên ngành: Cử nhân Công nghệ sinh học.
Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng đào tạo chuyên ngành: Kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Ngành Công nghệ chế tạo máy đào tạo chuyên ngành: Kỹ sư cơ khí chế tạo.
Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, Điện tử đào tạo chuyên ngành: Kỹ sư điện công nghiệp và dân dụng.
Ngành Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa đào tạo chuyên ngành: Kỹ sư Điện tự động Công nghiệp, Kỹ sư Tự động hệ thống điện.
Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học đào tạo chuyên ngành: Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ Silicat.
Ngành Khoa học cây trồng đào tạo chuyên ngành: Kỹ sư nông học.
Ngành Nuôi trồng thủy sản đào tạo chuyên ngành: Kỹ sư Nuôi trồng thủy sản.
Ngành Chăn nuôi đào tạo chuyên ngành: Kỹ sư Chăn nuôi.
ĐH Đà Nẵng
Sáng 5/2, ĐH Đà Nẵng đã công bố phương án xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2016 của các trường thành viên và đơn vị trực thuộc.ĐH Đà Nẵng tổ chức một Hội đồng tuyển sinh chung cho các cơ sở giáo dục ĐH thành viên và các đơn vị đào tạo trực thuộc Trường ĐH Bách khoa (DDK), Trường ĐH Kinh tế (DDQ), Trường ĐH Ngoại ngữ (DDF), Trường ĐH Sư phạm (DDS), Trường CĐ Công nghệ (DDC), Trường CĐ Công nghệ thông tin (DDI), Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum (DDP), Khoa Y Dược (DDY), Viện nghiên cứu & đào tạo Việt - Anh (DDV).
Năm 2016, ĐH Đà Nẵng tuyển sinh trong cả nước sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 của ĐH Đà Nẵng: bậc ĐH chính quy: 10.925 chỉ tiêu; liên thông ĐH: 515; văn bằng 2 ĐH chính quy :10; bậc CĐ chính quy: 2.900; liên thông CĐ: 250.
1.Trường ĐH Bách khoa
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước, dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, riêng ngành Kiến trúc có môn Vẽ mỹ thuật thi theo đề thi của ĐH Đà Nẵng. Ngoài 2.840 chỉ tiêu ĐH chính quy, trường còn có 300 chỉ tiêu dành cho liên thông từ CĐ lên ĐH hệ chính quy và 10 chỉ tiêu bằng 2 chính quy.
Các chuyên ngành đào tạo chất lượng cao (5 ngành): Công nghệ thông tin; Công nghệ thông tin (chuẩn Nhật Bản); Kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; thuật xây dựng công trình giao thông; ngành Kiến trúc: Môn Vẽ mỹ thuật do Đại học Đà Nẵng tổ chức thi. Các môn khác lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
2.Trường ĐH Kinh tế
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước, xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Trong tổng số 3.365 chỉ tiêu có 165 chỉ tiêu liên thông từ CĐ lên ĐH chính quy. Xét trúng tuyển theo ngành, thí sinh trúng tuyển ngành sẽ được chọn học bất kỳ chuyên ngành thuộc ngành đã đăng ký.
3. Trường ĐH Ngoại ngữ
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước, dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Điểm xét trúng tuyển theo ngành. Môn xét tuyển chính: Ngoại ngữ hệ số 2.
4.Trường ĐH Sư phạm
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước. Điểm xét trúng tuyển theo ngành. Phương thức tuyển sinh: theo hai hình thức. Nhà trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tuyển sinh riêng (xem thông tin trong đề án tuyển sinh riêng của ĐH Đà Nẵng): ngành Giáo dục mầm non; ngành Sư phạm âm nhạc (môn năng khiếu do ĐH Đà Nẵng ra đề và tổ chức thi)
Ngưỡng đảm bảo chất lượng của trường theo quy chế tuyển sinh hiện hành và quy định của ĐH Đà Nẵng. Học phí: theo số tín chỉ thực học/học kỳ.
5. Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước. Điểm xét trúng tuyển theo ngành đào tạo
Điểm các tổ hợp môn xét tuyển bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.
Ngoài xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, Phân hiệu Kon Tum có xét tuyển các ngành theo kết quả học tập trong học bạ của thí sinh (xem thông tin chi tiết trong đề án tuyển sinh riêng của ĐH Đà Nẵng).
Trong tổng số 650 chỉ tiêu có 50 chỉ tiêu liên thông chính từ CĐ lên ĐH chính quy.
