Bộ GD&ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến xã hội đối với Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đây là một trong những nội dung được đông đảo dư luận quan tâm bởi đây là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của chương trình GDPT 2018.
Cần đồng bộ đổi mới dạy và thi
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV để lắng nghe những đánh giá đối với các nội dung tại Dự thảo.
Ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng của Bộ GD&ĐT cho đề án thi, đại biểu đánh giá dự thảo có nhiều điểm mới đáng lưu ý. Cụ thể, điểm mới nhất về quy định số môn thi, trong đó có 4 môn thi bắt buộc (thêm môn Lịch sử). Về phân quyền tổ chức, kỳ thi sẽ được các địa phương tổ chức và xét công nhận tốt nghiệp. Đặc biệt, tính chất kỳ thi cũng khác, thay vì là kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét đại học) thì đến năm 2025, kết quả thi sẽ là dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Lý giải về sự thay đổi này, Bộ GD&ĐT cho biết 2025 sẽ là năm đầu tiên học sinh của Chương trình GDPT 2018 thi tốt nghiệp. Vì vậy, để chuẩn hoá cho việc cải cách chương trình, đổ mới sách giáo khoa thì phải đối mới cách thi cử.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ lo ngại: “Không phải học sinh nào cũng lựa chọn học các tổ hợp xã hội và thi các ngành có môn Lịch sử. Các em cũng e ngại nếu môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong khi cách dạy vẫn dập khuôn như cũ thì rất khó khăn cho việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học”.
Đại biểu cũng nhìn nhận rằng Lịch sử vẫn là môn học "rất khó" khi các em phải ghi nhớ nhiều con số, dữ liệu, sự kiện. “Khi chúng ta quy định Lịch sử là môn thi bắt buộc thì phải có hình thức học tập phù hợp để học sinh vừa là có cơ hội học kỹ lịch sử, nắm được lịch sử nhưng cũng không gây áp lực cho các em”, bà Nga cho biết.
10 năm, 3 lần đổi mới, ngổn ngang trăm mối
Băn khoăn thứ 2 đó là trong 10 năm từ 2015-2025, chúng ta đã đổi mới kỳ thi THPT tới 3 lần, “Với tần suất như vậy tôi cho là khá dày, điều quan trọng nữa dường như sau một thời gian chúng ta thực hiện cải cách và đổi mới giáo dục thì lại quay về điểm xuất phát”, vị đại biểu chia sẻ với Người Đưa Tin.
Nhìn lại những mốc thời gian thay đổi có thể thấy, năm 2015, lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Kỳ thi này thay thế kỳ thi đại học “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả).
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành kỳ tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp, nên đề thi có phần giảm tải, tính phân loại không cao. Vì thế các trường đại học, đặc biệt là nhóm trường top trên đã áp dụng tiêu chí phụ trong xét tuyển, bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh. Và đến nay, đang trong quá trình xây dựng phương án cho kỳ thi năm 2025.
“Trước kia các tỉnh tự tổ chức thi tốt nghiệp và các trường đại học sẽ tổ chức thi đại học, sau một thời gian với rất nhiều lý lẽ chúng ta tổ chức kỳ thi 2 trong 1 và giờ đây học sinh lại phải tham gia 2 kỳ thi”, bà Nga cho biết. nữ đại biểu có lo ngại trên là bởi theo dự thảo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ là dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Đại biểu đoàn Hải Dương đánh giá: “Hiện nay ngành giáo dục cũng nhận thấy nếu chỉ để một kỳ thi 2 trong 1 có rất nhiều bất cập trong việc phân hoá học sinh, các em tốt nghiệp nhưng các trường tuyển sinh khá khó khăn.
Học sinh điểm cao rất nhiều khiến cho 29 điểm vẫn trượt đại học, trong thời gian vừa qua cũng có nhiều kẽ hở trong việc tổ chức thi khiến cho kết quả chưa thực sự đánh giá khách quan”.
Chính vì vậy nhiều trường đại học cũng “không tin tưởng lắm” vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo theo nở rộ tổ chức các kỳ thi riêng, tự tuyển sinh để chọn thí sinh phù hợp khiến vô hình chung học sinh vẫn phải tham gia 2 kỳ thi.
Trên thực tế việc quy định về tự chủ tổ chức kỳ thi riêng mới được đề cập tại điều 12 của Thông tư 08 và cũng chưa được hướng dẫn cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên đại biểu cho rằng đang mỗi trường làm một kiểu, còn thí sinh lại tiếp tục rơi vào mê cung không biết học kiểu gì, ôn kiểu gì để đáp ứng được các kỳ thi như hiện nay. “Còn nhiều điều ngổn ngang, nếu chúng ta làm tốt kỳ thi 2 trong 1 thì vẫn có tác dụng thay vì sửa đổi như trong dự án”, bà Nga đánh giá.
Theo đó, dù tổ chức thi như thế nào vẫn cần tính minh bạch, công bằng và nghiêm túc trong quá trình thực hiện quy chế thi cử. Cấu trúc đề thi cần đảm bảo được sự phân hoá thí sinh, tránh trường hợp 29 điểm trượt đại học và các trường loay hoay không biết tuyển sinh kiểu gì.
“Tôi rất mong muốn dự thảo được xem xét kỹ lưỡng lấy ý kiến của các bên. Việc đổi mới là cần thiết nhưng tránh việc đổi mới xong một vài năm sau lại đổi mới tiếp”, bà Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.