6. Khoa Y - dược
Khoa Y - dược xác định điểm xét trúng tuyển theo ngành đào tạo.
7. Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước. Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Ngoài xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia,VN-UK có xét tuyển các ngành theo kết quả học tập trong học bạ của thí sinh (xem thông tin chi tiết trong đề án tuyển sinh riêng của ĐH Đà Nẵng).
8. Trường CĐ Công nghệ
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước.
Hệ chính quy: xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp PTTH, đã dự thi THPT quốc gia 2016, có điểm xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ CĐ do Bộ GD-ĐT qui định.
Hệ chính quy liên thông: xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp TCCN, đã dự thi THPT quốc gia 2016, có đăng ký thi để xét tuyển CĐ hệ liên thông, có điểm xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cấp CĐ do Bộ GD-ĐT qui định.
Trong tổng số 2.150 chỉ tiêu có 100 chỉ tiêu liên thông từ CĐ lên ĐH chính quy.
Ngành Công nghệ kỹ thuật kiến trúc: xét tuyển riêng đối với thí sinh có dự thi năng khiếu môn Vẽ mỹ thuật do các trường ĐH tổ chức. Các môn khác lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia (xem thông tin trong đề án tuyển sinh riêng của ĐH Đà Nẵng).
Ngoài xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, Trường có xét tuyển các ngành theo kết quả học tập trong học bạ của thí sinh (xem thông tin chi tiết trong đề án tuyển sinh riêng của ĐH Đà Nẵng). Nhà trường dành tối thiểu 60% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả thi THPT 2016, phần còn lại sẽ được dùng để xét tuyển theo học bạ.
9. Trường CĐ Công nghệ thông tin
Nhà trường tuyển sinh trong cả nước. Ngoài xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, Trường CĐ Công nghệ thông tin có xét tuyển các ngành theo kết quả học tập trong học bạ của thí sinh (xem thông tin chi tiết trong đề án tuyển sinh riêng của ĐH Đà Nẵng).
Điểm chuẩn trúng tuyển chung cho toàn trường; sau đó xét vào ngành, chuyên ngành.
Trong 1.000 chỉ tiêu CĐ chính quy có 150 chỉ tiêu liên thông chính quy cho 3 ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ thông tin.
ĐH Huế
ĐH Huế vừa công bố phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 và chỉ tiêu dự kiến theo ngành của tất cả trường thành viên.ĐH Huế có 8 trường ĐH thành viên, 2 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu là Trường ĐH Khoa học (DHT), Trường ĐH Sư phạm (DHS), Trường ĐH Y dược (DHY), Trường ĐH Nông lâm (DHL), Trường ĐH Nghệ thuật (DHN), Trường ĐH Kinh tế (DHK), Trường ĐH Ngoại ngữ (DHF), Trường ĐH Luật (DHA), Khoa Giáo dục thể chất (DHC), Khoa Du lịch (DHD) và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị (DHQ).
ĐH Huế tổ chức một Hội đồng tuyển sinh chung để tuyển sinh cho tất cả các trường thành viên, khoa trực thuộc và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.
Năm 2016, ĐH Huế tuyển sinh trong cả nước, theo 2 phương thức: dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 áp dụng cho tất cả các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc và phân hiệu.
Đồng thời xét tuyển theo học bạ THPT áp dụng cho thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Nghệ thuật, Khoa Giáo dục thể chất (GDTC), Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị và ngành kiến trúc của Trường ĐH Khoa học.
ĐH Huế không sử dụng kết quả miễn thi môn Ngoại ngữ của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 để tuyển sinh. Điểm trúng tuyển xác định theo ngành học, không phân biệt tổ hợp môn thi.
1. Khoa Giáo dục thể chất
Thí sinh xét tuyển vào ngành Giáo dục thể chất, ngoài các môn văn hóa, phải thi môn năng khiếu theo quy định, gồm bật xa tại chỗ, chạy cự ly 100m, chạy luồn cọc. Điểm môn năng khiếu có hệ số 2.
Điều kiện xét tuyển điểm thi môn năng khiếu chưa nhân hệ số phải >= 5,0. Thí sinh phải có thể hình cân đối; không bị dị tật, dị hình; không bị bệnh tim mạch; nam cao 1,65m, nặng 45kg trở lên; nữ cao 1,55m, nặng 40kg trở lên.
Khoa Giáo dục thể chân tuyển sinh theo 2 phương thức:
Phương thức 1: Sử dụng kết quả thi các môn Toán, Sinh học của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và kết quả điểm thi môn năng khiếu do khoa tổ chức thi riêng để xét tuyển.
Khoa dành 50% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này.
Phương thức 2: Sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT của 5 học kỳ (2 học kỳ năm học lớp 10, 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12) và kết quả điểm thi môn năng khiếu do Khoa tổ chức thi riêng để xét tuyển.
Điều kiện điểm trung bình cộng của 5 học kỳ các môn Toán và Sinh học phải >= 10.0, làm tròn đến 1 chữ số thập phân (điểm môn toán của 5 học kỳ + điểm môn Sinh học của 5 học kỳ)/5 >= 10.0.
Khoa dành 50% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này. Điểm trúng tuyển được lấy từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu.
2. Trường ĐH Ngoại ngữ
Các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh điều kiện xét tuyển là điểm môn Tiếng Anh chưa nhân hệ số phải >= 5.0.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga được giảm 50% học phí.
3. Trường ĐH Kinh tế
Ngành Tài chính - ngân hàng (liên kết đào tạo đồng cấp bằng với Trường ĐH Rennes I, Cộng hòa Pháp): chương trình được xây dựng dựa trên sự kết hợp những yếu tố vượt trội của hai chương trình giáo dục Pháp - Việt Nam nhằm đào tạo những cử nhân ưu tú trong lĩnh vực Tài chính - ngân hàng.
Thời gian đào tạo: 4 năm, trong đó năm thứ 4 học tại Trường ĐH Rennes I - Cộng hòa Pháp nếu đáp ứng yêu cầu về kiến thức khoa học và tiếng Pháp theo quy định. Bằng tốt nghiệp: sinh viên được cấp hai bằng ĐH chính quy của Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế và ĐH Rennes I - Cộng hòa Pháp.
Học phí: 15 triệu đồng/học kỳ (không bao gồm chi phí học tại Pháp), không thay đổi trong suốt khóa học. Ưu đãi: sinh viên sang học ở Pháp được hưởng mọi ưu đãi dành cho sinh viên của ĐH Rennes I - Cộng hòa Pháp (ký túc xá, hỗ trợ xã hội, học tập).
Ngành Kinh tế nông nghiệp - tài chính (đào tạo theo chương trình tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh theo chương trình đào tạo của Trường ĐH Sydney, Australia): trình độ tiếng Anh trong năm học thứ nhất nhà trường dạy tiếng Anh để sinh viên học đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu.
Thời gian đào tạo: 4 năm. Học phí 9 triệu đồng/học kỳ cho bốn học kỳ đầu; 10 triệu đồng/học kỳ cho 4 học kỳ sau.
4. Trường ĐH Nghệ thuật
Thí sinh xét tuyển vào các ngành của Trường ĐH Nghệ thuật, ngoài môn văn hóa, thí sinh phải thi các môn năng khiếu theo quy định. Các ngành: Hội họa; Sư phạm Mỹ thuật; Đồ họa; Thiết kế đồ họa; Thiết kế thời trang; Thiết kế nội thất thi môn Hình họa và Trang trí. Ngành Điêu khắc thi môn Tượng tròn và Phù điêu.
Điểm các môn năng khiếu có hệ số 2 và mỗi môn năng khiếu chưa nhân hệ số phải >= 5.0.
Trường ĐH Nghệ thuật tuyển sinh theo 2 phương thức:
Phương thức 1: sử dụng kết quả thi môn Ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và kết quả điểm thi các môn năng khiếu do trường tổ chức thi riêng để xét tuyển. Trường dành 70% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này.
Phương thức 2: Sử dụng kết quả học tập môn Ngữ văn ở bậc THPT của 5 học kỳ (2 học kỳ năm học lớp 10, 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12) và kết quả điểm thi các môn năng khiếu do trường tổ chức thi riêng để xét tuyển.
Điều kiện điểm trung bình cộng môn Ngữ văn của 5 học kỳ phải >= 5.0, làm tròn đến 1 chữ số thập phân. Trường dành 30% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này. Điểm trúng tuyển được lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
5. Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị
Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị tuyển sinh theo 2 phương thức:
Phương thức 1: Sử dụng kết quả điểm thi các môn theo tổ hợp môn thi tương ứng của kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển vào các ngành đào tạo. Phân hiệu dành 70% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này.
Phương thức 2: Sử dụng kết quả học tập của các môn trong tổ hợp môn thi đăng ký xét tuyển ở bậc THPT của 5 học kỳ (2 học kỳ năm học lớp 10, 2 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12) để xét tuyển.
Điều kiện điểm trung bình cộng 5 học kỳ của các môn này phải >= 18.0, làm tròn đến 1 chữ số thập phân. Phân hiệu dành 30% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này.
Điểm trúng tuyển được lấy từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu.
6. Trường ĐH Sư phạm
Điều kiện xét tuyển vào tất cả các ngành đào tạo của Trường ĐH Sư phạm là điểm hạnh kiểm của 3 năm học lớp 10, 11, 12 phải đạt từ loại khá trở lên (căn cứ theo học bạ THPT).
Ngành Vật lý đào tạo theo chương trình tiên tiến của Trường ĐH Virginia Hoa Kỳ, giảng dạy bằng tiếng Anh.
Điều kiện xét tuyển: căn cứ kết quả điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 của hai tổ hợp môn thi là Toán, Vật lý, Hóa học (A00) hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh (A01) (môn Vật lý nhân hệ số 2) và điểm trung bình cộng môn Tiếng Anh của các năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 phải >= 6.0, làm tròn đến một chữ số thập phân.
Kết quả điểm của hai tổ hợp trên phải bằng hoặc lớn hơn điểm trúng tuyển vào ngành Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế.
Trường sẽ xét tuyển thí sinh có kết quả điểm của hai tổ hợp trên từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển đối với những thí sinh đạt các giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2016 các môn Toán, Vật lý, Hóa học và Tin học.
Trong số chỉ tiêu của các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Hóa học và Sư phạm Sinh học, mỗi ngành có 30 chỉ tiêu đào tạo bằng Tiếng Anh.
Thí sinh xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non, ngoài các môn văn hóa, thí sinh phải thi các môn năng khiếu theo quy định, gồm: Hát tự chọn, Đọc diễn cảm, Kể chuyện theo tranh; môn năng khiếu ngành Giáo dục Mầm non có hệ số 1.
Điểm trúng tuyển được lấy từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu.
7. Trường ĐH Khoa học:
Thí sinh xét tuyển vào ngành Kiến trúc (khối V), ngoài các môn văn hóa, thí sinh phải thi môn năng khiếu (Vẽ mỹ thuật) theo quy định. Môn Toán có hệ số 1,5; môn Vẽ Mỹ thuật có hệ số 2 (gồm Vẽ Mỹ thuật 1: 6 điểm và Vẽ Mỹ thuật 2: 4 điểm).
Điều kiện xét tuyển đối với ngành Kiến trúc là điểm môn Vẽ mỹ thuật chưa nhân hệ số phải >= 5,0.
Đối với ngành Kiến trúc, trường tuyển sinh theo 2 phương thức:
Phương thức 1: Sử dụng kết quả thi các môn Toán, Vật lý, Ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (theo tổ hợp môn thi đăng ký xét tuyển) và kết quả điểm thi môn Vẽ mỹ thuật do Trường tổ chức thi riêng để xét tuyển. Trường dành 80% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này.
Phương thức 2: Sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT của 4 học kỳ (2 học kỳ năm học lớp 11 và 2 học kỳ năm học lớp 12) các môn Toán, Vật lý hoặc Toán, Ngữ văn và kết quả điểm thi môn Vẽ mỹ thuật do Trường tổ chức thi riêng để xét tuyển.
Điều kiện điểm trung bình cộng 4 học kỳ của các môn trong tổ hợp môn thi đăng ký xét tuyển phải >= 12.0, làm tròn đến 1 chữ số thập phân. Trường dành 20% chỉ tiêu ngành để tuyển sinh theo phương thức này. Điểm trúng tuyển được lấy từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu.
8. Trường ĐH Y dược
Điểm ngưỡng nộp hồ sơ xét tuyển: Y đa khoa: 24 điểm; Răng hàm mặt: 24 điểm; Y học dự phòng: 21 điểm; Y học cổ truyền: 21 điểm; Dược học: 24 điểm; Điều dưỡng: 21 điểm; Kỹ thuật hình ảnh y học: 21 điểm; Xét nghiệm y học: 21 điểm; Y tế công cộng: 18 điểm
Tất cả các tổ hợp môn thi mới này chỉ được xét tuyển tối đa 25% tổng chỉ tiêu của ngành.
ĐH GTVT cơ sở 2 tại TP.HCM công bố chỉ tiêu theo khối
Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 tại TP.HCM vừa công bố chỉ tiêu và phương thức xét tuyển năm 2016.
Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu của 14 ngành đào tạo bậc ĐH. Trường xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2016, xét tuyển hai khối thi: A (Toán, Lý, Hóa) và A1 (Toán, Lý, tiếng Anh).
Chỉ tiêu dự kiến cho từng tổ hợp môn theo ngành như sau:
Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở II tại TP.HCM (GSA) | Chỉ tiêu dự kiến | |
Ngành học / Mã Ngành | Khối A | Khối A1 |
Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông/ D580205 | 470 | 155 |
Kỹ thuật xây dựng/ D580208 | 128 | 42 |
Kỹ thuật cơ khí/ D520103 | 90 | 30 |
Kỹ thuật điện tử, truyền thông/ D520207 | 38 | 12 |
Kỹ thuật điện, điện tử/ D520201 | 30 | 10 |
Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa/ D520216 | 30 | 10 |
Công nghệ thông tin/ D480201 | 38 | 12 |
Khai thác vận tải/ D840101 | 38 | 12 |
Kinh tế vận tải/ D840104 | 30 | 10 |
Kinh tế xây dựng/ D580301 | 87 | 28 |
Kinh tế/ D310101 | 38 | 12 |
Kế toán/ D340301 | 45 | 15 |
Quản trị kinh doanh/ D340101 | 38 | 12 |
Kỹ thuật môi trường/ D520320 | 30 | 10 |
ĐH Xây dựng Miền Trung tuyển sinh 6 tổ hợp môn thi
Năm 2016, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung tuyển sinh trong cả nước tại hai cơ sở đào tạo tại Phú Yên và tại Đà Nẵng.
Nhà trường tuyển sinh theo các hình thức xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 và xét tuyển từ điểm học bạ THPT. Đồng thời, kết hợp thi tuyển và xét tuyển (ngành Kiến trúc).
Tổ hợp các môn xét tuyển: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); D01 (Toán, Ngữ văn, Anh văn); A01 (Toán, Vật lý, Anh văn); V00 (Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật); C01 (Toán, Vật lý, Ngữ văn); V01 (Toán, Ngữ văn, Vẽ mỹ thuật).
Điểm trúng tuyển theo ngành. Đối với ngành Kiến trúc, nhà trường lựa chọn hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển: thi tuyển môn Vẽ mỹ thuật (vẽ tĩnh vật) tại Trường ĐH Xây dựng Miền Trung vào các ngày 20,21-7-2016 (dự kiến).
Hồ sơ đăng ký dự thi nộp về Trường ĐH Xây dựng Miền Trung từ ngày 1-4 đến ngày 30-6-2016. Ngoài ra nhà trường cũng công nhận kết quả môn Vẽ mỹ thuật của thí sinh thi tại các trường ĐH khác.
Đối với các môn văn hóa: Toán, Ngữ văn hoặc Toán, Vật lý, xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào học bạ THPT (6 học kỳ của 3 năm học THPT).
Địa điểm tuyển sinh đào tạo tại Phú Yên
Hình thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Điều kiện xét tuyển, thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bằng ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu của bậc đại học do Bộ GD-ĐT quy định.
Ngành Kiến trúc, môn Vẽ mỹ thuật thi vẽ tĩnh vật, nhân hệ số 2, lấy từ kết quả thi tại Trường ĐH Xây dựng Miền Trung hoặc từ các trường ĐH khác.
Hình thức xét tuyển dựa vào học bạ THPT, nhà trường dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển; điều kiện xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT và hạnh kiểm cả 3 năm THPT từ khá trở lên; điểm trung bình chung của các môn theo khối xét tuyển (cả 6 học kỳ) đạt từ 6.0 trở lên;
Riêng ngành Kiến trúc, môn Vẽ mỹ thuật thi vẽ tĩnh vật, nhân hệ số 2, lấy từ kết quả thi tại Trường ĐH Xây dựng miền Trung hoặc từ các trường ĐH khác; Môn Toán, Vật lý hoặc Toán, Ngữ văn có điểm trung bình chung của 2 môn (cả 6 học kỳ) đạt từ 6.0 trở lên.
Hệ liên thông chính quy: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Thi tuyển tại trường, các môn thi tuyển gồm có: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành.
Địa điểm tuyển sinh đào tạo tại Đà Nẵng: Tiêu chí xét tuyển như tiêu chí xét tuyển ĐH tại trụ sở chính Phú Yên.
H.Minh (tổng hợp)